Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@baomoikhanhhoa.com, cảm ơn !

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Arab và lực hút của lợi ích

Chủ nhật - 11/12/2022 22:27
Các nước Trung Đông tuy chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc, song khu vực này cung cấp nguồn dầu khí lớn nhất và là địa bàn có tầm quan trọng địa chiến lược.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Các nước Trung Đông tuy chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc, song khu vực này cung cấp nguồn dầu khí lớn nhất và là địa bàn có tầm quan trọng địa chiến lược.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trao đổi văn kiện về thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud (phải) tại Riyadh, ngày 8/12/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trao đổi văn kiện về thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud (phải) tại Riyadh, ngày 8/12/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Arab diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngay tiếp sau chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Saudi Arabia.
 
Đây là hội nghị đầu tiên, dựa trên Diễn đàn Hợp tác song phương được Trung Quốc và Liên đoàn Arab khởi động từ năm 2004.
 
Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng lãnh đạo 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) bao gồm Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
 
Trước thềm hội nghị, ông Tập Cận Bình cũng có các cuộc gặp riêng với lãnh đạo các nước Arab, Hồi giáo trong khu vực như Ai Cập, Iraq, Sudan, Algieria và gặp lãnh đạo Chính quyền Palestine.
 
Trong phát biểu nhan đề “Xây dựng dựa trên thành tựu quá khứ và cùng nhau tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho quan hệ Trung Quốc-GCC," ông Tập Cận Bình nhấn mạnh hai bên cần hợp tác hơn nữa nhằm tăng cường đoàn kết, cùng phát triển, lợi ích an ninh chung và giao lưu văn hóa.
 
Trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ phối hợp với GCC trong 5 lĩnh vực ưu tiên: Thiết lập cơ chế mới cho hợp tác năng lượng đa chiều, đẩy nhanh hợp tác đầu tư và tài chính; mở rộng hợp tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tìm kiếm đột phá trong hợp tác hàng không; đề cao hợp tác văn hóa và ngôn ngữ.
 
Hội nghị đã ra tuyên bố chung “Kế hoạch hành động 5 năm Đối thoại chiến lược," nhằm thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-GCC trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh vào hợp tác an ninh và năng lượng.
 
Bắc Kinh cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp GCC thâm nhập thị trường vốn, thành lập hiệp hội đầu tư giữa hai bên, hỗ trợ các quỹ đầu tư quốc gia để tăng cường hợp tác dưới nhiều hình thức.
 
Đây là chuyến công du nước ngoài thứ ba của ông Tập Cận Bình kể từ sau đại dịch COVID-19, và được báo chí Trung Quốc đưa tin là “hoạt động đối ngoại lớn nhất từ trước tới nay giữa Trung Quốc và thế giới Arab."
 
Cùng dịp chuyến thăm này, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức 3 ngày tới Saudi Arabia - thành viên lớn nhất của GCC và cũng là nơi tổ chức này đặt trụ sở.
 
Trong chuyến thăm, hai bên đã ký “Thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện," kèm theo là 34 thỏa thuận hợp tác đầu tư song phương trong một loạt lĩnh vực như năng lượng, công nghệ thông tin, điện toán đám mây, giao thông, hậu cần, y tế, xây dựng.
 
Giới quan sát cho rằng chuyến công du của nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ yếu nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế với các nước Vùng Vịnh.
 
Saudi Arabia là cửa ngõ lớn nhất để Trung Quốc đặt chân vào thế giới Arab và những gì thể hiện với Riyadh cũng là thể hiện chung với cả khối.
 
Vì vậy, các hoạt động hợp tác song phương được đẩy mạnh trong những năm gần đây, nổi bật là các chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình tới Riyadh năm 2016 và chuyến thăm của Thái tử Mohammed bin Salman tới Bắc Kinh năm 2019 và 2022.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) hội kiến Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud tại Riyadh, ngày 8/12/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) hội kiến Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud tại Riyadh, ngày 8/12/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Đặc biệt, trong cuộc điện đàm cấp cao tháng 4/2022, hai bên đã ra tuyên bố chung thắt chặt quan hệ, bao gồm việc “sẽ ký các thỏa thuận hợp tác nhằm tích hợp quy hoạch Tầm nhìn 2030 Saudi Arabia và chương trình Vành đai và Con đường của Trung Quốc” và “thúc đẩy để hoàn tất sớm hiệp định tự do thương mại Trung Quốc-GCC."
 
Ngoài Saudi Arabia, các nước thành viên GCC cũng có nhiều kế hoạch lớn nhằm thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế, tránh phụ thuộc vào dầu mỏ, như Qatar với “Tầm nhìn Quốc gia 2030," Kuwait với “Tầm nhìn 2035," Oman với “Tầm nhìn 2040," Bahrain với “Tầm nhìn Kinh tế 2030” và UAE với “Tầm nhìn UAE 2031."
 
Các chương trình này hứa hẹn những hợp đồng thi công, xây dựng khổng lồ mà Trung Quốc có nhiều thế mạnh.
 
Đơn cử, chỉ tính riêng dự án xây dựng siêu đô thị thông minh NEOM của Saudi Arabia, trên tổng diện tích 26.500km vuông, đã có vốn đầu tư dự kiến lên tới 500 tỷ USD.
 
Với hầu hết các quốc gia Arab ở Trung Đông, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Saudi Arabia hằng năm hiện khoảng 87,31 tỷ USD, và tăng với tốc độ trên 30%/năm.
 
Saudi Arabia là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc, với 87,57 triệu tấn dầu thô năm 2021. Trong khi Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường này các loại máy móc công nghiệp và thiết bị điện tử, sắt thép, hàng dệt may.
 
Tương tự với các thành viên khác của GCC, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, gần 25% xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ và 12% khí đốt của khu vực này được xuất sang Trung Quốc.
 
Các nền kinh tế của Oman, Kuwait, Qatar đều phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí sang Trung Quốc. Nhìn từ cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên có thể thấy Trung Quốc xuất khẩu vào khu vực hàng hóa đủ loại và nhập khẩu chủ yếu dầu khí. Với GCC, đây được xem là đối tác phù hợp nhất trên con đường đa dạng hóa kinh tế.
 
Ở chiều ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc không thể duy trì tốc độ tăng trưởng nếu thiếu nguồn năng lượng từ Trung Đông, vì vậy dễ hiểu khi Bắc Kinh chủ trương lấy kinh tế làm nền tảng và động lực để thúc đẩy quan hệ với khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 4, trái) cùng lãnh đạo các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) chụp ảnh chung tại hội nghị ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 9/12/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 4, trái) cùng lãnh đạo các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) chụp ảnh chung tại hội nghị ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 9/12/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoài đáp ứng cơn khát năng lượng, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư nhiều dự án xây dựng cảng biển và khu kinh tế mở tại các nước như Oman, Ai Cập, Saudi Arabia, Kuwait, phục vụ tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực địa chính trị quan trọng này.
 
Về mặt chính trị, trong tuyên bố chung sau hội nghị, các bên kêu gọi hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy các lợi ích chung, trong đó các nước GCC cho biết sẽ hỗ trợ Trung Quốc thúc đẩy phát triển kinh tế và cam kết tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc."
 
Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại toàn diện có sự tham gia của các nước khu vực nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran và các mối đe dọa khủng bố, bạo lực trong khu vực, đảm bảo an ninh hàng hải cho các tuyến đường thủy quốc tế và cơ sở dầu khí.
 
Chuyến công du của ông Tập Cận Bình diễn ra giữa lúc quan hệ Mỹ-Saudi Arabia “cơm không lành, canh chẳng ngọt” do những chỉ trích của Washington nhằm vào Ryiadh về vấn đề nhân quyền.
 
Chuyến thăm Trung Đông cách đây 5 tháng của Tổng thống Mỹ Joe Biden được hiểu là có mục đích xoa dịu và thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng dầu mỏ, nhưng không mang lại kết quả đáng kể.
 
Tổng thống Mỹ cũng trấn an các nhà lãnh đạo Arab là Mỹ “sẽ không rời đi và để lại khoảng trống để Trung Quốc, Nga hay Iran… lấp vào."
 
Vì vậy, một số ý kiến cho rằng Hội nghị Trung Quốc-GCC nhằm gửi một thông điệp tới Mỹ về khả năng của Bắc Kinh trong việc “lấp đầy khoảng trống” trong khu vực, ít ra là trong lĩnh vực kinh tế.
 
Chuyên gia Hasan al-Hasan tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) của Israel nhận định: “Khó có thể dự đoán các kết quả cụ thể sau hội nghị này, bởi các tuyên bố mục tiêu rất rộng. Có thể hiểu đây là dịp để Trung Quốc thể hiện vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước khu vực thúc đẩy kinh tế, cũng như Saudi Arabia cho thấy vai trò hàng đầu trong thế giới Arab."
 
Tại hội nghị, ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các hợp đồng mua bán dầu khí với các nước khu vực. Vấn đề này đang được Saudi Arabia xem xét nghiêm túc như một cử chỉ thể hiện mong muốn “hướng Đông” trong tiến trình tìm kiếm đa dạng hóa cơ cấu kinh tế.
 
Cố vấn của Tổng thống UAE, Anwar Gargash trong một diễn đàn gần đây cũng phát biểu công khai: “Các mối quan hệ của chúng tôi ngày càng hướng về phía Đông," đồng thời giải thích thêm UAE tìm kiếm sự độc lập về kinh tế và quốc phòng, trong khi trung lập về chính trị.
 
Mặc dù các nước Trung Đông chỉ chiếm một phần khá khiêm tốn trong tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc, khoảng 6-7%, nhưng theo quan điểm của Bắc Kinh, khu vực này đóng vai trò quan trọng trong hai lĩnh vực then chốt: Nơi cung cấp nguồn dầu khí lớn nhất và một trong những địa bàn có tầm quan trọng địa chiến lược.
 
Vừa tự nhiên vừa có chủ đích, các yếu tố lợi ích đang kéo Trung Quốc và thế giới Arab ngày càng xích lại gần nhau.
 
Theo TTXVN
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp