APEC 2021: Ưu tiên của Thái Lan trong năm Chủ tịch sắp tới

Thứ ba - 09/11/2021 12:24
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định Thái Lan sẵn sàng nhận chuyển giao cương vị Chủ tịch APEC và thông báo Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29 sẽ được tổ chức ở Thái Lan vào tháng 11/2022. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
APEC 2021: Ưu tiên của Thái Lan trong năm Chủ tịch sắp tới
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định Thái Lan sẵn sàng nhận chuyển giao cương vị Chủ tịch APEC và thông báo Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29 sẽ được tổ chức ở Thái Lan vào tháng 11/2022.
 
Theo kế hoạch, Thái Lan sẽ chính thức tiếp nhận cương vị Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2022 tại lễ chuyển giao từ New Zealand vào ngày 12/11 tới.
 
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, tuần trước, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã họp trực tuyến với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern để trao đổi việc chuyển giao cương vị Chủ tịch APEC và những ưu tiên mà Thái Lan sẽ thúc đẩy tại Hội nghị cấp cao APEC.
 
Sau khi chúc New Zealand tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 trong tuần này, Thủ tướng Prayut khẳng định Thái Lan sẵn sàng nhận chuyển giao cương vị Chủ tịch APEC và thông báo Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29 sẽ được tổ chức ở Thái Lan vào tháng 11/2022.
 
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đánh giá cao những tiến bộ của Thái Lan trong việc chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29, đồng thời bày tỏ ấn tượng với những ưu tiên mà Thái Lan đặt mục tiêu thúc đẩy tại Hội nghị cấp cao APEC năm nay. 
 
Với chủ đề “Rộng mở-Kết nối-Cân bằng” (Open-Connect-Balance), Chính phủ của Thủ tướng Prayut muốn tận dụng cơ hội năm APEC 2022 để tạo ra "một chương mới" trong phát triển kinh tế của Thái Lan trong thế giới hậu COVID-19 một cách bền vững và cân bằng.
 
Để có thể tiếp nối những thành công của New Zealand trong 365 ngày tiếp theo, Thái Lan đã mất gần 18 tháng tham vấn và thảo luận với các quan chức từ nhiều bộ và khu vực tư nhân.
 

 

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Ảnh: AFP/TTXVN)
 
Trong bài phân tích đăng trên tờ Bangkok Post ngày 9/11, nhà báo kỳ cựu chuyên về các vấn đề khu vực Kavi Chongkittavorn cho rằng nguyên tắc đầu tiên “Rộng mở” mà Thái Lan định hướng cho năm APEC 2022 có nghĩa mở mọi cơ hội.
 
Với ý nghĩa này, các nền kinh tế thành viên APEC nên cởi mở với các hiệp định thương mại tự do, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm.
 
Nguyên tắc thứ hai là "Kết nối" có phạm vi khá rộng và nước Chủ tịch Thái Lan coi sự kết nối của cả ba yếu tố thời gian, không gian và con người như phương tiện để thúc đẩy phục hồi kinh tế cho khu vực cũng như phần còn lại của thế giới theo những cách thức bền vững
 
Với nguyên tắc thứ ba là "Cân bằng," Thái Lan tìm cách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cân bằng theo hướng bao trùm.
 
Ba nguyên tắc nói trên cũng liên quan mật thiết đến mô hình kinh tế mới Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG) mà Chính phủ Thái Lan liên tục quảng bá thời gian qua, đặc biệt là tại các Hội nghị cấp cao của ASEAN diễn ra theo hình thức trực tuyến vào cuối tháng trước.
 
Mô hình BCG tích hợp kinh tế sinh học, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh và chính phủ của Thủ tướng Prayut sẽ sử dụng chiến lược này để tăng tốc phát triển kinh tế và xã hội.
 
Nền kinh tế mới này có cách tiếp cận 4 hướng với mục tiêu đầu tiên là nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm bằng cách áp dụng công nghệ sinh học để tạo ra những đổi mới và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu. Cách tiếp cận thứ hai là xây dựng công nghệ và nguồn nhân lực trong nghiên cứu và phát triển y tế và dược phẩm. Cách tiếp cận thứ ba liên quan đến việc nâng cấp và thúc đẩy khả năng cạnh tranh bền vững của các ngành BCG Thái Lan với kiến thức, công nghệ và đổi mới liên quan đến sản xuất xanh. Cách tiếp cận thứ tư là tập trung vào việc xây dựng khả năng chống chịu với những thay đổi toàn cầu.
 
Theo giới chức Thái Lan, các nỗ lực trong năm APEC 2022 sẽ được tập trung vào việc thúc đẩy phát triển bền vững, cân bằng và bao trùm trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường mà mọi người dân đều có thể thụ hưởng.
 
Những ưu tiên khác sẽ bao gồm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư cũng như phục hồi kết nối để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế trong thế giới hậu COVID-19./.
 
Theo TTXVN
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp