UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng còn lại của năm. Theo đó, tỉnh yêu cầu các đơn vị phải quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn từ 95% trở lên.
Phấn đấu giải ngân đạt từ 95% trở lên
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để thực hiện thành công Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nguồn lực từ đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đó tạo cơ sở để thu hút kêu gọi nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Những năm vừa qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đều đạt hơn 95%. Năm nay, nguồn vốn Trung ương giao cho tỉnh 8.269 tỷ đồng, cao hơn năm trước gần 2.000 tỷ đồng. Với số lượng vốn lớn như vậy, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết tâm phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên. Đến hết tháng 9, tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh mới đạt 44,7%. Nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là do đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài. Bên cạnh đó, việc khó khăn trong định giá đất cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân không như mong đợi.
Nhà máy xử lý nước thải phía bắc thành phố Nha Trang. |
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 95%, UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt nhiều nội dung. Trong đó, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, ngành, địa phương. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả khi triển khai giải ngân vốn. Đồng thời, nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện đầu tư công.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn... Các chủ đầu tư giải ngân vốn năm 2024 không đạt từ 95% trở lên chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc không hoàn thành giải ngân.
Tháo gỡ khó khăn
Vấn đề giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn thấp trong thời gian qua. Do đó, UBND tỉnh đã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án thực hiện trên địa bàn; chủ động và kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh hướng xử lý, giải quyết. Người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ tiến độ thi công các dự án do chậm thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn phụ trách.
UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư dự án có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị ở các huyện, thị xã, thành phố để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, cần cử cán bộ làm đầu mối thường xuyên liên hệ, kịp thời cung cấp hồ sơ và các tài liệu có liên quan để phối hợp với các địa phương thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng ban hành văn bản và chờ kết quả xử lý bằng văn bản. Đồng thời, chủ đầu tư cũng có trách nhiệm chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công tại các vị trí đã có mặt bằng sạch được địa phương bàn giao.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nhằm thực hiện tốt tiến độ giải ngân vốn các tháng còn lại của năm, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh khối lượng thi công, thanh toán khối lượng hoàn thành theo tháng, đảm bảo giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước, hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được giao; thực hiện tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư phải đúng quy định; ngay khi có khối lượng xây dựng cần nhanh chóng lập hồ sơ thanh toán, không để dồn vào thời điểm cuối năm. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh các giải pháp đôn đốc thu ngân sách nhà nước năm 2024, đẩy nhanh tiến độ nguồn thu sử dụng đất để đảm bảo nguồn vốn thực tế bố trí cho các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2024 theo đúng kế hoạch; Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng.
ĐÌNH LÂM