Cảnh giác thủ đoạn lừa tiền qua mạng xã hội

Thứ sáu - 16/12/2022 12:42
Thời điểm cận Tết, việc các đối tượng hack tài khoản của các cá nhân để lừa tiền trên mạng xã hội Facebook, Zalo…  xảy ra ngày càng nhiều. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Thời điểm cận Tết, việc các đối tượng hack tài khoản của các cá nhân để lừa tiền trên mạng xã hội Facebook, Zalo…  xảy ra ngày càng nhiều.


Một ngày giữa tuần, chị T. (trú tại TP. Nha Trang) bất ngờ nhận được tin nhắn của một bạn thân thông qua ứng dụng phổ biến hiện nay là Messenger hỏi vay 20 triệu đồng. Dù những lời lẽ trong khi giao tiếp qua ứng dụng này khá giống trước đây song chị T. vẫn không khỏi nghi ngờ. “Điều khiến tôi nghi ngờ là bạn tôi kinh tế rất khá, nhiều năm qua chưa hề mượn tiền của bất kỳ ai trong nhóm chị em thân thiết. Tại sao bạn lại không gọi điện trực tiếp hỏi mượn mà phải nhắn tin”, chị T. kể.

 

<p>Tin nhắn giả mạo chủ tài khoản để lừa tiền.</p>

Tin nhắn giả mạo chủ tài khoản để lừa tiền.


Đang trong lúc nhắn tin cho “bạn” trên ứng dụng Messenger thì chủ nhân của tài khoản là chị H. tới gặp chị T. Hai bên mở tin nhắn ra đọc mới biết được kẻ mạo danh trước đó đã bẻ khóa tài khoản Facebook chị H., nhắn tin cho ít nhất 3 người bạn thân của chị H. hỏi mượn cùng với số tiền lên đến 20 triệu đồng. Để không bị kẻ xấu mạo danh thực hiện các thủ đoạn lừa tiền, chị H. đã nhanh chóng đăng dòng trạng thái trên Zalo để cảnh báo bạn bè, người thân. Vì thế, kẻ mạo danh đã không thể thực hiện hành vi lừa đảo. “Nếu như kẻ mạo danh bạn tôi hỏi mượn vài trăm nghìn đồng, với lý do quên không mang theo ví tiền thì rất có thể tôi sẽ chuyển tiền”, chị T. cho biết.


Ngoài Facebook, những kẻ lừa đảo còn sử dụng Zalo để thực hiện các phi vụ lừa đảo tinh vi hơn. Theo thông tin từ Công an tỉnh, chiêu thức của các đối tượng lừa đảo là sẽ lập một tài khoản có tên y hệt Zalo của các cá nhân, sử dụng hình ảnh của cá nhân đó làm hình đại diện. Trong Zalo mạo danh này, các đối tượng đã dày công kết bạn với danh sách bạn bè gần như y hệt Zalo chính chủ. Sau đó, đối tượng này sẽ dùng Zalo giả mạo để nhắn tin mượn tiền từ người thân hay bạn bè của những người bị mạo danh. Tội phạm tinh vi đến mức dù bạn có gọi video đến để kiểm tra, bên kia vẫn có hình ảnh, giọng nói giống cá nhân chính chủ hiện lên trên màn hình và sau đó bất ngờ mất kết nối. Nếu người đang bị chúng nhắm đến để hỏi vay tiền phát đi một tin nhắn nói rằng tại sao hình ảnh không rõ ràng và giọng nói đứt quãng thì đối tượng sẽ thông tin rằng tại mạng chập chờn, sóng nhà mạng yếu nên đề nghị nhắn tin. Nếu người nào rất thân tình với bạn, lại nhẹ dạ cả tin thì sẽ dễ dàng sập bẫy và không ngại chuyển khoản cho chúng. Sau khi nhận được tiền, tùy mức độ của khoản tiền mà đối tượng nhận được, chúng sẽ chia nhỏ số tiền sang những tài khoản khác và sau đó rút tiền; do đó rất khó có thể lấy lại tiền đã chuyển cho các đối tượng lừa đảo.


Công an tỉnh khuyến cáo, người dân phải tìm hiểu kỹ nội dung có liên quan đến các giao dịch tài chính, cần liên lạc trực tiếp với người thụ hưởng trước khi chuyển tiền vào tài khoản người khác. Đặc biệt, không đăng nhập vào đường link, website do người lạ cung cấp hoặc các website lạ. Người dân phải bình tĩnh, thận trọng tìm hiểu thông tin, tuyệt đối không cung cấp mã OTP hoặc thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho người lạ.


Thành Long

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp