Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội năm 2024 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh và các cấp hội đã có những hoạt động tích cực nhằm hỗ trợ người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Những hỗ trợ tích cực của các cấp hội đã bổ sung thêm vào nguồn trợ lực cho người dân 2 huyện miền núi thoát nghèo.
Ông Lê Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết, để hỗ trợ người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế, thời gian qua các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu các mô hình kinh tế phù hợp, tổ chức tập huấn nghề… cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hội cũng phát động các phong trào thi đua, khuyến khích nông dân thi đua xuất kinh doanh giỏi, làm hạt nhân giúp đỡ các hộ nông dân còn gặp khó khăn từng bước phát triển kinh tế hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Từ những hoạt động thiết thực ấy, đã xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi. Họ chính là tấm gương vượt khỏi đói nghèo trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Nông dân Khánh Vĩnh thu hoạch bưởi da xanh. |
Để nói về hiệu quả từ hỗ trợ từ Hội Nông dân, có lẽ gương người nông dân Raglai Bo Bo Niến thôn Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc) là một ví dụ điển hình. 15 năm trước, gia đình ông Bo Bo Niến thuộc diện hộ nghèo của thôn. Thu nhập từ vườn rẫy tạp không đáng kể, việc đi làm mướn cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày nên cuộc sống của gia đình ông thường thiếu trước hụt sau. Để vươn lên, ông đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Trên hành trình vươn lên thoát nghèo của mình, bên cạnh đức tính siêng năng, cần cù lao động, ông Niến chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi từ những người xung quanh, nông dân giỏi và thông qua các lớp tập huấn do các cấp Hội Nông dân tổ chức. Ông Niến cho biết: “Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, tôi đã tham gia nhiều buổi tham quan thực tế mô hình tiêu biểu của hội tổ chức để học tập và làm theo. Chính từ những kinh nghiệm quý báu ấy đã giúp tôi có những thành công như ngày nay”.
Ông Trần Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn cho biết, ông Bo Bo Niến là một trong những hội viên nông dân người dân tộc thiểu số sản xuất giỏi tiêu biểu trên địa bàn huyện. Gia đình ông Niến đã thoát nghèo bền vững và vươn lên tạo dựng cuộc sống khá giả, có điều kiện chăm lo gia đình và tạo việc làm cho những người đồng bào khác trong vùng. Với những kết quả nổi bật trong lao động sản xuất và tích cực tham gia các phong trào nông dân, ông Niến đã được các cấp hội biểu dương, khen thưởng. Năm 2023, ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương và là 1 trong 13 nông dân người dân tộc thiểu số sản xuất giỏi được UBND huyện Khánh Sơn tặng giấy khen.
Nông dân giỏi Cao Niến ở Khánh Sơn chăm sóc vườn. |
Theo lãnh đạo HND tỉnh, những năm qua, các cấp hội đã giúp 693 hộ nghèo về giống bưởi da xanh, xoài, keo, sầu riêng, heo giống, dê giống; 250 tấn phân bón; 65.000 ngày công lao động… với tổng trị giá hơn 14 tỷ đồng. Đồng thời, giúp hơn 450 lượt hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền hơn 18,5 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho 207 hộ hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2024, ở các huyện miền núi đã xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mô hình liên kết hợp tác ngày càng nhiều, chất lượng, quy mô, hiệu quả sản xuất kinh doanh được nhân rộng. Hiểu quả các mô hình kinh tế của hội viên, nông dân ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh không ngừng nâng lên, thậm chí có hộ đạt thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Tại huyện Khánh Vĩnh có hộ ông Đoàn Nguyên Thanh (xã Khánh Đông) với 5ha sầu riêng; ông Hà Thông (xã Khánh Phú) có trang trại chăn nuôi bò sinh sản; hộ bà Hoàng Thị Minh với mô hình trồng cây ăn quả với hàng chục héc-ta, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động. Ở huyện Khánh Sơn có nông dân Đặng Tài Bảy (xã Sơn Lâm) sản xuất giỏi trong lĩnh vực trồng sầu riêng, doanh thu hơn 14 tỷ đồng/năm, giúp 8 hộ khác cùng vươn lên.
Từ kết quả trên có thể thấy, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phát huy được vai trò của mình trong việc hỗ trợ nông dân các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vươn lên thoát nghèo. Cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị của tỉnh, các huyện miền núi, Hội đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Đến tháng 10-2024, toàn tỉnh giảm được 8.180 hộ nghèo. Trong đó, huyện Khánh Sơn có 3.530 hộ nghèo (năm 2021) giảm còn 1.620 hộ, mức giảm bình quân mỗi năm đạt 7,69%. Trong khi đó, huyện Khánh Vĩnh có 4.831 hộ nghèo (năm 2021), giảm còn 1.632 hộ, mức giảm bình quân mỗi năm đạt 9,14%.
CÔNG ĐỊNH