Sau nhiều tháng đối mặt với sự bùng phát của dịch Covid-19, tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chịu ảnh hưởng nặng nề. Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp trọng tâm, tập trung phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm.
Các chỉ tiêu giảm mạnh
9 tháng năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giảm 7,77% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 9,49%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 40.344,6 tỷ đồng, giảm 15,8% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt 1.957 tỷ đồng, giảm 44,5%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 947,5 triệu USD, giảm 7,8%. Đối với thu ngân sách nhà nước, dù đã có nhiều cố gắng song đến hết tháng 9 cũng mới đạt được hơn 9.956 tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán và bằng 97,3% cùng kỳ năm trước. Cụ thể: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.241 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán và bằng 71% so với cùng kỳ; thu nội địa đạt 8.559 tỷ đồng, bằng 74,4% dự toán và tăng 2,8% so với cùng kỳ. Chi cân đối ngân sách 9 tháng ước hơn 8.000 tỷ đồng, bằng 73,4% kế hoạch.
Bức tranh phát triển chung của tỉnh sau 9 tháng chỉ có một vài điểm sáng hiếm hoi. Đó là giải ngân đầu tư công so với kế hoạch vốn được tỉnh giao thực tế đạt 69,9% kế hoạch (vượt yêu cầu của Chính phủ) và tổng vốn đầu tư phát triển xã hội đạt 36.050 tỷ đồng, tăng 2,2%...
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, 9 tháng qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, phù hợp để tăng cường phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tạo ra nhiều thách thức trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH đề ra đầu năm. Đặc biệt, các ngành, lĩnh vực như: thương mại, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách, giải quyết việc làm... sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong 3 tháng cuối năm, cần phải giữ vững thành quả trong phòng, chống dịch, từng bước phục phồi phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn.
Đề ra nhiều giải pháp
Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu KT-XH năm 2021, UBND tỉnh đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho những tháng cuối năm. Trong đó, tiếp tục ưu tiên toàn lực cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển SXKD phục hồi kinh tế; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 do Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ rà soát tiến độ, tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH; tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thủy hải sản để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. Đặc biệt, sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát các vấn đề tồn đọng, vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ. Liên quan đến hoạt động đầu tư, SXKD và các dự án đầu tư ngoài ngân sách, chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Từ nay đến cuối năm, tùy tình hình thực tế, UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc khôi phục một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ, kích cầu nội địa gắn với việc kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Đối với các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, từ nay đến cuối năm hướng tới xây dựng hình ảnh “Khánh Hòa - điểm đến an toàn”, từng bước khôi phục các hoạt động SXKD trong tình hình mới; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử; tìm kiếm thị trường mới để đảm bảo đầu ra cho SXKD. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai chương trình kích cầu thu hút khách du lịch và thực hiện liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển KT-XH là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện khẩn trương với mục tiêu nhanh nhất, sớm nhất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục và đẩy mạnh các hoạt động SXKD; giải ngân các nguồn vốn đầu tư; bảo đảm an sinh xã hội và sức khỏe cho nhân dân. |
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, tỉnh sẽ chủ động nắm thông tin về các khó khăn, vướng mắc của từng nhóm ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho SXKD; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hiện có, sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động, như: hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (CCN), Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1...; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, SXKD, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu mới, như: các nhà máy sản xuất tại CCN Trảng É, CCN Diên Phú - VCN, Khu công nghiệp Ninh Thủy, kêu gọi đầu tư hạ tầng CCN Ninh Xuân, Tân Lập.
Ngoài ra, thời gian tới, tỉnh chú trọng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu các chủ đầu tư tập trung giải ngân, xác định cụ thể các vướng mắc, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện theo từng mốc thời gian cụ thể; đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất bồi thường, công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư công; phấn đấu thực hiện giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công năm 2021.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm nhằm sớm thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH trong bối cảnh kiểm soát được tình hình dịch Covid-19. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, tạo đà cho tăng trưởng trong năm 2022.
Đình Lâm