Đồng hành phục hồi sản xuất

Chủ nhật - 24/10/2021 19:57
Hoạt động sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp (DN) đang từng bước trở lại trạng thái bình thường mới. Để giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh vượt khó khăn, chính quyền tiếp tục có những chính sách hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời... Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Đồng hành phục hồi sản xuất
Hoạt động sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp (DN) đang từng bước trở lại trạng thái bình thường mới. Để giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh vượt khó khăn, chính quyền tiếp tục có những chính sách hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời. 
 
Doanh nghiệp chủ động khắc phục khó khăn
 
Bước vào giai đoạn bình thường mới, các DN trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đơn hàng và sản lượng sụt giảm, kéo theo doanh thu bị ảnh hưởng khiến dòng tiền đầu vào thiếu hụt nghiêm trọng. Những khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cũng tăng cao. Đồng thời, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ... Tuy nhiên, sớm xác định được vấn đề này, nhiều DN đã vạch ra kế hoạch cụ thể vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. 
 

 

1
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Hải Nam.
 
 
Ông Vương Vĩnh Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh cho biết, ngay trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn phức tạp, công ty xác định bằng mọi giá phải duy trì hoạt động. Đối với các hợp đồng xuất khẩu đã ký, đơn vị phải đảm bảo không để hủy hợp đồng. Bên cạnh đó, DN đã nỗ lực mở rộng và tìm kiếm thêm đơn hàng nước ngoài. Chính vì vậy, hiện nay, công ty đã cơ bản vượt qua những khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Thời điểm hiện tại, công ty có doanh thu vượt so với cùng kỳ năm 2020.
 
Qua khảo sát, đa phần các DN đang phải khôi phục hoạt động sản xuất trong tình trạng thiếu lao động, thiếu nguyên vật liệu... trầm trọng. Một số DN cho rằng, nếu không nỗ lực hết sức để gắng gượng vượt qua giai đoạn này thì khả năng đứt gãy sẽ nặng nề hơn trong thời gian tiếp theo. Chính vì vậy, giai đoạn này, nhiều DN xác định nhiệm vụ đầu tiên là phải giữ chân người lao động. Ông Nguyễn Văn Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang khẳng định, giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay càng phải được chú trọng. Bởi lẽ, họ đóng vai trò rất lớn trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
 

 

1
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17.
 
 
Chính quyền luôn tạo điều kiện 
 

Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đặc biệt, khi trở lại trạng thái bình thường mới, chính quyền luôn lắng nghe và có những điều chỉnh kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Ông Huỳnh Long Quân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17 cho biết, UBND tỉnh có nhiều chính sách giúp DN có điều kiện phục hồi sản xuất. Trong đó, việc cho phép DN chủ động tự test nhanh kháng nguyên cho người lao động đã giúp các đơn vị kịp thời tầm soát dịch, giảm chi phí trong chống dịch. Ngoài ra, UBND tỉnh cho phép các DN trở về sản xuất trong trạng thái bình thường mới đã giảm gánh nặng về tinh thần và vật chất rất lớn cho người lao động cũng như chủ DN. 

 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 9, tỉnh đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 4.763 đơn vị sử dụng lao động với số tiền hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 8 DN với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng; điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho 363 DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng trị giá nợ gốc, lãi được cơ cấu 8.346 tỷ đồng; hỗ trợ gần 1,8 tỷ đồng cho 5 DN vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. 

 

Đồng thời, UBND tỉnh cũng kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ban hành các chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh như: Cho phép DN dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023; gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các DN đang khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Song song đó, sửa đổi, bổ sung chính sách quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo hướng mở rộng đối tượng cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh… Tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm giới thiệu các DN, tập đoàn lớn đầu tư vào Khánh Hòa và tổ chức xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến để kết nối giao thương với DN các nước có nhu cầu nhập khẩu.
 

Bà Nguyễn Thị Hà - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ đầu năm đến nay, sở đã tiếp nhận và tổng hợp được 91 nội dung kiến nghị của đơn vị sản xuất, kinh doanh gửi tới lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, trong đó có 64 nội dung kiến nghị đã giải quyết dứt điểm, 27 nội dung kiến nghị đang giải quyết và tiếp tục theo dõi. Để tạo điều kiện cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với DN dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 tới. 

 

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Chính quyền sẽ đồng hành với DN để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thời gian tới, tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp để đảm bảo vừa phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.
 
 
Đình Lâm
 
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp