Để kinh tế biển Khánh Hòa phát triển xứng tầm

Thứ ba - 01/02/2022 22:54
Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ nước ta, tỉnh Khánh Hòa chiếm vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng: tựa vào thế núi Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây, hướng
Để kinh tế biển Khánh Hòa phát triển xứng tầm

L.T.S: PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) là một nhà giáo, nhà khoa học nhiệt thành, nhà quản lý giàu tâm huyết, đã có nhiều cống hiến đáng trân trọng cho sự phát triển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhân dịp đầu Xuân mới, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đã gửi Báo Khánh Hòa bài viết của mình về Nha Trang, Khánh Hòa - nơi ông dành nhiều tình cảm và kỳ vọng phát triển đối với vùng đất này…


Tiềm năng và lợi thế vượt trội


Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ nước ta, tỉnh Khánh Hòa chiếm vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng: tựa vào thế núi Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây, hướng “mặt tiền” ra biển ở phía Đông và có huyện đảo xa bờ Trường Sa. Giữa không gian núi non và biển cả hiện diện một dải đồng bằng ven biển rất hẹp (khoảng 400km2) với đường bờ biển dài (khoảng 385 km) và chỉ số biển (Maritime index) thuộc loại cao nhất nước. Địa hình tương phản giữa núi và biển lại được ngăn cách bởi các nhánh núi từ dãy Trường Sơn ăn lan ra biển, nên sông suối ngắn và dốc, có nhiều đèo và các mũi nhô đan xen với các cửa lạch, đầm, vũng vịnh ven bờ và ven đảo. Có Mũi Đôi được xem là “Điểm cực Đông - nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam» nên Khánh Hòa cũng tiếp cận trực tiếp với biển khơi và đại dương, gần đường hàng hải quốc tế cắt qua Biển Đông. Thềm lục địa rất hẹp và sườn lục địa rất dốc do bồn trũng nước sâu “kiểu đại dương”- nơi được xem là “kho báu” trong Biển Đông, nằm áp sát bờ biển Khánh Hòa. Thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn có bồn trầm tích chứa dầu Trường Sa và phần lớn bồn Phú Khánh. Ngoài dầu khí, gần đây còn phát hiện được các biểu hiện băng cháy và sa khoáng chôn vùi của các nguyên tố hiếm. Ở vùng ven biển còn có cát thuỷ tinh, sa khoáng bãi biển, vật liệu xây dựng,...

 


Với khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và quần đảo san hô Trường Sa ở ngoài khơi trong một miền khí hậu đầy nắng gió, Khánh Hòa được đánh giá là tỉnh có tiềm năng bảo tồn biển cao nhất với Khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam (vịnh Nha Trang) và khu bảo tồn biển Nam Yết (huyện đảo Trường Sa) xa đất liền nhất. Các rạn san hô ở vùng biển huyện đảo Trường Sa còn là “ngôi nhà chung” của hàng nghìn loài sinh vật biển, là nơi cung cấp dinh dưỡng, nguồn giống và nguồn lợi hải sản cho phần lớn Biển Đông, góp phần duy trì nghề cá bền vững không chỉ của Khánh Hòa, của Việt Nam, mà còn của các nước khác trong khu vực. Đặc biệt, ven biển huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa hiện diện một vùng đồng bằng cát với hệ cồn đụn cát (đồi cát) hình thành do gió, và các bãi cát biển trắng mịn (Bãi Dài,...) tạo nên khung cảnh thiên nhiên ven biển “hoang sơ, hoang dã”, độc đáo, và cũng là các “đê cát tự nhiên” ngăn chặn nước biển dâng do biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương. Ngoài ra, ở vùng biển Khánh Hòa còn có nguồn lợi rong biển, các bãi đặc sản ven bờ (sò huyết, tu hài,...) và nguồn lợi hải sản lớn, trong đó có cá ngừ, cá rạn san hô,...


Các yếu tố biển, đảo và vùng ven biển hòa quyện nhau tạo nên cảnh quan “sơn thủy” hữu tình, kỳ ảo, hiếm gặp, cùng với nguồn vốn tự nhiên biển phong phú, đa dạng là những lợi thế vượt trội, tạo tiền đề cho Khánh Hòa phát triển một nền kinh tế biển toàn diện, xanh và bền vững. Trong đó, vùng ven biển với các vịnh và các đảo sát bờ trở thành “động lực phát triển” đối với không gian kinh tế biển và ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng vào không gian “kinh tế đất liền” của tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy liên kết vùng cả trong nước và quốc tế. Vùng ven biển này cũng là “bàn đạp” và hậu phương cho các hoạt động biển xa, gắn kinh tế biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông. Vậy thì, nội hàm phát triển kinh tế biển Khành Hòa còn vượt khỏi tầm của tỉnh. Nghĩa là Khánh Hòa phát triển không chỉ riêng cho tỉnh mà còn vì các tỉnh lân cận, và thực hiện sứ mạng chính trị Đảng và Nhà nước giao, cũng như để khẳng định vị thế của Trường Sa trong Biển Đông và trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do.


Nút thắt và khát vọng bứt phá


Hiện nay, Khánh Hòa đang tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020-2025), Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo đó, Khánh Hòa phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước vào năm 2025; phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030; và đến năm 2045 trở thành địa phương phát triển hiện đại, thu nhập bình quân của người dân thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Khánh Hòa cũng đặt mục tiêu Vân Phong trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, với các ngành chủ lực về năng lượng, đóng tàu, dịch vụ vận tải biển,...của khu vực và cả nước. Đây là hướng đi đúng, mang tầm chiến lược, thể hiện khát vọng phát triển của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa.


Tuy nhiên, để kinh tế biển Khánh Hòa phát triển xứng tầm, hiệu quả và bền vững, thực hiện được khát vọng nêu trên, tỉnh cần chú trọng một số nguyên tắc cơ bản trong quá trình phát triển: Duy trì trạng thái cân bằng giữa phát triển và môi trường; Bảo đảm công bằng hưởng thụ giữa các thế hệ (làm sao có “của ăn, của để”); Phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đại dịch Covid-19; Điều chỉnh linh hoạt để đạt được “lợi ích kép” cho từng phương án phát triển. Bên cạnh đó, cần lấy phát triển kinh tế biển làm “trục đỡ” chính để điều chỉnh các mối quan hệ với: bảo đảm an ninh, quốc phòng; bảo vệ môi trường biển; bảo tồn tài nguyên biển; phát huy các giá trị văn hóa biển đặc trưng; giải quyết an sinh xã hội cho người dân ven biển và trên các đảo; và tổ chức lại không gian phát triển kinh tế của tỉnh. Theo đó, tổ chức thực hiện tốt 6 nhiệm vụ chủ yếu (tương ứng 6 động từ hành động) là: Duy trì nguồn vốn tự nhiên biển, Bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển;  Bảo vệ môi trường biển, bao gồm rác thải nhựa đại dương; Phát triển kinh tế biển xanh và bền vững; Thực thi hiệu quả các chính sách pháp luật về biển, và Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về phát triển bền vững kinh tế biển.  


Giải pháp bao trùm


Các phân tích trên cho thấy, Khánh Hòa có lợi thế phát triển bền vững các ngành kinh tế biển then chốt, truyền thống và một số ngành mới, như: kinh tế du lịch biển, kinh tế hàng hải-cảng biển, kinh tế thủy sản (khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển, nuôi biển và nghề cá giải trí), kinh tế đô thị biển, kinh tế đảo, năng lượng biển tái tạo, dầu khí, dược liệu biển, khoa học-công nghệ (KHCN) biển đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực dịch vụ biển (chế biến thủy sản, sản xuất giống thủy sản, dịch vụ logistics, dịch vụ cảng biển, dịch vụ du lịch,...). Tuy nhiên, phát triển các ngành/ lĩnh vực kinh tế biển luôn có tính cạnh tranh, nên giải pháp bao trùm là cần phân bổ hợp lý các phân vùng không gian biển, đảo và vùng ven biển, phù hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia nhằm giảm thiểu các mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian sử dụng trong cùng một vùng biển. Nhất là, không nên “đồng nhất hóa” việc sử dụng các vũng vịnh ven bờ để tránh phát triển ngành này lại triệt tiêu tiềm năng phát triển ngành khác vì chúng khác nhau về chức năng, lợi thế so sánh và tính vượt trội. Ngoài ra, cần thực hiện tốt phương thức quản lý tổng hợp biển và vùng ven biển trên cơ sở phối hợp liên ngành, liên vùng, liên cơ quan và tích hợp các vấn đề quản lý biển, đảo với các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có Mục tiêu 14 về biển và Mục tiêu 6 về lưu vực sông để kiểm soát hiệu quả các tác động từ đất liền đối với biển. Ưu tiên tăng cường và mở rộng diện tích bảo tồn biển gắn với phát triển các ngành kinh tế dựa vào các giá trị bảo tồn và hài hòa lợi ích của các bên liên quan và người dân trong các vũng vịnh ven bờ, trên một số đảo lớn ven bờ (như hòn Tre,...) và ở huyện đảo Trường Sa. KHCN, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao là giải pháp đột phá để phát triển bền vững kinh tế biển. Khánh Hòa cần cụ thể hóa, hiện thực hóa để thực sự trở thành trung tâm quốc gia về phát triển và chuyển giao công nghệ đại dương tiên tiến, tạo cơ hội để quy tụ đội ngũ cán bộ KHCN trên địa bàn tỉnh, ở Việt Nam và thu hút các nhà khoa học, chuyên gia giỏi quốc tế đến làm việc tại Khánh Hòa,...


Có thể nói, Khánh Hòa hội tụ nhiều lợi thế vượt trội cho phát triển kinh tế biển, như: các lợi thế về địa lý, vị thế địa chiến lược đặc thù (địa chính trị, địa kinh tế và địa văn hóa); tầm quan trọng đặc biệt của huyện đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh và cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế Vân Phong; các giá trị toàn cầu và quốc gia của vịnh đẹp Nha Trang và bán đảo Hòn Gốm; nơi tập trung các cơ quan nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực biển, và một trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước,...Tuy nhiên, việc thúc đẩy, tháo gỡ các nút thắt, tạo đà cho kinh tế biển Khánh Hòa phát triển theo đúng nghĩa của nó, đòi hỏi tư duy, tầm nhìn chiến lược mới, đúng đắn và trách nhiệm từ Đảng bộ và chính quyền tỉnh Khánh Hòa, cần “lực kéo” từ các doanh nghiệp, sự chung tay của người dân, và đặc biệt là sự chỉ đạo tiếp tục của Trung ương, Bộ Chính trị thông qua các cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho Khánh Hòa và giúp Khánh Hòa hoàn thành sứ mạng lịch sử đất nước giao phó.



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp