Bộ trưởng GTVT: 'Cả đời phấn đấu, không ai làm ẩu để phải đánh đổi'

Thứ tư - 02/02/2022 03:27
“Tôi dám khẳng định không một đơn vị nào dám làm ẩu. Làm ẩu nhìn là biết ngay. 5-10 năm vẫn phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về việc đầu tư cao tốc Bắc - Nam.
Bộ trưởng GTVT: 'Cả đời phấn đấu, không ai làm ẩu để phải đánh đổi'

“Tôi dám khẳng định không một đơn vị nào dám làm ẩu. Làm ẩu nhìn là biết ngay. 5-10 năm vẫn phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng GTVT chia sẻ về việc đầu tư cao tốc Bắc - Nam sắp tới.

Trong cuộc trò chuyện với Zing nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể dành nhiều thời gian chia sẻ về định hướng triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025. Chủ trương được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất diễn ra hồi đầu tháng 1.

Trở thành người lãnh đạo cao nhất ở Bộ GTVT từ đầu năm 2018, Bộ trưởng Thể đã chứng kiến và chỉ đạo toàn bộ quá trình triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020). Hơn ai hết, ông hiểu rõ khó khăn, áp lực và bài học kinh nghiệm cần rút ra trong giai đoạn tới để đưa cao tốc Bắc - Nam về đích đúng hẹn.

- Quốc hội đã quyết chủ trương dành gần 147.000 tỷ từ ngân sách đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh áp lực lớn về giải ngân vốn trong thời gian tới, Bộ trưởng nhìn nhận còn những thách thức gì?

- Thách thức lớn nhất là về vốn đã cơ bản được giải quyết khi Quốc hội thống nhất làm 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo phương thức đầu tư công.

Sau đó là tới khó khăn về nguồn vật liệu. Rút kinh nghiệm giai đoạn 1, chúng tôi đang chỉ đạo tổng điều tra mỏ đất, mỏ cát trong toàn bộ khu vực dự án đi qua. Dự án nào nằm trong quy hoạch sẽ xúc tiến thủ tục mở mỏ để nhà thầu khai thác ngay. Những chỗ thiếu đất, có trong quy hoạch nhưng không đủ thì phải khảo sát để bổ sung.

Bo truong The noi ve cao toc Bac - Nam anh 1

Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt khai thác mỏ, đưa vật liệu, sắp tới cho nhà thầu vào công trường và chỉ đóng thuế tài nguyên môi trường chứ không phải như hiện nay (nhà thầu phải mua của các đơn vị và chịu tăng giá rất lớn).

Thứ ba là khó khăn về giải phóng mặt bằng. Ở giai đoạn 1, sau hơn 2 năm triển khai, việc giải phóng mặt bằng đạt 99,97%, chỉ còn 0,03%. Do đó, chúng tôi quyết tâm đến cuối năm 2023 cơ bản giải quyết được khúc mắc này. Bộ Giao thông sẽ làm việc với từng địa phương để củng cố, xem xét thủ tục, quyết định đơn giá và vấn đề liên quan.

Sắp tới Thủ tướng, phó thủ tướng sẽ họp trực tiếp với chủ tịch, bí thư các tỉnh nên vấn đề giải sẽ cơ bản được giải quyết.

Thứ tư là việc khắc phục nền đất yếu. Từ Cần Thơ xuống Cà Mau nền đất yếu nghiêm trọng nên phải tập trung gia cố. Chúng tôi sẽ chỉ đạo rà soát, nghiên cứu từng phương án và thời gian thực hiện cũng như ưu, nhược điểm của từng phương án.

Khó khăn cuối cùng là nhà thầu. Hiện nay, Quốc hội đã cho phép Chính phủ quyết định việc chỉ định thầu xây lắp theo tiêu chuẩn, tiêu chí để lựa chọn, đây là phương án rất thuận lợi. Nếu không, việc tổ chức đấu thầu sẽ mất thêm 3-4 tháng. Chúng tôi đưa vào hồ sơ dự thầu nhà thầu có đủ năng lực mới được tham gia, nhà thầu yếu kém không được tham gia hoặc nếu có, chỉ làm công tác phụ cho nhà thầu chính.

Đặc biệt, vì đang triển khai thi công 654 km cao tốc giai đoạn 1 cộng với 729 km của giai đoạn 2 chuẩn bị triển khai nên số lượng nhà thầu không còn nhiều. Nếu giao thêm việc thì có khi "nhà thầu mạnh lại thành yếu". Đây là bài toán chúng tôi phải cố gắng giải quyết.

- Nhận thức rõ nhiều khó khăn như vậy, Bộ GTVT sẽ lựa chọn hướng đi đột phá để không lặp lại bài học trong việc triển khai các dự án trước đó?

- Khó khăn rất nhiều nhưng nhiệm vụ chính trị dứt khoát phải làm. Nhìn lại năm 2021 với muôn trùng khó khăn, cái quý giá nhất là Bộ GTVT đã thay đổi rất lớn trong tư duy, từ chỗ trì trệ, trông chờ đến chủ động, đột phá, gắn trách nhiệm người đứng đầu với chế tài rõ ràng như thu hồi vốn hoặc điều chuyển cán bộ.

Thực tế vừa rồi, chúng tôi đã điều chuyển Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 về làm Phó giám đốc Viện chiến lược, sau đó người này xin nghỉ.

Từ bài học đó cho thấy nếu công việc trì trệ thì dứt khoát phải thay đổi nhân sự, có thể đưa một thủ trưởng xuống làm phó một đơn vị khác.

Với tư duy và ý thức trách nhiệm cao của anh em hiện nay, tôi hy vọng bộ máy vận hành tốt hơn trong năm 2022.

Hiện, nhân lực của Bộ GTVT ít nhưng nhân lực ở các cục, tổng cục nhiều hơn. Chúng tôi sẽ tăng cường khâu quản lý xây dựng. Đơn vị vừa phải thẩm định, kiểm tra hiện trường, kiểm tra tiến độ đảm bảo chất lượng sẽ được tăng cường nhân lực bằng cách cho họ tuyển chọn anh em ở các cục, đơn vị làm công việc tương tự và có năng lực trình độ tương đương.

Ví dụ Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ PPP trực tiếp quản lý vốn và kế hoạch giải ngân có thể tuyển từ các cục, vụ, ban quản lý dự án.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ GTVT cũng cần được tăng cường vì lực lượng này có vai trò rất quan trọng trong thời gian qua, xem xét hồ sơ đấu thầu để chấn chỉnh ngay từ đầu. Để tổng biên chế không thay đổi, chúng tôi điều chuyển nhân sự.

Ngoài ra, một số ban có thể thuê chuyên gia hay người có kinh nghiệm và trả họ mức lương phù hợp kèm với ký hợp đồng có thời hạn để huy động được lực lượng.

Mục tiêu cuối cùng là làm sao để có bộ máy đảm bảo nhiệm vụ.

- Cao tốc là loại hình công trình giao thông có yêu cầu kỹ thuật rất cao. Song, với tiến độ dự kiến khởi công cao tốc Bắc - Nam vào năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025, nhiều người lo ngại thời gian ít sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, giống như bài học cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Bộ trưởng nghĩ sao?

- Dứt khoát chất lượng luôn là ưu tiên hàng đầu và chắc chắn trong triển khai thực hiện sẽ không có chuyện xuề xòa. Lần nào họp, tôi cũng nêu dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi như một bài học để không đốt cháy giai đoạn.

Lần này, giai đoạn chuẩn bị đầu tư thời gian dự kiến là một năm nhưng lực lượng tham gia đông, chia nhóm nhỏ và mỗi nhóm nghiên cứu một số việc, sau đó ráp lại thành một dự án lớn.

Bo truong The noi ve cao toc Bac - Nam anh 2

Còn 3 năm để thực hiện đầu tư, trong đó, khó khăn nhất là xử lý nền đất yếu để gia cố. Nếu triển khai đồng bộ thì thời gian gia cố dự kiến 8-10 tháng, được giám sát chặt chẽ và không bỏ sót bất cứ khâu nào liên quan đến chất lượng.

Về thi công cũng được triển khai rất chặt chẽ ngay từ khâu lập dự án, đấu thầu cho đến triển khai thi công với sự tham gia của 3 đơn vị thuộc Bộ Công an (C01, C03 và A04).

Bên cạnh sự giám sát của công an, Quốc hội chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước tham gia với chúng tôi từ khâu chuẩn bị dự án giai đoạn 2. Tới đây Kiểm toán Nhà nước sẽ đồng hành với Bộ GTVT trong từng khâu, từng giai đoạn như công an, để tất cả lực lượng tăng cường công tác giám sát.

Tôi dám khẳng định hiện không một đơn vị nào dám làm ẩu vì làm ẩu nhìn là biết ngay và làm ẩu thì 5-10 năm vẫn phải chịu trách nhiệm. Cán bộ phấn đấu cả đời rồi nếu vì một hai sự cố mà mất hết tất cả, tôi chắc không ai dám đánh đổi đâu.

Quan điểm của Bộ GTVT là nếu năm 2025 không hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Chúng tôi chấp nhận chứ không đánh đổi bằng chất lượng.

Bộ GTVT rất quyết tâm, chúng tôi biết trách nhiệm nặng, làm xong rất vinh quang nhưng rất căng thẳng, cận kề với rủ ro nên anh em phải cố gắng rất cao, cẩn trọng từng ly từng tý để làm sao dự án có chất lượng tốt nhất.

- Sau khi hoàn thành 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam, Bộ dự kiến nhượng quyền thu phí. Vậy Bộ GTVT tính toán phương án này như thế nào để đảm bảo rõ ràng, minh bạch?

- Đầu tư công có một cái lợi là thời điểm này chúng ta đang phục hồi kinh tế, cần thiết tăng cường kết cấu hạ tầng. Phục hồi kinh tế thì dùng kinh phí này để đầu tư sẽ đảm bảo tiến độ. Và khi đầu tư rồi thì tổ chức nhượng quyền thu phí.

Ví dụ sau khi có con đường hoàn thiện hết rồi thì nhà đầu tư tính toán để tham gia đấu thầu, có thể đấu thầu thu phí 2 năm, 5 năm hay 10 năm, sau đó tổng kết lỗ lãi… Nếu nhượng quyền thu phí thành công với 15 năm thì chúng ta thu hồi gần như đầy đủ lượng tiền đã bỏ ra. Cơ chế này Chính phủ đang thảo luận để báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai.

Bài học từ giai đoạn 1 là dự án đầu tư công đảm bảo tiến độ, còn các dự án PPP thì không đảm bảo. Như thế để thấy PPP đang rất bấp bênh do khó thu hút vốn tín dụng, không có gì đảm bảo. Chính vì thế chúng tôi muốn rằng khi Chính phủ kích cầu thì dồn vốn lại và xác định dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là trục xương sống của cả nước. Nghị quyết Đại hội XIII cũng nêu yêu cầu hoàn thành vào 2025 nên lần này Quốc hội đồng tình, ủng hộ để chúng ta đầu tư.

Nói tóm lại, chuyển qua đầu tư công là để đảm bảo hoàn thành dự án trong 2025, có được những con đường theo đúng nghị quyết Đại hội Đảng, có con đường đột phá và kích cầu trong giai đoạn hiện nay vì khi giao thông xây dựng được thì mọi thứ đều được vận hành.

- Xin cảm ơn ông!

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có chiều dài 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án có thể vận hành khai thác độc lập.

Dự án được chia thành 12 dự án thành phần gồm Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng, gồm: Chi phí xây dựng và thiết bị (95.837 tỷ đồng), chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư (19.097 tỷ đồng), chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác (12.015 tỷ đồng), chi phí dự phòng (20.041 tỷ đồng).

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp