Phân viện Thú y Miền Trung: Nhiều thành tựu về sản xuất vắc xin

Thứ năm - 25/11/2021 21:28
Phân viện Thú y Miền Trung vừa đạt giải cao tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Khánh Hòa lần thứ IX (2020 - 2021) với công trình nghiên cứu sản xuất vắc xin tam liên (giải nhất) và chế tạo vắc xin bằng phương pháp tái tổ hợp (giải nhì). Kết quả các công trình nghiên cứu mở ra hướng đi mới trong phòng, chống bệnh trên động vật. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Phân viện Thú y Miền Trung: Nhiều thành tựu về sản xuất vắc xin

Phân viện Thú y Miền Trung vừa đạt giải cao tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Khánh Hòa lần thứ IX (2020 - 2021) với công trình nghiên cứu sản xuất vắc xin tam liên (giải nhất) và chế tạo vắc xin bằng phương pháp tái tổ hợp (giải nhì). Kết quả các công trình nghiên cứu mở ra hướng đi mới trong phòng, chống bệnh trên động vật.


Sản xuất thành công vắc xin tam liên


Theo các chuyên gia, trên thị trường chỉ có vắc xin đơn hoặc vắc xin kép sử dụng chung với vắc xin dịch tả heo để phòng các bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn và dịch tả heo. Việc tiêm phòng cả 3 bệnh khi sử dụng các loại vắc xin đơn thường tốn nhiều chi phí tiêm phòng, vận chuyển, bảo quản vắc xin...

 

Theo dõi phát triển vi khuẩn trong phòng thí nghiệm.

Theo dõi phát triển vi khuẩn trong phòng thí nghiệm.


Năm 2005, Phân viện Thú y Miền Trung được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí triển khai dự án sản xuất vắc xin tam liên. Tuy nhiên, sau một thời gian, việc sản xuất vắc xin này vẫn chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm. Năm 2017, phân viện triển khai đề tài “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin nhược độc đông khô tam liên phòng bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn và dịch tả heo quy mô công nghiệp”, do Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân - Giám đốc Phân viện Thú y Miền Trung chủ trì. Hiện nay, vắc xin tam liên đã được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương 1 (Hà Nội) đánh giá đạt yêu cầu về an toàn và hiệu lực; Cục Thú y đã cấp phép lưu hành.


Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân, vắc xin sau khi hoàn thiện được tiến hành kiểm nghiệm đảm bảo các chỉ tiêu thuần khiết, an toàn và hiệu lực... trước khi đưa ra thị trường. Đây là vắc xin được sản xuất từ các chủng vi khuẩn, vi rút nhược độc, do đó có khả năng sinh đáp ứng miễn dịch nhanh, mạnh và kéo dài, an toàn cho động vật và người sử dụng. Sau 9 tháng được cấp phép, vắc xin nhược độc đông khô tam liên phòng 3 bệnh của heo đã được doanh nghiệp thú y và người nuôi heo cả nước tin tưởng sử dụng với gần 0,8 triệu liều bán ra. Lợi ích kinh tế đã thấy rõ như: giảm chi phí công tiêm phòng 45%, giảm chi phí vận chuyển, bảo quản; giá thành thấp hơn các loại vắc xin đơn lưu hành trên thị trường, chỉ có 4.630 đồng/liều.


Nghiên cứu chế tạo vắc xin tái tổ hợp


Theo Tiến sĩ Vũ Khắc Hùng - Phó Giám đốc Phân viện Thú y Miền Trung, thời gian qua, trên thị trường lưu hành nhiều loại vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho heo. Tuy nhiên, các vắc xin này vẫn còn một số hạn chế như: Khả năng gây đáp ứng miễn dịch chậm, thời gian bảo hộ ngắn, vắc xin không bao gồm đầy đủ các nhóm vi khuẩn gây bệnh. Vì thế, phân viện đã triển khai đề tài “Nghiên cứu chế tạo vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh tụ huyết trùng ở heo”.


Nhóm nghiên cứu đã thu thập được 42 chủng Pasteurella multocida phân lập từ các ổ dịch tụ huyết trùng tại Việt Nam, tái tổ hợp thành công chủng vi khuẩn biểu hiện tốt 2 kháng nguyên độc tố PMT và tinh sạch thành công. Vắc xin tái tổ hợp R-PasVAC đạt chỉ tiêu vô trùng, an toàn và hiệu lực hơn 90% đối với heo. Thời gian duy trì kháng thể trong huyết thanh heo là 6 tháng. So sánh với vắc xin truyền thống, vắc xin thế hệ mới cho hiệu giá kháng thể kháng PMT cao gấp 3 lần. Công trình đã sản xuất thử nghiệm 50.000 liều vắc xin tái tổ hợp, được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I đánh giá đạt chỉ tiêu vô trùng, an toàn và hiệu lực.


Tiến sĩ Hùng cho biết, việc chế tạo thành công vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh tụ huyết trùng có nhiều ưu điểm với kháng nguyên tinh chế, góp phần khống chế mầm bệnh, giảm thải mầm bệnh ra môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng vắc xin làm giảm cơ hội xâm nhập mầm bệnh thứ phát khác. Sản phẩm được cơ quan chức năng chứng nhận và được đơn vị tối ưu hóa đưa vào sản xuất. Từ đó, làm tăng hiệu quả chăn nuôi.


V.L

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp