Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Thứ tư - 07/09/2022 11:24
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Thế nhưng hiện nay, việc thực hiện truy xuất còn nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đang hướng tới việc ứng dụng rộng rãi công nghệ phục vụ công tác này. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Thế nhưng hiện nay, việc thực hiện truy xuất còn nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đang hướng tới việc ứng dụng rộng rãi công nghệ phục vụ công tác này.


Còn nhiều khó khăn


Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, Khánh Hòa đã xây dựng được một số sản phẩm chủ lực đặc trưng của tỉnh như: Sầu riêng, xoài, bưởi, tôm hùm, ốc hương, tôm thẻ, cá biển…; đồng thời đã chỉ đạo xây dựng theo hướng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 9 chuỗi an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản được triển khai. Từ năm 2019 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 375.800 tem QR code cho 22 tổ chức, cá nhân về các sản phẩm: Sầu riêng, bưởi da xanh, tỏi, xoài, gà, nem chua, chả lụa, rau ăn lá, thủy sản để người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thông qua các ứng dụng quét mã QR trên điện thoại thông minh… Đồng thời, cấp 17 mã số vùng trồng cho diện tích 4.000ha, 1 mã số cơ sở đóng gói tại huyện Cam Lâm tạo điều kiện cho quả xoài xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn như: Nông dân ít áp dụng do thói quen sản xuất cũ; chuỗi liên kết hiện nay chủ yếu áp dụng cho nhóm tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX)…; liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và người sản xuất chưa chặt chẽ; sản lượng ít; đầu ra còn khó khăn…

 

 Xoài Cam Lâm đang thực hiện xây dựng mã số vùng trồng góp phần xuất khẩu.

Xoài Cam Lâm đang thực hiện xây dựng mã số vùng trồng góp phần xuất khẩu.


Theo lãnh đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), thời gian qua, đơn vị đã phối hợp tổ chức phổ biến, tuyên truyền về truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch cho các chủ thể tham gia xếp hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP); hướng dẫn 19 DN, với 20 sản phẩm thuộc Chương trình OCOP đăng ký sử dụng mã số, mã vạch; tổ chức hội thảo về truy xuất nguồn gốc cho DN, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh; giới thiệu 3 DN cung cấp về giải pháp truy xuất nguồn gốc…


Bên cạnh đó, tỉnh giao Sở KH-CN thực hiện Đề án “Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh” để làm cơ sở cho việc triển khai Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, như: Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể; các cảng cá trong tỉnh hầu hết chưa đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản làm cơ sở cho truy xuất nguồn gốc; tỉnh chưa có cơ sở giết mổ tập trung; mã số vùng trồng, mã số đóng gói hiện nay vẫn chưa được các địa phương trong tỉnh quan tâm…


Tăng cường phổ biến, ứng dụng công nghệ


Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để nâng cao giá trị các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản chủ lực của tỉnh, sở xác định một số nhiệm vụ, giải pháp như: Triển khai chính sách thu hút, hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ các DN đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản; hỗ trợ các DN, HTX trong việc áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử; tổ chức liên kết hình thành các HTX, tổ hợp tác, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP…; chú trọng kỹ thuật sơ chế, bao gói, bảo quản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm tại tất cả các khâu trong chuỗi bảo đảm yêu cầu của các cơ quan, tổ chức; tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ các DN, HTX xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là công nghệ mới để góp phần khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm.


Bên cạnh đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc để hướng dẫn DN, cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu; tăng cường phối hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về truy xuất nguồn gốc cho các sở, ban, ngành, địa phương và các DN, tổ chức, cá nhân có nhu cầu; triển khai các nhiệm vụ KH-CN có liên quan đến việc ứng dụng KH-CN trong truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó thiết lập, xây dựng, vận hành, kết nối hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia; lựa chọn, xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên, các sản phẩm bắt buộc triển khai truy xuất nguồn gốc tại địa phương...


Q.V



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp