Giai đoạn 2023-2025: Kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng

Chủ nhật - 11/12/2022 19:43
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa vừa báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về dự thảo kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, từ năm 2023 đến 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) sẽ tiếp tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa vừa báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về dự thảo kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, từ năm 2023 đến 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) sẽ tiếp tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.


Tăng trưởng ấn tượng


Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực với nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước. GRDP ước tăng 20,7% so với năm 2021 (mức tăng trưởng cao nhất cả nước); GRDP bình quân đầu người ước đạt 76,9 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước ước đạt 16.016 tỷ đồng, bằng 133,3% dự toán và tăng 13,8% so với năm 2021; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.600 triệu USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 61.978 tỷ đồng, tăng 15%; doanh thu du lịch đạt ước 13.500 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần so với năm 2021… Tính chung 2 năm 2021 - 2022, GRDP của tỉnh ước tăng 7,2%, GRDP theo ngành kinh tế ước tăng 7,8%. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 3%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 9,8%; khu vực dịch vụ ước tăng 7,5%.

Đây là kết quả ấn tượng, đưa Khánh Hòa trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đứng thứ 5 cả nước, xếp sau các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Quảng Nam thì đến hết quý III, Khánh Hòa đã vươn lên vị trí thứ 2 (chỉ đứng sau Bắc Giang) và ước tính cả năm 2022, Khánh Hòa có mức tăng trưởng cao nhất cả nước.

 

Một góc Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam.

Một góc Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam.


Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt; sự phục hồi kinh tế trong năm 2022 với kết quả tăng trưởng ấn tượng sẽ là điểm tựa để kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trong các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; những cơ chế mở từ Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa sẽ tạo ra nhiều cơ hội đột phá cho tỉnh trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện và bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn hiện nay với nhiều nguy cơ về suy thoái kinh tế, lạm phát cao và các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh và đặc biệt là những yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục... sẽ gây ra nhiều khó khăn, thách thức đối với tỉnh trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.


Xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng


Để chủ động đưa kinh tế của tỉnh tiếp tục có mức tăng trưởng ổn định, dựa trên tình hình thực tế, UBND tỉnh đã đưa ra 3 kịch bản dự báo mức tăng trưởng kinh tế từ năm 2023 đến 2025. Kịch bản thứ nhất, nếu tình hình kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng ở một số nước lớn, giá xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao, nhưng khi đầu tư công của tỉnh được đẩy mạnh, một số dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp được hoàn thành… thì dự kiến giai đoạn 2023 - 2025, GRDP của tỉnh ước tăng 8,3%/năm. Kịch bản thứ hai, trong trường hợp kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; đầu tư công của tỉnh tăng trưởng cao; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được triển khai đầu tư xây dựng; thu hút đầu tư được đẩy mạnh sau khi các quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt; các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu du lịch đạt kết quả tốt thì GRDP của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 ước tăng 9,5%/năm. Kịch bản thứ ba, nếu tình hình hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được đầu tư hoàn thành và lấp đầy; đặc biệt, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh và Khu Kinh tế Vân Phong đạt kết quả cao, một số dự án về cảng biển, logistics được hoàn thành…, GRDP của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 ước tăng 10,3%/năm.

 

<p>Cảng Cam Ranh</p>

Cảng Cam Ranh


Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trong năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện các nghị quyết của Trung ương; hoàn thành và tổ chức triển khai có hiệu quả các quy hoạch quan trọng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung phát triển các nhóm ngành quan trọng, đóng góp cao cho nền kinh tế. Đặc biệt, cả hệ thống chính trị phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng cường thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại - Du lịch trực thuộc UBND tỉnh với cơ cấu tổ chức và nhân sự phù hợp, có đủ năng lực triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư theo định hướng phát triển.

9 hành động trọng tâm của UBND tỉnh trong năm 2023
 
 
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VII, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh 9 hành động trọng tâm sẽ được UBND tỉnh tập trung thực hiện trong năm 2023, gồm:
 
  • Tổ chức triển khai tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.
  • Tập trung thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  • Quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2023.
  • Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) để thúc đẩy thu hút đầu tư.
  • Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khai thác nguồn thu ngân sách nhà nước.
  • Tập trung công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân.
  • Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
  • Phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
  • Huy động mọi nguồn lực để tạo nên sức mạnh tổng hợp triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, để mọi người dân đều có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Hải Lăng (Tổng hợp)


ĐÌNH LÂM


 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp