Tiểu vùng Nam Trung Bộ thiếu 'nhạc trưởng' dẫn dắt

Thứ sáu - 24/06/2022 10:50
Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng tiềm năng kinh tế vùng Nam Trung Bộ rất lớn, song chưa phát triển xứng tầm vì thiếu sự liên kết.
Tiểu vùng Nam Trung Bộ thiếu 'nhạc trưởng' dẫn dắt

Tại tọa đàm Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 24/6, chuyên gia đánh giá dù các địa phương trong tiểu vùng đã lồng ghép những định hướng liên kết phát triển trong các quy hoạch, chương trình được ban hành, mức độ liên kết chưa cao.

Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có diện tích trên 21.500 km2 với dân số xấp xỉ 4 triệu người. Tuy nhiên, các địa phương đang chạy theo lợi ích kinh tế ngắn hạn khiến liên kết vùng bị suy giảm, chậm phát triển hơn những vùng khác trong cả nước.

Cần phát huy lợi thế cảng biển, hàng không

Chuyên gia cũng đánh giá hiện mỗi địa phương trong tiểu vùng đều đặt mục tiêu trở thành trung tâm, động lực phát triển và lấy kinh tế biển làm định hướng phát triển. Điều này vô hình trung đã phá vỡ sự phân bố sản xuất, chuyên môn hóa trong kinh doanh, không tạo ra được chuỗi liên kết phát triển.

phat trien kinh te Nam Trung bo anh 1

Các địa phương Nam Trung Bộ có lợi thế về phát triển cảng biển, hàng không. Ảnh: Xuân Hoát.

Đại diện cho nhóm chuyên gia Viện Kinh tế Xã hội vùng Trung Bộ, TS Phan Thị Sông Thương cho rằng cần hoàn thiện thể chế liên kết phát triển vùng trong giai đoạn tới. Trong đó có việc trao thẩm quyền cho ban điều phối vùng phân bổ, theo dõi, đôn đốc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển của vùng và địa phương cũng như củng cố, tăng phối hợp giữa hội đồng vùng hay ban điều phối vùng với địa phương.

Theo TS Thương, muốn phát triển phải liên kết và đây là vấn đề sống còn; đồng thời, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của tiểu vùng thông qua tăng cường liên kết thu hút đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng phù hợp với thế mạnh của từng địa phương.

Việc tạo liên kết nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cảng biển và cảng hàng không trên địa bàn rất quan trọng. Tháng 7/2016, Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ (nhóm 4), lượng hàng thông qua các cảng biển.

Quy hoạch cảng biển Nam Trung Bộ phục vụ 5 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên (như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng), một số tỉnh phía Nam của Lào và phía Bắc của Campuchia.

Theo đó, năm 2020 hàng hóa thông qua các cảng biển khoảng 56-62,5 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 23 đến 26 triệu tấn/năm); năm 2030 khoảng 133-150 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 48 đến 56 triệu tấn/năm). Tuy nhiên, thực tế lượng hàng hóa qua các cảng biển nhóm 4 năm 2020 chỉ đạt 36 triệu tấn (59,5-67% mục tiêu)...

Bộ GTVT cho rằng việc tăng trưởng không như dự báo ở tiểu vùng Nam Trung Bộ là do thiếu thống nhất về nguồn vốn đầu tư dẫn tới sự không đồng bộ trong đầu tư cảng và hạ tầng kết nối. Việc thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng luồng tàu vào cảng làm ảnh hưởng chung đến tiến độ đầu tư vào các cảng, khu kinh tế, điển hình như khu vực Nhơn Hội.

Ngoài ra, Bộ GTVT nhìn nhận quy hoạch khu bến lớn, tính khả thi cao nhưng khó thực hiện do thiếu vốn đầu tư mặc dù đã được kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước theo nhiều hình thức khác nhau (Nhơn Hội, Cảng trung chuyển Vân Phong, căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong...).

Chưa hết, Bộ GTVT cũng cho rằng mạng phân phối logictics chưa có ICD, logistics nào. Nguyên nhân lớn nhất là tại các cảng biển miền Trung thiếu dòng chảy kinh tế vùng phụ cận đổ về nên nguồn hàng ít dẫn đến cảng miền Trung thường xuyên thiếu hàng.

Nhóm chuyên gia đại học Nha Trang kiến nghị trong thời gian tới cần chú trọng hơn việc đào tạo lao động ở các ngành/lĩnh vực về khoa học kỹ thuật biển, khoa học công nghệ về năng lượng tái tạo, công trình xây dựng biển, cảng biển và logistics….

Liên kết đi đôi với quyền lợi

Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, trong thời gian qua Khánh Hòa cùng các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung nói chung đã có nhiều hoạt động để hợp tác liên kết và tạo ra hiệu quả nhất định.

phat trien kinh te Nam Trung bo anh 2

Các địa phương đang phát triển manh mún, thiếu liên kết đồng bộ. Ảnh: Xuân Hoát.

Ông Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận sự liên kết vùng trong thời gian vừa qua còn một số bất cập, hạn chế.

"Trong thời gian tới, Khánh Hòa xác định phải rà soát lại tất cả nội dung công tác liên kết đã triển khai để xem những việc gì đã làm được, việc gì làm chưa được thậm chí những việc gì cần phải loại bỏ đi vì nó không phù hợp với cơ chế, điều kiện cũng như bối cảnh mới", ông Ninh nói.

Bí thư Khánh Hòa nhìn nhận không cần làm quá nhiều mà chỉ cần xác định việc trọng tâm, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của từng địa phương.

"Phải phân định rõ chức năng trong việc phối hợp liên kết đó tạo thành một cơ hội phát triển cùng có lợi giữa các địa phương trong tiểu vùng và trong vùng nói chung. Việc này nhằm tận dụng tiềm năng, thế mạnh và việc hợp tác phải có lợi ích của từng địa phương cũng như lợi ích chung của tiểu vùng và vùng. Có như vậy việc hợp tác liên kết mới bảo đảm sự phát triển một cách hiệu quả và bền vững", ông Ninh kiến nghị.

Trong khi đó, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh tiểu vùng Nam Trung Bộ có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng, với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa rộng lớn.

Bên cạnh đó, tiểu vùng có nhiều eo, cửa sông, vũng, vịnh thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải với kết cấu hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, gồm 2 sân bay, một số cảng, đường sắt, đường bộ Bắc - Nam đi qua, gần TP.HCM và là cửa ngõ của Tây Nguyên ra biển Đông.

Theo Trưởng ban kinh tế Trung ương, tiểu vùng Nam Trung Bộ là khu vực có điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống âu thuyền và cầu tàu ở vùng cửa sông và đảo nhỏ ven bờ.

Đồng thời, đây là khu vực có thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa dân tộc gắn với phát triển các đô thị ven biển như TP Tuy Hòa (Phú Yên), TP Nha Trang (Khánh Hòa), TP Phan Thiết (Bình Thuận) và TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh đánh giá dù nắm trong tay nhiều lợi thế, tiểu vùng đang là khu vực có môi trường đầu tư kinh doanh chậm cải thiện; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và không đồng bộ; chưa thích ứng với tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra khu vực Nam Trung Bộ đang trong tình trạng mở rộng đô thị, nhưng có mật độ thấp, sử dụng đất đai chưa hiệu quả. Tính cạnh tranh của các đô thị không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển bền vững. Nhiều đô thị chưa được liên kết tốt với nhau tạo thành một hệ thống thống nhất; huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị còn hạn chế.

"Đây là khu vực có liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò 'nhạc trưởng' định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy", Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá.

'Đại công trường' tại khu kinh tế Vân Phong

KKT Vân Phong có diện tích 150.000 ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền, đảo khoảng 70.000 ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa).

Đề xuất loạt cơ chế, chính sách đặc thù cho khu kinh tế Vân Phong

Sau khi có các chính sách đặc thù này tỉnh Khánh Hòa sẽ được phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ và tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp