Phát triển ngành nghề nông thôn: Nâng cao chất lượng các nghề sẵn có

Thứ tư - 18/05/2022 19:22
Theo Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2022 UBND tỉnh vừa phê duyệt, bên cạnh việc công nhận các làng nghề, Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư, nâng cấp một số ngành nghề sẵn có nhằm thúc đẩy phát triển thị trường gắn với hoạt động du lịch, văn hóa…, qua đó giúp nâng cao thu nhập cho người làm nghề.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Phát triển ngành nghề nông thôn: Nâng cao chất lượng các nghề sẵn có

Theo Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2022 UBND tỉnh vừa phê duyệt, bên cạnh việc công nhận các làng nghề, Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư, nâng cấp một số ngành nghề sẵn có nhằm thúc đẩy phát triển thị trường gắn với hoạt động du lịch, văn hóa…, qua đó giúp nâng cao thu nhập cho người làm nghề.


Tập trung phát triển sản phẩm truyền thống, thế mạnh


Mục tiêu chính của Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2022 là tăng về quy mô, trình độ công nghệ gắn với thị trường; sản xuất gắn với du lịch, văn hóa, lễ hội của địa phương… Theo ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, việc tập trung phát triển các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương ở khu vực nông thôn sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người làm nghề, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

 

Nghệ nhân chế tác trầm ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh).

Nghệ nhân chế tác trầm ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh).


Năm nay, trên cơ sở đăng ký của các địa phương, có 5 ngành nghề được định hướng phát triển để đạt những tiêu chí của một làng nghề gồm: bánh tráng Xóm Suối (thôn Quang Thạnh, xã Diên Hòa) và bún bánh Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh) - huyện Diên Khánh; chế tác đá cubic (thôn Xuân Trang, xã Xuân Sơn), sản xuất cá khô, mực khô (thôn Tây Bắc, xã Đại Lãnh) và làng nghề làm bánh tráng (thôn Long Hòa, xã Vạn Long) - huyện Vạn Ninh. Để được công nhận làng nghề, các khu vực sản xuất nêu trên phải chứng minh được có ít nhất 20% trong tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động ngành nghề nông thôn; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm liên tục và đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường theo quy định.


Cũng theo kế hoạch được duyệt, Nhà nước hỗ trợ 2 dự án ở thị xã Ninh Hòa gồm: Dự án phát triển nghề làm bún bánh (xã Ninh Quang) được hỗ trợ 250 triệu đồng để đầu tư máy móc; dự án bảo tồn nghề truyền thống dệt chiếu cói (tổ dân phố Mỹ Trạch, phường Ninh Hà) được hỗ trợ 100 triệu đồng. Để phát triển làng nghề truyền thống chế tác đá mỹ nghệ (Tổ dân phố Phong Phú 1, phường Ninh Giang, Ninh Hòa), Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ 350 triệu đồng để đầu tư hệ thống đường dây điện.


Xây dựng làng nghề gắn với du lịch, mở rộng thị trường

 

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 4.700 cơ sở sản xuất kinh doanh về ngành nghề nông thôn, tạo việc làm thường xuyên cho gần 34.000 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, có 6 nghề truyền thống, 4 làng nghề và 1 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Doanh thu từ các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận đạt khoảng 40 tỷ đồng/năm.

Cùng với việc công nhận làng nghề, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, năm nay, nghề xoi trầm hương ở thôn Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng, Vạn Ninh) sẽ được hỗ trợ phát triển gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, toàn bộ quá trình chế tác trầm, tạo ra các sản phẩm từ trầm hương, những câu chuyện về làng nghề, những người làm nghề sẽ được tái hiện, mô phỏng, thực hiện để người dân và du khách có cái nhìn đầy đủ nhất về nghề chế tác trầm và các sản phẩm đặc sắc của xứ sở Trầm hương.


Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ 850 triệu đồng, cùng với đối ứng của làng nghề 250 triệu đồng để thực hiện các nội dung như: khảo sát, đánh giá hiện trạng và lập kế hoạch xây dựng điểm du lịch ở làng nghề này; mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch, quản lý kinh doanh, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm... cho các hộ làm nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ thuật sản xuất nghề cho các hộ làm nghề nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng nói chung và du khách nói riêng. Ngoài ra, một phần chi phí sẽ dùng để hỗ trợ trang thiết bị máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu nhãn hiệu, tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh...


Ông Huỳnh Quang Thành cho biết, kế hoạch còn tập trung đào tạo nghề, truyền nghề cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề theo nhu cầu; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác quản lý ngành nghề nông thôn ở các địa phương. Ngoài ra, hàng loạt hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh nhằm quảng bá hơn nữa các sản phẩm được làm từ các làng nghề, làng nghề truyền thống. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch hơn 3,56 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước (tỉnh, huyện) hơn 2,74 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các tổ chức, cá nhân.


HỒNG ĐĂNG

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp