Các vùng đặc biệt khó khăn ở Cam Ranh: Đời sống người dân được quan tâm

Chủ nhật - 22/08/2021 11:39
Hầu hết người dân ở các thôn đặc biệt khó khăn của TP. Cam Ranh là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai. Do đó, những năm qua, thành phố đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ các mô hình sản xuất mới, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn đặc biệt khó khăn để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Các vùng đặc biệt khó khăn ở Cam Ranh: Đời sống người dân được quan tâm

Hầu hết người dân ở các thôn đặc biệt khó khăn của TP. Cam Ranh là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai. Do đó, những năm qua, thành phố đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ các mô hình sản xuất mới, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn đặc biệt khó khăn để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.


Nhiều hộ thoát nghèo


Từ năm 2017 đến 2020, thôn Giải phóng (xã Cam Phước Đông) và thôn Sông Cạn Trung (xã Cam Thịnh Tây) thuộc diện đặc biệt khó khăn. 2 thôn này đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi chưa cao. Khu vực này đất đai khô cằn, sản xuất phụ thuộc vào nước mưa; cây trồng chủ yếu là bắp, đào, mía, vật nuôi chính là bò, dê; hiệu quả sản suất thấp. Vì thế, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với 2 thôn này.

 

Mô hình nuôi bò ở thôn Sông Cạn Trung giúp cải thiện kinh tế.

Mô hình nuôi bò ở thôn Sông Cạn Trung giúp cải thiện kinh tế.


2 năm 2017 - 2018, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã hỗ trợ thôn Giải Phóng và thôn Sông Cạn Trung xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Kết quả, 35 hộ dân tại 2 thôn Sông Cạn Trung và Giải Phóng đã được hỗ trợ 350 triệu đồng để nuôi dê sinh sản (3 con/hộ). Ngoài ra, Nhà nước còn đầu tư 1,1 tỷ đồng để xây dựng đường dân cư, sửa chữa, cải tạo trường mầm non thôn Sông Cạn Trung; kiên cố hóa kênh mương tại thôn Giải Phóng…


Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phước Đông cho biết, sau 5 năm, đời sống người dân thôn Giải Phóng đã được nâng cao. Cuối năm 2016, trên địa bàn thôn có 117 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, 242 hộ cận nghèo; năm 2020 giảm chỉ còn 18 hộ nghèo, 220 hộ cận nghèo. Còn ông Mang Duyên - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây cho biết, năm 2016, thôn Sông Cạn Trung có 105 hộ nghèo, đến năm 2020 chỉ còn 41 hộ.


Theo đánh giá của UBND TP. Cam Ranh, 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với thôn đặc biệt khó khăn đã đem lại hiệu quả nhất định. Đến nay, các mô hình sản xuất mới đều phát triển tốt; công tác tuyên truyền đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số nắm rõ về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.


Tiếp tục quan tâm hỗ trợ


Ngày 4-6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II và khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Trong quyết định này, 2 thôn Giải Phóng, Sông Cạn Trung đã không còn nằm trong danh sách các thôn đặc biệt khó khăn.


Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, thôn Giải Phóng có 914 hộ, trong đó có 805 hộ là đồng bào Raglai. Nhờ các chính sách hỗ trợ cho thôn đặc biệt khó khăn mà người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ kinh phí nuôi dê giúp cải thiện kinh tế. Tuy nhiên, khi không còn nằm trong danh sách thôn đặc biệt khó khăn, Nhà nước chỉ hỗ trợ 85% mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ cận nghèo và 80% đối với hộ bình thường.


Theo ông Lê Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây, hiện nay, xã Cam Thịnh Tây có đến 99,9% dân số là đồng bào Raglai, điều kiện kinh tế rất khó khăn, đặc biệt là thôn Sông Cạn Trung. Khi thôn không còn nằm trong danh sách thôn đặc biệt khó khăn, một mặt người dân sẽ bị hạn chế trong thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng mặt khác lại là điều đáng mừng, chứng tỏ đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương những năm qua đã được cải thiện. Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt, học nghề, giải quyết việc làm nhằm nâng cao ý thức cho đồng bào Raglai. Đồng thời, vận động thanh niên trong độ tuổi lao động tham gia các lớp đào tạo nghề do tỉnh, thành phố tổ chức; theo dõi, giúp đỡ cho các hộ đồng bào thực hiện mô hình chăn nuôi dê để giúp phát triển kinh tế hộ gia đình.


Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, hiện nay, mô hình chăn nuôi dê là thích hợp nhất đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Cam Ranh. Các hộ nuôi dê phát triển tốt, đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập. Việc 2 thôn Giải Phóng và Sông Cạn Trung không còn nằm trong danh sách thôn đặc biệt khó khăn ít nhiều ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm đến 2 thôn này, nghiên cứu thêm các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để giúp người dân thoát nghèo, nâng cao đời sống.


VĂN KỲ


 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp