Đối thoại Shangri-La 2022: Đóng góp vào an ninh, ổn định ở châu Á-TBD

Thứ năm - 09/06/2022 05:59
Đối thoại Shangri-La 2022 tập trung thảo luận việc kiểm soát cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực, phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới, hiện đại hóa quân sự... Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Đối thoại Shangri-La 2022: Đóng góp vào an ninh, ổn định ở châu Á-TBD
Đối thoại Shangri-La 2022 tập trung thảo luận việc kiểm soát cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực, phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới, hiện đại hóa quân sự...
 
Sau hai năm trì hoãn vì đại dịch COVID-19, Đối thoại Shangri-La 2022 (SLD22) thường niên sẽ diễn ra dưới hình thức trực tiếp từ ngày 10-12/6 tại khách sạn Shangri-La của Singapore.
 
Được coi là thượng đỉnh an ninh của khu vực châu Á, SLD22 thu hút sự tham gia của đông đảo quan chức chính phủ, các chuyên gia về an ninh quốc phòng để thảo luận về những thách thức an ninh đang nổi lên tại châu Á.
 
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức SLD22, cho biết diễn đàn năm nay được tổ chức với quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Khoảng 500 đại biểu là quan chức chính phủ, quan chức quốc phòng-an ninh, ngoại giao, các chuyên gia nghiên cứu... trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh từ trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, sẽ tham dự diễn đàn năm nay.
 
 
Khách sạn Shangri-La ở Singapore. (Nguồn: Reuters)
Khách sạn Shangri-La ở Singapore. (Nguồn: Reuters)
 
SLD22 được tổ chức trong bối cảnh tình hình quốc tế nói chung và tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng còn nhiều biến động khó lường. Cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn còn diễn biến phức tạp.
 
Xung đột tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn, tạo ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường an ninh của khu vực, buộc nhiều quốc gia phải điều chỉnh chiến lược quốc phòng, an ninh và tính toán lại quá trình hiện đại hóa quốc phòng, tiềm ẩn nguy cơ kích động cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
 
Trong bối cảnh đó, chương trình nghị sự của SLD22 sẽ tập trung vào các chủ đề thảo luận như kiểm soát cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực, phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới, hiện đại hóa quân sự và các thực lực quốc phòng mới, những thách thức chung đối với quốc phòng của châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu, những ý tưởng mới nhằm bảo đảm ổn định khu vực...
 
Ba phiên thảo luận đặc biệt cũng được tổ chức với chủ đề về an ninh khí hậu và quốc phòng xanh, giải pháp cho Myanmar và an ninh hàng hải liên quan tới bộ quy tắc ứng xử và liên lạc trong tình huống khủng hoảng.
 
Căng thẳng Mỹ-Trung và tương lai mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này, những tác động với khu vực dự kiến cũng sẽ là chủ đề nóng tại SLD22, với sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Đây là lần thứ hai liên tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tham dự đối thoại sau 8 năm vắng mặt.
 
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Lloyd Austin sẽ có bài phát biểu về các bước đi kế tiếp của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, còn Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa sẽ phát biểu về tầm nhìn của Trung Quốc đối với trật tự khu vực. Lãnh đạo quốc phòng Mỹ-Trung cũng sẽ có cuộc gặp song phương bên lề SLD22.
 
 
Ông James Crabtree, Giám đốc điều hành IISS-châu Á, cho rằng các sự kiện như SLD tạo cơ hội cho Mỹ và Trung Quốc thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm, với việc cả hai quốc gia đều cử một phái đoàn lớn tới hội nghị.
 
Tuy nhiên, khả năng cải thiện mối quan hệ giữa hai siêu cường là rất ít. Nguy cơ quan hệ đi xuống đã được kiểm soát trong những năm gần đây do đại dịch COVID-19 khi lãnh đạo của cả hai quốc gia đều tập trung vào việc phục hồi trong nước.
 
Xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2022, khi Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XX và Mỹ tổ chức bầu cử giữa kỳ. Nhưng rủi ro mà điều phối viên của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell gọi là “bất ngờ chiến lược” có thể xảy ra trong ngắn hạn chưa thuyên giảm và cùng với nó là nguy cơ rạn nứt quan hệ vẫn còn cao.
 
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak), cho rằng tâm điểm chú ý của SLD22 sẽ là bài phát biểu của hai bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc.
 
SLD22 sẽ chứng kiến sự xuất hiện trực tiếp trở lại giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc tại diễn đàn an ninh lớn này của khu vực, qua đó sẽ giúp giới hoạch định chính sách và các nhà quan sát của khu vực đánh giá được mức độ căng thẳng trong quan hệ song phương và xu hướng trong thời gian tới.
 
Giới chuyên gia quan tâm rằng những biện pháp, bước đi mới mà Mỹ và Trung Quốc công bố tại hội nghị có khiến xu hướng đối đầu gia tăng hay sẽ là một sự cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, dư luận cũng không có nhiều kỳ vọng vào một sự cải thiện sau những hoạt động giao thiệp giữa giới chức quốc phòng hai bên tại SLD22 lần này.
 
SLD22 cũng sẽ chứng kiến sự hiện diện lần đầu tiên sau 8 năm của một thủ tướng Nhật Bản. Ông Kishida Fumio sẽ là diễn giả chính, phát biểu dẫn đề trong phiên khai mạc vào tối 10/6.

 

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ là diễn giả chính, phát biểu dẫn đề trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La 2022. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ là diễn giả chính, phát biểu dẫn đề trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La 2022. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 
Giám đốc IISS-châu Á James Crabtree đánh giá Nhật Bản là một nhân tố an ninh ngày càng quan trọng hơn tại khu vực trong thời điểm căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng. Bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Kishida sẽ đưa ra tuyên bố quan trọng về triển vọng chiến lược đang thay đổi của Nhật Bản, những tác động đối với khu vực từ xung đột tại Ukraine và cách thức kiểm soát những thách thức an ninh cấp bách của khu vực.
 
Đồng quan điểm, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cho rằng bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Kishida cũng sẽ nhận được sự quan tâm tại SLD22 vì ông mới nhậm chức chưa lâu. Bài phát biểu này sẽ giúp làm rõ thêm lập trường về các vấn đề an ninh khu vực của chính quyền Nhật Bản hiện nay.
 
Đại dịch COVID-19 đã cản trở các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương trực tiếp trong hơn hai năm qua. SLD22 được nối lại dưới hình thức trực tiếp sẽ mang lại cơ hội để lãnh đạo quốc phòng, an ninh các nước, không chỉ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn từ nhiều khu vực khác, đối thoại trực tiếp với nhau về những khác biệt, nêu quan điểm về những quan ngại an ninh mà họ quan tâm thông qua các bài phát biểu.
 
Cùng với đó là đề xuất những giải pháp đối phó với các thách thức an ninh chung của khu vực cũng như tăng cường các cơ chế hợp tác, giảm thiểu rủi ro đối đầu, xung đột, đóng góp vào an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia./.
 
Theo TTXVN
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp