Trường Đại học Nha Trang: Sản xuất nhiều thực phẩm sạch

Thứ năm - 06/10/2022 16:25
Trên cơ sở ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học, Trung tâm Nghiên cứu chế biến thực phẩm, Trường Đại học Nha Trang đã sản xuất nhiều sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Trên cơ sở ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học, Trung tâm Nghiên cứu chế biến thực phẩm, Trường Đại học Nha Trang đã sản xuất nhiều sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.


Theo Thạc sĩ Phạm Văn Đạt - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chế biến thực phẩm, việc sản xuất, chế biến thực phẩm sạch đã được nhà trường quan tâm cách đây 5 năm. Trên cơ sở những đề tài nghiên cứu khoa học được chuyển giao, trung tâm đã nghiên cứu, sản xuất ở quy mô nhỏ, đánh giá tiềm năng rồi mới quyết định đưa vào khai thác thương mại. Hiện, trung tâm sản xuất ổn định hơn chục mặt hàng thực phẩm như: Rong nho, rong biển tươi tách nước, nước mắm các loại, trái cây sấy các loại (atisô đỏ sấy, xoài sấy, cơm dừa sấy…), nước cốt nhàu, si-rô atisô đỏ, trà thanh nhiệt, giấm ăn… Các sản phẩm chế biến của đơn vị không sử dụng chất phụ gia bảo quản…

 

Sản xuất các mặt hàng thực phẩm sạch  tại thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa.

Sản xuất các mặt hàng thực phẩm sạch tại thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa.


Các mặt hàng thực phẩm tại trung tâm được áp dụng công nghệ khá cao khi sản xuất. Chẳng hạn như rong tách nước nguyên liệu là rong lục Ulva (còn gọi là rong xà lách), sau các công đoạn làm sạch, tách tạp chất, xưởng dùng kỹ thuật sấy lạnh để tách nước và bảo quản nên khi dùng chỉ cần ngâm nước là rong trở lại trạng thái tươi mới như ban đầu. Hoặc việc sản xuất nước mắm có độ đạm cao (45 - 50-550 đạm) cũng rất công phu. Nước mắm thành phẩm sau khi thu được từ chượp sẽ được cô đặc trong môi trường chân không tuyệt đối để tách muối, làm tăng hàm lượng đạm. Để nước mắm có hương vị thơm ngon, sau khi cô đặc chân không, tiếp tục đưa qua chượp chín thêm từ 1 đến 2 tháng…  


Cơ sở sản xuất của trung tâm ở thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị cần thiết như: Máy sấy 12 buồng; thiết bị hấp, sấy hun khói tự động (500kg/mẻ); máy cô đặc chân không; máy sấy phun; máy sấy lạnh; máy đóng gói tự động; thiết bị thanh trùng, nồi hấp… Tuy ứng dụng các đề tài khoa học của trường song đơn vị vẫn có đội ngũ gồm hơn 20 cán bộ, kỹ sư, công nhân vừa sản xuất vừa phát triển sản phẩm. Đơn vị đang nghiên cứu phát triển hàng loạt sản phẩm mới, trong đó chủ lực là nước mắm. Một vài nghiên cứu mới như: nước mắm bào ngư, thanh gạo lứt rong biển, đông trùng hạ thảo đang được thử nghiệm.


Hiện nay, trung tâm đã liên kết với các tổ chức, cá nhân trên 20 tỉnh, thành để khai thác thị trường. Sản phẩm của trung tâm đã được các tổ chức, hiệp hội trao nhiều chứng nhận. Mới nhất là Viện Nghiên cứu kinh tế Châu Á và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam chứng nhận thực phẩm sạch FNTU thuộc top 50 thương hiệu mạnh Đất Việt 2021.


Q.V

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp