Cần chủ động phòng ngừa sâu bệnh trên cây trồng

Thứ hai - 07/02/2022 16:55
Hiện nay, tình hình thời tiết đang tạo thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần quan tâm chăm sóc cây trồng nhiều hơn trong thời gian này. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Cần chủ động phòng ngừa sâu bệnh trên cây trồng

Hiện nay, tình hình thời tiết đang tạo thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần quan tâm chăm sóc cây trồng nhiều hơn trong thời gian này.


Thời tiết thuận lợi cho nhiều sinh vật gây hại


Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, 18.175ha lúa đông xuân đang ở giai đoạn mạ, trổ. Nông dân đã gieo trồng được 585ha bắp, hơn 1.000ha rau đậu, 373ha mì, hơn 2.000ha sầu riêng ở giai đoạn chăm sóc - ra hoa, hơn 354ha cà phê giai đoạn ra hoa, gần 1.500ha cây ăn quả có múi… Hiện nay, thời tiết chủ yếu ngày nắng, lạnh về đêm và có sương mù vào sáng sớm. Đây là điều kiện lý tưởng cho các loại sâu hại phát sinh, phát triển và có khả năng gây thiệt hại trên diện rộng. Cơ quan chuyên môn dự báo, trên cây lúa xuất hiện chuột gây hại đến hết tháng 2, nhất là ở những trà lúa giai đoạn làm đòng, trổ, nặng nhất là những chân ruộng khô nước, gần gò, đồi. Ngoài ra, loài bọ trĩ tiếp tục phát sinh gây hại trên trà lúa muộn giai đoạn mạ, đẻ nhánh, nhất là trên những chân ruộng nước không ổn định. Riêng ở những trà lúa đẻ nhánh, trổ tại khu vực Diên Khánh, Cam Ranh, Ninh Hòa còn xuất hiện sâu đục thân hai chấm gây hại.

 

Nông dân huyện Khánh Vĩnh chăm sóc cây trồng.

Nông dân huyện Khánh Vĩnh chăm sóc cây trồng.


Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cũng dự báo tình hình sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện và gây hại cho lúa. Đặc biệt, thời tiết vụ đông xuân thường âm u, có mưa phùn, đêm và sáng sớm có sương, cũng là thời điểm lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, phát triển nhanh thân lá. Đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn gây hại, nhất là trên những ruộng sạ dày, bón thừa đạm.


Với những cây rau, đậu các loại, trên các loại rau ăn lá xuất hiện bọ nhảy, sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, rầy, rệp gây hại mạnh thời kỳ phát triển thân lá. Các loại rau ăn quả xuất hiện sâu xám, sâu xanh, bệnh lở cổ rễ gây hại giai đoạn cây con. Cây sầu riêng đang ở giai đoạn chăm sóc, trồng mới và ra hoa mắt cua, vì vậy, nông dân cần chú ý bệnh xì mủ, nấm hồng, nhện đỏ, sâu đục thân, sâu đục vỏ gây hại. Đối với cây xoài, hiện nay, diện tích xoài chính vụ bắt đầu ra hoa, dự báo các đối tượng dịch hại như: bệnh thán thư, nấm trắng, bọ trĩ, rầy bông, rệp sáp…


Cần chủ động phòng ngừa


Thời điểm này, cây lúa chủ yếu ở giai đoạn làm đòng, trổ bông, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần tổ chức thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện và triển khai các biện pháp diệt chuột gây hại cho lúa, hạn chế ốc bươu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân hai chấm… xuất hiện, phát triển và gây hại trên diện rộng. Với rau màu, nông dân triển khai biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục và phân vi sinh theo hướng nông nghiệp hữu cơ, khuyến cáo sử dụng các loại bẫy sinh học, hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học.


Ở những cây ăn quả, bệnh xì mủ trên cây sầu riêng có thể sử dụng các hoạt chất như: Dimerthomorph, Fosetylaluminium... Đối với sâu đục vỏ và sâu đục thân, cần quét vôi thân cây từ 1,5m trở xuống, bắt bẫy sâu trưởng thành và cạo lớp vỏ bị sâu hại, bôi thuốc vào cây bằng hoạt chất Deltamethrin... Với cây xoài, nông dân có thể hạn chế bọ trĩ bằng cách tỉa cành cho thông thoáng, dùng vòi phun áp lực cao, phun nước lên cây để làm giảm mật độ bọ trĩ. Vào giai đoạn xoài đang ra lá non, chồi, đặc biệt là ra hoa, trái non… nếu nhiễm bọ trĩ mật độ cao có thể luân phiên sử dụng các loại thuốc theo quy định; cần cắt tỉa, tiêu hủy các cành, lá bị rệp sáp gây hại nặng, không nên trồng xoài xen với những cây dễ bị rệp sáp gây hại như: ổi, mãng cầu...


Theo ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để hạn chế thiệt hại do sinh vật gây hại cây trồng, chi cục đã chỉ đạo các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật trên toàn tỉnh phân công cán bộ trực phòng, trạm; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, cảnh báo và kịp thời hướng dẫn nông dân phòng, chống dịch hại; thực hiện thông báo sâu bệnh hàng tuần theo quy định; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng thông báo tình hình sinh vật gây hại và vận động nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm sâu bệnh hại cây trồng.


Hồng Đăng

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp