'Cơ hội vàng' cho Ấn Độ

Thứ năm - 01/12/2022 04:18
Kể từ ngày 1/12/2022, Ấn Độ trở thành Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2023. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Kể từ ngày 1/12/2022, Ấn Độ trở thành Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2023.
 
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải, hàng trước) trao búa chuyển giao cương vị Chủ tịch G20 cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái, hàng trước) tại lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia), ngày 16/11/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải, hàng trước) trao búa chuyển giao cương vị Chủ tịch G20 cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái, hàng trước) tại lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia), ngày 16/11/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
 
Lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò này, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ có nhiệm kỳ thành công, căn cứ vào những bước chuẩn bị kỹ lưỡng của New Delhi để dẫn dắt các chương trình nghị sự quan trọng và đưa ra các giải pháp cho những thách thức cấp bách của thế giới.
 
Trước đây, nhiều nước chủ tịch G20 đã đạt những thành công đáng kể và góp phần định hình các vấn đề toàn cầu. Năm 2009, Hội nghị thượng đỉnh London đã đưa ra một phản ứng phối hợp đối với khủng hoảng tài chính toàn cầu khi thành lập Ban ổn định tài chính, hiện là cơ quan quốc tế chuyên giám sát hệ thống tài chính toàn cầu. Năm 2010, dưới sự chủ trì của Hàn Quốc, G20 đã hoàn thiện gói Basel 3 đưa ra các yêu cầu về vốn và thanh khoản chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng. Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Mexico năm 2012 đã củng cố việc tái cấp vốn cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để tăng nguồn lực và quỹ trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Năm 2021, Italy, trên cương vị chủ tịch G20, đã thúc đẩy các thành viên nhất trí về việc áp thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia lớn. Gần đây nhất, tại Bali, Indonesia, các nhà lãnh đạo thế giới đã cùng nhau tìm cách thoát khỏi các cuộc khủng hoảng đa chiều do chiến tranh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng cũng như phục hồi sau đại dịch COVID-19.
 
Sau khi nhận chiếc búa biểu tượng cho vai trò chủ tịch G20 từ Indonesia, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố: "Tôi muốn bảo đảm rằng nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ sẽ bao trùm, tham vọng, quyết đoán và hướng vào các hành động cụ thể". Ông khẳng định đây là niềm tự hào của người dân Ấn Độ, đồng thời cam kết đưa G20 trở thành "chất xúc tác" cho sự thay đổi toàn cầu.
 
Bước chuyển giao này diễn ra vào một thời điểm khá thuận lợi đối với New Delhi. Tháng 9/2022, Ấn Độ vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới; được IMF mô tả là một “điểm sáng” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Với chủ đề “Một Trái Đất, một gia đình, một tương lai” cho năm chủ tịch G20, Ấn Độ muốn khẳng định nỗ lực tăng cường sự kết nối toàn cầu, xây dựng dựa trên giá trị của sự kết nối này và tìm ra giải pháp sáng tạo nhằm đối phó với mọi thách thức. Bên cạnh đó, Ấn Độ đã xác định một số ưu tiên cho vai trò chủ tịch G20 năm 2023: tăng trưởng toàn diện, công bằng và bền vững; LiFE (lối sống vì môi trường); trao quyền cho phụ nữ; cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số; tài trợ khí hậu; kinh tế tuần hoàn; an ninh lương thực toàn cầu; an ninh năng lượng; hydro xanh; giảm thiểu rủi ro thiên tai; hợp tác phát triển; đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế; cải cách đa phương…
 
Để chuẩn bị cho các chương trình nghị sự ưu tiên, Ấn Độ đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động trong nước và quốc tế. Trong nước, chính quyền Thủ tướng Modi đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế và xã hội, đặc biệt là chuyển đổi mô hình theo hướng phát triển xanh và số hóa. Về mặt đối ngoại, chính quyền Modi đã điều chỉnh chính sách ngoại giao, đặt trọng điểm vào lợi ích chung toàn cầu. Nổi bật nhất là trong thời kỳ đại dịch, Ấn Độ không chỉ cung cấp hơn 2 tỷ liều vaccine cho người dân trong nước mà còn bào chế 2 trong số 5 loại vaccine được phân phối trên toàn cầu. Theo chương trình Vaccine Maitri, Ấn Độ đã cung cấp vaccine chống COVID-19 cho 94 quốc gia. Trong nỗ lực vì khí hậu, Thủ tướng Modi đã phát động phong trào LiFE (Lối sống vì môi trường) ở Ấn Độ. Đây là lời kêu gọi rõ ràng cho hành động tập thể và cá nhân để chống biến đổi khí hậu ở mọi cấp độ và biến việc áp dụng lối sống bền vững trở thành một phong trào quần chúng. Tháng 10/2022, Ấn Độ và Liên hợp quốc đã khởi động Sứ mệnh Cuộc sống, được đặc trưng bởi chiến lược ba hướng để tập hợp hành động khí hậu. Chủ tịch G20 năm 2023 được kỳ vọng sẽ ủng hộ nỗ lực của các quốc gia đang phát triển trong việc đối phó với khủng hoảng khí hậu.
 
Hiện các nhà lãnh đạo thế giới đang nhấn mạnh tầm quan trọng của những chính sách thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số thuận lợi, toàn diện và không phân biệt đối xử. Với thế mạnh về lĩnh vực này, Ấn Độ có thể lên kế hoạch chi tiết để giúp thế giới "đi tắt đón đầu" vào một kỷ nguyên mới về tính toàn diện kỹ thuật số và cung cấp lợi ích xã hội một cách công bằng trên quy mô lớn.
 
Trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ, một trong những nền tảng là các cuộc thảo luận xung quanh sự phát triển do phụ nữ lãnh đạo. Ấn Độ là quê hương của khoảng 660 triệu phụ nữ. Trong 8 năm qua, Ấn Độ đã tiến hành một số cải cách nhằm phát huy tiềm năng lãnh đạo của phụ nữ trong các tầng lớp xã hội. Chính vì vậy, Ấn Độ có thể áp dụng nhiều kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất vào việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong các hoạt động liên quan.
 
G20 đại diện cho tiếng nói của gần 4,6 tỷ công dân trên thế giới, của cả các nước đang phát triển và phát triển, là diễn đàn quan trọng về mặt thúc đẩy sự đồng thuận toàn cầu. Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc theo đuổi sự đồng thuận toàn cầu sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc trong G20 và cuộc khủng hoảng tín nhiệm mà các thể chế đa phương đang phải đối mặt. Về mặt này, Giáo sư Harsh V.Pant tại Học viện Ấn Độ thuộc Đại học Hoàng gia London, nhận định là một trong số ít nước có thể quan hệ với tất cả các bên, Ấn Độ có khả năng kết nối những bên có quan điểm trái chiều. Đây là một trong những lý do khiến ảnh hưởng của New Delhi ngày càng tăng trong G20.
 
Với việc nhấn mạnh học thuyết về quyền tự chủ chiến lược trong cách tiếp cận ngoại giao, theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích hơn là liên kết với bất kỳ cường quốc nào, Ấn Độ sẽ dễ dàng tập hợp các nhà lãnh đạo G20 tại một hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi vào năm tới. Điều này tạo tiền đề cho Ấn Độ đóng vai trò là cầu nối giữa các bên thông qua ngoại giao và đối thoại.
 
Một yếu tố cũng có thể ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của Ấn Độ là cuộc khủng hoảng tín nhiệm ngày càng trầm trọng của các thể chế đa phương, khiến các thể chế này không tạo được sự đồng thuận giữa các nước và ngăn ngừa xung đột. Bên cạnh đó, các xu hướng kinh tế vĩ mô ngày càng tồi tệ - thất nghiệp gia tăng, chi phí sinh hoạt tăng, các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng - càng làm trầm trọng thêm những thách thức trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ. Việc các quốc gia tập trung giải quyết các vấn đề trong nước phần nào sẽ ảnh hưởng tới triển vọng hợp tác quốc tế.
 
Theo quan điểm của Ấn Độ, cuộc khủng hoảng chủ nghĩa đa phương ngày càng trở nên tồi tệ là do thiếu sự đại diện rộng rãi hơn của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi trong các thể chế đa phương. New Delhi luôn ủng hộ một chủ nghĩa đa phương kiểu mới để các tổ chức quốc tế có trách nhiệm hơn và có tính bao trùm hơn.
 
Tuy nhiên, thách thức luôn đi cùng cơ hội. Việc xử lý tốt những thách thức trong thời gian đảm nhiệm chức chủ tịch G20 sẽ là cơ hội để Ấn Độ tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế.
 
Theo TTXVN
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp