Phần mềm huấn luyện động cơ tuabin khí: Hỗ trợ tốt cho công tác đào tạo, huấn luyện

Thứ năm - 08/12/2022 21:44
Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài cấp tỉnh: "Xây dựng phần mềm hỗ trợ huấn luyện kỹ thuật về động cơ tuabin khí phục vụ đào tạo nhân viên kỹ thuật trên tàu bảo vệ quần đảo Trường Sa" do Tiến sĩ Trần Quốc Toản - Học viện Hải quân làm chủ nhiệm. Kết quả này cho phép Học viện Hải quân rút ngắn thời gian đào tạo học viên mà vẫn đảm bảo chất lượng. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài cấp tỉnh: “Xây dựng phần mềm hỗ trợ huấn luyện kỹ thuật về động cơ tuabin khí phục vụ đào tạo nhân viên kỹ thuật trên tàu bảo vệ quần đảo Trường Sa” do Tiến sĩ Trần Quốc Toản - Học viện Hải quân làm chủ nhiệm. Kết quả này cho phép Học viện Hải quân rút ngắn thời gian đào tạo học viên mà vẫn đảm bảo chất lượng.


Theo Tiến sĩ Trần Quốc Toản, động cơ tuabin khí đóng vai trò quan trọng trong hệ thống động lực trên tàu thủy, nhất là các tàu hiện đại. Trong đó, hệ thống điều khiển động cơ tuabin khí tương đối phức tạp, đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật phải có tay nghề cao. Tuy nhiên, việc đào tạo, huấn luyện dựa trên tài liệu dạng văn bản; nội dung thực hành được thực hiện trên các trang thiết bị dưới tàu. Điều này gây tốn kém kinh phí phục vụ đào tạo, huấn luyện, dễ gây mất an toàn cho các trang thiết bị; nhiều nội dung học viên khó tiếp cận được vì trang, thiết bị không thể tháo lắp tùy tiện. Vì vậy, đòi hỏi học viện cần có thiết bị hay phần mềm mô phỏng có sự tương tác để đào tạo, huấn luyện đảm bảo yêu cầu. Do đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất đề tài “Xây dựng phần mềm hỗ trợ huấn luyện kỹ thuật về động cơ tuabin khí phục vụ đào tạo nhân viên kỹ thuật trên tàu bảo vệ quần đảo Trường Sa”.

 

Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Thanh - Học viện Hải quân hướng dẫn học viên  sử dụng phần mềm tại trung tâm huấn luyện.

Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Thanh - Học viện Hải quân hướng dẫn học viên sử dụng phần mềm tại trung tâm huấn luyện.


Sau thời gian 17 tháng (từ tháng 3-2021 đến tháng 8-2022), nhóm nghiên cứu đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Cụ thể, nhóm đã xây dựng phần mềm mô phỏng toàn bộ các chi tiết, cụm chi tiết phức tạp của động cơ tuabin khí ở dạng 3D, có sự tương tác hỗ trợ quá trình huấn luyện; mô phỏng chính xác nguyên lý làm việc của động cơ, các hệ thống bổ trợ, các bộ truyền động phức tạp dưới dạng 3D và 2D nhằm tăng sự sinh động trong quá trình huấn luyện, tăng khả năng tiếp thu của người học. Phần hệ thống điều khiển, giám sát đã mô phỏng toàn bộ giao diện tương tác tương tự như một hệ thống thực. Phần mềm lập trình điều khiển để người học có sự tương tác như đang thực hiện thao tác trên trang, thiết bị; có sự kết nối truyền thông giữa phần cứng và phần mềm để tăng tính thực tiễn cũng như tăng kỹ năng vận hành của người học. Phần mềm đã mô phỏng đúng quy trình tháo lắp, bảo dưỡng một số cụm chi tiết cơ bản dựa trên thuyết minh kỹ thuật. Sau khi học, để đánh giá khả năng tiếp thu của học viên, phần mềm đã tích hợp một chương trình kiểm tra đánh giá dưới hình thức trắc nghiệm.


Học viên Dương Thành Nguyên - Học viện Hải quân cho biết: “Khi sử dụng phần mềm, việc tiếp thu các nội dung rất sinh động, không còn trừu tượng. Một số chi tiết thực tế không thể tháo ra, chúng tôi có thể nghiên cứu thông qua các hình ảnh 3D. Đặc biệt, về thực hành quy trình khai thác, nếu chỉ học lý thuyết thì chúng tôi không thể hình dung được. Nhưng khi sử dụng phần mềm chúng tôi vừa thực hành để ôn lại lý thuyết vừa nâng cao kỹ năng. Thời gian trước đây, để hiểu được tổng thể về động cơ là cả một quá trình, nhưng hiện nay chỉ vài buổi huấn luyện là chúng tôi có thể nắm bắt được những vấn đề cốt lõi và mạnh dạn thao tác vận hành với một tâm lý thoải mái”.


Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Tất Hiển (Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đây là sản phẩm có ý nghĩa thực tiễn và khoa học, phù hợp với xu hướng số hóa hiện nay, hỗ trợ đắc lực công tác đào tạo, huấn luyện nhân viên kỹ thuật khai thác các động cơ tuabin khí trên tàu. Với sản phẩm này, công tác đào tạo, huấn luyện sẽ có hiệu quả hơn, khả năng tiếp thu của người học tốt hơn. Sản phẩm có ý nghĩa khi được chuyển giao cho một số đơn vị quân đội có nhu cầu trang bị động cơ tuabin khí. Đồng thời, nhóm có thể tiếp tục phát triển sản phẩm để phục vụ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho các quân, binh chủng...


V.L

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp