Thấp thỏm vụ hoa cúc Tết

Thứ sáu - 05/11/2021 19:30
Trồng hoa Tết mùa dịch hồi hộp, thấp thỏm lo âu vì đổ bao nhiêu tiền của, công sức nhưng không biết có bán được hay không? Đó là nỗi niềm của hàng chục hộ trồng hoa Tết tại làng hoa cúc Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) hiện nay.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Thấp thỏm vụ hoa cúc Tết
Trồng hoa Tết mùa dịch hồi hộp, thấp thỏm lo âu vì đổ bao nhiêu tiền của, công sức nhưng không biết có bán được hay không? Đó là nỗi niềm của hàng chục hộ trồng hoa Tết tại làng hoa cúc Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) hiện nay.
 
Số lượng giảm mạnh
 
Thời điểm này những năm trước, khu vực đất trống gần UBND phường Ninh Giang luôn đông đúc, nhộn nhịp với hàng chục hộ thuê đất trồng hoa cúc. Thế nhưng, năm nay, không khí tại đây khá vắng vẻ, đìu hiu. Dạo quanh một vòng khu vực này, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài người dân đang tưới nước cho hoa, cắm cây và bón phân. Năm nay, ông Trần Kha chỉ trồng hơn 300 chậu, giảm hơn 100 chậu so với năm trước. Ông Kha là một trong số ít hộ “liều” trồng hoa vụ này. “Mọi năm, người trồng hoa tranh nhau thuê từng mét đất để đặt chậu. Nhưng năm nay, đất trống đầy ra đó mà ít người muốn làm, muốn thuê bởi trồng vụ hoa Tết mùa dịch không biết đến Tết có được đi bán hoa hoặc thương lái có đến mua không?”, ông Kha chia sẻ. 

 

Người dân chăm sóc hoa cúc Tết.
Người dân chăm sóc hoa cúc Tết.
 
Chúng tôi tìm đến các tổ dân phố: Phong Phú 1, Phong Phú 2, Mỹ Chánh là những nơi tập trung trồng hoa cúc nổi tiếng của Ninh Giang hàng chục năm nay. Dọc 2 bên đường đi vào các nơi trồng hoa, không khí rất ảm đạm. Nhiều mảnh vườn trước kia các chậu hoa chen chúc thì nay thưa thớt hẳn, có nơi bỏ trống, có nơi một bên trồng, một bên chất đầy chậu không. Trong khoảnh sân vườn trước nhà, bà Nguyễn Thị Kim Thảo (tổ dân phố Phong Phú 2) xếp các chậu trồng hoa thành từng chồng cao. Bà Thảo cho biết, mấy chục năm trồng hoa Tết, chưa khi nào gia đình bà phải gác chậu như bây giờ. Những năm trước, gia đình bà thuê đất ở gần UBND phường để trồng hoa, mỗi vụ cũng 600 - 700 chậu to, nhỏ các loại. Năm nay, bà trồng 100 chậu gọi là có hoa Tết bởi đây là nghề truyền thống của gia đình. Không được ăn ngủ cùng hoa như những năm trước, bà Thảo bần thần, không biết làm gì. Nhưng bà cũng không thể làm liều bỏ ra hàng chục triệu đồng vào vụ hoa Tết có phần bấp bênh. Cách nhà bà Thảo không xa, nhà ông Tô Hiền - tổ dân phố Mỹ Chánh cũng trồng giảm một nửa số chậu hoa cúc từ 700 chậu năm trước xuống còn 350 chậu vì lo “trồng không biết có bán được hay không?”.
 
Lo lắng của bà Thảo, ông Hiền cũng là nỗi niềm chung của nhiều hộ trồng hoa cúc ở Ninh Giang năm nay. Lo ngại dịch bệnh còn phức tạp sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hoa nên phần lớn người dân đều giảm số lượng trồng so với mọi năm. Bên cạnh đó, 2 tháng trước, thời điểm cho cây con vào chậu cũng là lúc địa phương thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất, người dân được yêu cầu ở nhà. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng hoa Tết của người dân. Một số hộ đã quyết định nghỉ hẳn do khó khăn trong việc đi lại. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các hộ trồng hoa cúc Tết ở Ninh Giang đều giảm số lượng từ một nửa đến 2/3, có khoảng 10% số hộ không trồng.
 
Chi phí sản xuất tăng
 
Cũng giống như mọi năm, năm nay, ông Nguyễn Trọng Dũng (tổ dân phố Mỹ Chánh) mua 10 thiên giống từ Đà Lạt về trồng cho gia đình và bán cho người dân trong làng. Ông chưa kịp vui khi giá giống tương đối ổn định (500.000 đồng/thiên) đã đứng ngồi không yên vì giống bị bệnh, chết nhiều. Do bông mẹ yếu, giống đưa về địa phương, gặp thời tiết không thuận nên cây con vừa lên được 4 lá đã bị héo và chết; tỷ lệ giống hao hụt gần 50%, không đủ lượng cây con cho 400 chậu hoa của gia đình. Ông Dũng phải mua bổ sung thêm 2 thiên giống. Bà Trần Thị Lệ (tổ dân phố Phong Phú 1) cũng gặp phải giống kém chất lượng. Những năm trước, bà thường đến tận nơi bán giống để chọn lựa. Tuy nhiên, năm nay, thời điểm cho cây giống vào chậu là lúc địa phương đang thực hiện giãn cách nên bà phải gọi chỗ bán cây giống ở xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa) giao đến tận nhà. Do đó, chất lượng cây giống năm nay không đạt, tỷ lệ chết khoảng 20 - 30%. 
 
Theo ông Tô Hiền, các hộ trồng cúc Tết gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, chi phí tăng so với năm ngoái. Ghi ra từng loại chi phí, ông Hiền nhẩm tính: “Tăng cao nhất là giá phân bón. Năm ngoái, giá 1 bao phân (50kg) dao động từ 300.000 đến 350.000 đồng/bao, còn vụ này tăng gấp đôi, lên tới 700.000 đồng/bao. Tiền công thuê người lặt lá, cắm cây, cột bông cũng tăng lên 20.000 đồng/ngày (hiện giá thuê nhân công 160.000 đồng/người). Cây cắm tăng 50.000 đồng/1.000 cây. Vật giá tăng, chi phí đã bỏ ra nhiều nhưng không biết năm nay có bán được hoa như mọi năm không?”. Ông Bảy Quyên, người có thâm niên trồng hoa mấy chục năm lo lắng: “Những năm trước, giờ này đã có thương lái tới hỏi mua, đặt cọc. Nhưng năm nay, chưa thấy ai tới hỏi mua. Tôi mong dịch bệnh được kiểm soát để nông dân bán được hoa Tết”.
 
Ông Nguyễn Thành Nhi - Chủ tịch UBND phường Ninh Giang cho biết: “Hoa cúc Ninh Giang không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn cho các tỉnh, thành như: Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bình Dương… Nếu từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát như hiện nay thì người dân Ninh Giang mới có cơ hội tiêu thụ hoa Tết. Ngược lại, nếu dịch diễn biến phức tạp sẽ rất khó khăn cho người trồng hoa. Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng đến thời điểm này, số lượng hoa cúc Tết tại địa phương đã giảm nhiều so với năm trước”.
 
DUNG LY
 
 
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp