Động lực để Khu Kinh tế Vân Phong phát triển

Chủ nhật - 14/08/2022 12:12
Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã tạo cơ hội, động lực cho Khu Kinh tế Vân Phong phát triển đột phá, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.  Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Động lực để Khu Kinh tế Vân Phong phát triển

Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã tạo cơ hội, động lực cho Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong phát triển đột phá, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng ban Quản lý (BQL) KKT Vân Phong cho biết:

 

Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong

Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong


Trong những năm qua, KKT Vân Phong được xác định là vùng động lực phát triển, là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Quá trình phát triển của KKT Vân Phong góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn KKT đã đóng góp nguồn thu cho ngân sách khoảng 20.950 tỷ đồng, chiếm khoảng 26,6% thu ngân sách của tỉnh; giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 32,9%; giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động. Tuy nhiên, KKT Vân Phong cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bắc Vân Phong từng là một trong ba khu vực được dự kiến hình thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trong cả nước, nhưng đến nay, KKT Vân Phong chưa nằm trong nhóm các KKT ven biển được ưu tiên đầu tư. Bên cạnh đó, KKT Vân Phong không được hưởng các cơ chế ưu đãi về vốn đầu tư hạ tầng nên nguồn vốn đầu tư hạ tầng từ Trung ương cho KKT Vân Phong thời gian qua rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng thiết yếu tại KKT Vân Phong theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và thiếu các dự án quy mô lớn làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của KKT Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung nếu so sánh với các KKT Vân Đồn và Phú Quốc.


Nhiều kỳ vọng


- Vậy, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55 của Quốc hội được ban hành sẽ mở ra cơ hội nào cho KKT Vân Phong, thưa ông?


- Với sự ra đời của 2 nghị quyết này đã mở ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược vào phát triển KKT Vân Phong. Cùng với cơ chế phân cấp, phân quyền, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ giúp thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, góp phần đưa KKT Vân Phong trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư hỗ trợ tạo thành hệ sinh thái phát triển, giúp khai thác tối đa tiềm năng phát triển của KKT Vân Phong.

 

Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong.

Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong.


- Đã có nhà đầu tư nào đề xuất ý tưởng đầu tư vào KKT Vân Phong chưa, thưa ông?


- Hiện nay, có nhiều tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược đề xuất ý tưởng đầu tư tại KKT Vân Phong với nhiều ngành nghề đa dạng, trong đó có những ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh như: Lọc hóa dầu, kho cảng nhập khí hóa lỏng, sản xuất năng lượng sạch (hydro xanh), khu cảng tổng hợp và trung chuyển quốc tế… Tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và đề xuất các quy hoạch phân khu trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 39 ngày 19-7-2022 thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đang làm các thủ tục trình Bộ Xây dựng thẩm định. BQL KKT Vân Phong đang tham mưu quyết định của UBND tỉnh quy định chi tiết về mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược, chuẩn bị lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


Tận dụng triệt để lợi thế


- Xin ông cho biết, BQL KKT Vân Phong sẽ làm gì để tận dụng tối đa các chính sách của Nghị quyết số 55?


- Trong quá trình triển khai nghị quyết, bên cạnh cơ hội vẫn có không ít thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị của tỉnh phải quyết tâm cao, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội một cách đồng bộ; chất lượng và tiến độ các sản phẩm quy hoạch phân khu đúng định hướng, mục tiêu phát triển; việc tổ chức xúc tiến đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược cần bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Đối với BQL KKT Vân Phong phải kiện toàn bộ máy để thực hiện nhiệm vụ được giao trong giai đoạn tới; công tác quản lý quy hoạch xây dựng và đất đai; đào tạo, sử dụng người lao động chuyển đổi ngành nghề, lao động trong khu vực ảnh hưởng của các dự án là những thách thức không nhỏ. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chủ trương phát triển KKT Vân Phong theo quy hoạch được phê duyệt là điều không hề đơn giản.


Từ những cơ hội và thách thức nêu trên, để phát huy được tiềm năng, thế mạnh nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, tạo động lực phát triển KKT Vân Phong trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo BQL KKT Vân Phong và các sở, ngành liên quan phối hợp tập trung triển khai rà soát, hoàn thiện các quy hoạch trong KKT Vân Phong, các khu công nghiệp, bảo đảm sự đồng bộ giữa các quy hoạch. Trong đó, ưu tiên hoàn thành Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức triển khai lập quy hoạch phân khu các khu chức năng để xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư có tính chiến lược. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh theo Nghị quyết số 55, trong đó có cơ chế đặc thù cho KKT Vân Phong, tạo cơ sở cho việc triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của tỉnh nói chung và KKT Vân Phong nói riêng. Đồng thời, đổi mới và thực hiện cải cách thủ tục hành chính hướng tới nền hành chính phục vụ doanh nghiệp, với mục tiêu giảm thấp nhất thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh tại KKT Vân Phong và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; triển khai tốt các dịch vụ công để hỗ trợ nhà đầu tư.


Ngoài ra, BQL KKT Vân Phong và các sở, ngành phối hợp thúc đẩy, triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, hiện đại cho KKT, khu công nghiệp tạo sự liên kết phát triển vùng, như: Thực hiện các phần việc được giao trong thực hiện các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia kết nối với KKT Vân Phong, các cảng biển tổng hợp lớn, hiện đại; đầu tư xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông để kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia. Đồng thời, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quan trọng khác như: dự án khu nhà ở cho công nhân; cấp điện, cấp nước; dự án xử lý chất thải rắn tập trung, xử lý nước thải tập trung nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút các dự án đầu tư lớn mang tính động lực vào KKT. Cùng với đó, chủ động liên kết với các địa phương lân cận có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển như Phú Yên, Đắk Lắk để cùng phối hợp xây dựng chiến lược liên kết phát triển vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa; vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, hướng đến trở thành một trong những vùng động lực phát triển của khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư tại KKT Vân Phong, trong đó tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân lực cho các ngành công nghệ cao.


- Xin cảm ơn ông!

Đình Lâm (Thực hiện)



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp