Triển vọng mới từ nuôi trai tai tượng vảy

Thứ sáu - 12/11/2021 11:27
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã thử nghiệm thành công sản xuất và nuôi thương phẩm trai tai tượng vảy (Tridacna squamosa) - đối tượng trong Sách đỏ Việt Nam. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Triển vọng mới từ nuôi trai tai tượng vảy

Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã thử nghiệm thành công sản xuất và nuôi thương phẩm trai tai tượng vảy (Tridacna squamosa) - đối tượng trong Sách đỏ Việt Nam.


Đối tượng trong Sách đỏ


Theo các tài liệu, trai tai tượng vảy thuộc lớp động vật thân mềm hai mảnh vỏ; phân bố chủ yếu từ vùng thủy triều thấp đến độ sâu khoảng 10m, dinh dưỡng cộng sinh với một số loài tảo nên màng áo có màu sắc đa dạng và sặc sỡ. Ngoài là nguồn thức ăn bổ dưỡng, trai tai tượng vảy còn là sản phẩm xuất khẩu (nuôi cảnh và vỏ làm đồ mỹ nghệ) mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân ven biển. Bên cạnh đó, trai tai tượng vảy là mắt xích thức ăn quan trọng và là chỉ thị “sức khỏe” của hệ sinh thái rạn san hô. Ngoài tự nhiên, trai tai tượng vảy có mật độ thấp, sinh sản không thường xuyên và thời gian sinh trưởng kéo dài nên nguồn lợi đã bị suy giảm do tác động bởi môi trường và sự khai thác của con người.

 

Nuôi thử nghiệm trai tai tượng vảy tại Vũng Ngán, Nha Trang.

Nuôi thử nghiệm trai tai tượng vảy tại Vũng Ngán, Nha Trang.


 Theo Thạc sĩ Phùng Bảy - Chủ nhiệm đề tài, ở Việt Nam, có một số công trình nghiên cứu bước đầu sản xuất giống và nuôi phục hồi nguồn lợi trai tai tượng vảy. Tuy nhiên, những nghiên cứu về trai tai tượng ở Việt Nam còn giới hạn nên chưa đưa ra được những biện pháp quản lý và khai thác hợp lý. Sách đỏ Việt Nam (2007) xếp các loài trai tai tượng ở mức độ nguy cấp (VU). Do đó, cần có những giải pháp thiết thực nhằm khôi phục lại nguồn lợi quý giá này. Ngoài đề ra những cơ chế, chính sách khai thác hợp lý, việc nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống đóng vai trò quan trọng nhằm giảm áp lực khai thác, bổ sung, tái tạo nguồn lợi tự nhiên, mở ra triển vọng mới từ nuôi trai tai tượng vảy.


Kết quả khả quan


Đề tài đặt mục tiêu: Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo trai tai tượng vảy; trai tai tượng vảy bố mẹ số lượng 200 con, đạt 4-5kg/con; 800 con trai hậu bị, đạt 2-3kg/con; 100.000 con trai giống, đạt 2cm/con; 1 tấn trai thương phẩm, đạt 1-3kg/con; xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm trên rạn san hô tại vịnh Nha Trang, quy mô 2.000m2; xây dựng mô hình nuôi lồng bè tại Vũng Ngán, Nha Trang, quy mô 500m3, năng suất hơn 2kg/m3.


Kết quả sau 4 năm triển khai, các nhà khoa học đã xây dựng được quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm trai tai tượng vảy. Sau 12 tháng nuôi vỗ, tỷ lệ sống đạt 60%, tỷ lệ thành thục đạt 60,8%. Sau 7 đợt sản xuất đạt được 6,26 triệu con giống. Mô hình nuôi lồng bè quy mô 500m3 đạt 1,08 tấn trai thương phẩm; đạt năng suất hơn 2kg/m3; trọng lượng đạt trung bình 2-4,3kg/con; tỷ lệ sống đạt 32,3%. Mô hình nuôi đáy san hô quy mô 2.000m3 đạt 1 tấn trai tương phẩm; năng suất 0,5kg/m3; trọng lượng trung bình đạt 1,6-4kg/con; tỷ lệ sống đạt 30,2%.


Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lý - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia, kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học cho việc bảo vệ nguồn lợi, môi trường, các hệ sinh thái đặc thù. Trong bối cảnh hoạt động nuôi trồng truyền thống gặp rủi ro do dịch bệnh và thời tiết thì nghiên cứu trai tai tượng vảy là hướng đi phù hợp. Đây là đối tượng nuôi ở độ sâu lớn nên ít chịu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Quy trình sản xuất nhân tạo và nuôi trai tai tượng vảy được chuyển giao rộng rãi góp phần phát triển thị trường, xuất khẩu, tăng thu nhập cho ngư dân...  


V.L

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp