Cải tiến giàn xới đất trên máy cày

Thứ năm - 06/01/2022 02:41
Giải pháp
Cải tiến giàn xới đất trên máy cày
Giải pháp “Cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả của giàn xới đất trên máy cày” của nông dân Lê Tiến (Hội Nông dân xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) góp phần mang lại hiệu quả làm đất, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Giải pháp này đã đạt giải nhì tại hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ IX (2020-2021).

 

 

Những ngày này, khi nông dân trên địa bàn xã Ninh Phụng bước vào làm đất gieo trồng vụ lúa đông xuân thì máy cày của ông Lê Tiến hoạt động liên tục vì được người dân tin tưởng đặt làm đất. Theo ông Tiến, 2 thôn Điềm Tịnh và Phú Bình (xã Ninh Phụng) có hơn 70ha đất lúa, hưởng nguồn nước từ đập Đá Bàn phân phối cho 3 xã: Ninh Thân, Ninh Trung và Ninh Phụng. Mỗi khi vào vụ, 2 thôn này đều gieo sạ sau cùng bởi phải chờ các xã phía trên gieo sạ xong mới có nguồn nước về. Vì vậy, nếu muốn gieo sạ kịp thời vụ thì phải tranh thủ làm đất, cày ải trước. Trước đây, khi chưa có máy cày loại 4 bánh cỡ trung thì toàn bộ diện tích này trông chờ vào 4 chiếc máy cày cầm tay bánh sắt nên nhiều lúc không kịp lịch gieo sạ, nông dân phải tốn thêm chi phí bơm tát nước. Mặt khác, máy cày tay không thể xới đất sâu dẫn đến đất thoái hóa, chai cứng, cây lúa ít phát triển, năng suất không ổn định.
 
 
Với thực tế đó, ông Tiến đầu tư mua chiếc máy cày cỡ trung về xới đất phục vụ nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, máy bộc lộ một số hạn chế, nhất là ở khâu xới đất. Giàn xới có khoảng cách các răng khá thưa dẫn đến việc xới đất không nhuyễn, nhất là khi ruộng khô; bề mặt của răng quá dày không cắt triệt để gốc rạ, khiến rạ quấn vào cốt giàn xới phải dừng máy liên tục để khắc phục. Sau nhiều lần nghiên cứu thực tế, ông Tiến quyết tâm cải tiến giàn xới của máy cày. Cụ thể, ông cải tiến răng xới bằng thép tốt, thiết kế kiểu chữ J và C (thiết kế cũ kiểu J), tăng kích thước răng xới… Ngoài ra, trong quá trình cải tiến giàn xới, ông Tiến còn thiết kế thêm 2 bộ càng có khung chắn gắn mặt trước và sau của máy để phục vụ việc vận chuyển lúa giống, phân bón, các vật dụng khác, tăng công năng của máy.
 
 
Giàn xới đất cải tiến trên máy cày của ông Tiến phát huy hiệu quả làm đất.
Giàn xới đất cải tiến trên máy cày của ông Tiến phát huy hiệu quả làm đất.
 
 
Sau khi cải tiến, đất được xới nhanh hơn, nhuyễn hơn, mặt ruộng phẳng hơn; gốc rạ được cắt triệt để và dễ dàng được chôn sâu, không còn tình trạng trồi lên mặt ruộng khi gieo sạ. Quy trình vận hành của giàn xới êm hơn do số lượng răng được bố trí đều và theo hình xoắn ốc. Máy vận hành liên tục, không phải nghỉ giữa chừng đã giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí dầu máy.
 
 
Ông Lê Văn Toàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã nhận xét, việc cải tiến giàn xới đất trên máy cày của ông Tiến mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Quá trình cày xới nhanh hơn, không phải xới đi xới lại nhiều lần nên giảm được 30% chi phí mua dầu máy và tiền thuê người vận hành máy; đất sau khi đã xới tơi, xốp; lượng rơm rạ sau khi cày xới được phân hủy hoàn toàn trong đất, bổ sung dinh dưỡng cho đất, cây trồng dễ hấp thu, sinh trưởng tốt, giảm 25% chi phí mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, ông Tiến tận dụng được các thiết bị, vật tư sẵn có tại địa phương để bổ sung, thay thế khi giàn xới bị hỏng hóc trong quá trình sử dụng, tiết kiệm được thời gian và giảm 40% chi phí mua các vật dụng sửa chữa máy cày từ TP. Hồ Chí Minh. 
 
 
Hiện tại, 2 hộ khác trên địa bàn xã có máy cày là ông Lê Văn Đạo (thôn Phú Bình) và ông Nguyễn Sia (thôn Xuân Hòa 2) cũng đã cải tiến giàn xới đất như ông Tiến. Hội Nông dân xã đã hướng dẫn các hộ có máy cày loại 4 bánh sử dụng giàn xới đất tương tự để nâng cao chất lượng làm đất; đồng thời tổ chức thực hiện đồng loạt để theo dõi đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra toàn xã.
 
 
V.L
 
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp