Có thể nói AC Milan đã bắt đầu chuyển mình kể từ khi Paolo Maldini đảm nhiệm vị trí giám đốc kỹ thuật năm 2018, với một lộ trình dài hơi đúng đắn mà trọng điểm là đào tạo trẻ cùng lối chơi đề cao tính tập thể. Sự đúng đắn của chiến lược này đã được đền đáp bằng chức vô địch Serie A mùa giải 2021 - 2022, và chắc chắn vẫn sẽ được tiếp tục phát huy trong mùa giải mới.
Sau khi trở lại với AC Milan với vị trí giám đốc kỹ thuật, Paolo Maldini chính là một trong những nhân vật chủ chốt thúc đẩy áp dụng một chiến lược dài hơi mới cho câu lạc bộ, mà trọng tâm chính là việc đầu tư cùng đào tạo các cầu thủ trẻ, tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ trưởng thành và trở thành trụ cột của câu lạc bộ. Mùa giải 2019 - 2020 chiến lược này đã có những đường nét nhất định, nhưng lại không mang đến kết quả nào khả quan bởi sự non nớt của các cầu thủ trẻ. Mùa giải 2020 - 2021 AC Milan đã trở nên mạnh mẽ hơn với sự trưởng thành của các cầu thủ trẻ, đã cập bến mùa giải với vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng, một vị trí có thể khiến cho họ hài lòng khi kinh nghiệm chính là điều mà các cầu thủ của họ còn thiếu. Và đến mùa giải 2021 - 2022, mùa giải mà họ có thể kết hợp được kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu của những lão tướng như Zlatan Ibrahimovic, Olivier Giroud, Alessandro Florenzi… cùng các cầu thủ trẻ chưa quá 24 tuổi như Rafael Leao, Sandro Tonali, Brahim Diaz, Fikayo Tomori…, thì họ đã lên ngôi vô địch.
Thường xuyên ra sân với một đội hình thuộc dạng trẻ nhất Serie A với những cái tên như Alexis Saelemaekers 22 tuổi, Rafael Leao 23 tuổi, Sandro Tonali 22 tuổi, Brahim Diaz 22 tuổi… rất nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy ban lãnh đạo AC Milan đưa về những lão tướng như Zlatan Ibrahimovic đã xấp xỉ 40 tuổi, Olivier Giroud đã 35 tuổi… Rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi không lẽ AC Milan lại đi theo xu hướng “viện dưỡng lão” khi cũng đưa về những bản hợp đồng miễn phí nhưng thuộc dạng “hàng thải” của các giải đấu khác. Nhưng chiến lược ấy của họ lại tỏ ra đúng đắn, khi chỉ đưa về một số ít lão tướng nhằm dẫn dắt các cầu thủ trẻ, đồng thời truyền thụ lại kinh nghiệm cũng như bản lĩnh thi đấu của họ, điều mà các cầu thủ trẻ đang rất cần để thực sự trưởng thành.
Với sự thành công một cách rõ ràng của lộ trình chiến lược dài hơi này, chắc chắn AC Milan vẫn sẽ tiếp tục con đường đã đặt ra trong mùa giải mới 2022 - 2023. Trải qua mùa giải 2021 - 2022 mà AC Milan không có bất cứ chân sút nào lọt vào top 10 Vua phá lưới Serie A, cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho AC Milan là Rafael Leao cũng chỉ có vỏn vẹn 11 bàn, kém xa Vua phá lưới Ciro Immobile với 27 bàn trong cả mùa giải, thậm chí Rafael Leao chỉ xếp thứ 17 trên bảng xếp hạng Vua phá lưới, chỉ tương đương với Beto của Sassuolo, câu lạc bộ xếp thứ 11 trên bảng xếp hạng. Nhưng ngược lại AC Milan lại có tới 16 cầu thủ đã ghi bàn cho câu lạc bộ, trải đều từ hậu vệ cho tới tiền đạo, cho thấy họ là câu lạc bộ chú trọng vào lối chơi tập thể mà không quá dựa vào một cái tên cụ thể nào.
Có thể nói một khi đã có lộ trình dài hơi đúng đắn như vậy, thì không có lý do gì để AC Milan phải phá bỏ nó trong kỳ chuyển nhượng Hè 2022 đang diễn ra. Họ sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào những cầu thủ trẻ, hoặc tạo cơ hội cho những cái tên “cây nhà lá vườn”, hoặc đưa về những cầu thủ trẻ có tiềm năng. Họ cũng có thể sẽ đưa về những tân binh đã có tuổi, nhưng chắc chắn sẽ không phải quá nhiều và cũng sẽ hướng tới những bản hợp đồng miễn phí, với mục tiêu rất rõ ràng là giúp các cầu thủ trẻ về mặt kinh nghiệm cũng như bản lĩnh thi đấu. Với làm tốt, khả năng bản vệ được chiếc cúp vô địch trong mùa giải mới 2022 - 2023 sẽ là không nhỏ, dù cho những Inter Milan, Juventus, Napoli… cũng đang tích cực bổ sung lực lượng cho mùa giải mới, thậm chí là sẽ hướng tới những vị trí cao hơn tại giải đấu Champions League danh giá.
Cao Duy