Cây bàng này hoàn toàn không phải như cây bàng mang tính biểu tượng trong Em ơi Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Phan Vũ "Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông…" hay cây bàng lá đỏ của Trịnh Công Sơn trong Nhớ mùa thu Hà Nội. Đây là một cây bàng nhỏ, tự mọc, tự lớn bên ven đường biển Trần Phú - Nha Trang. Phải nói rõ là cây tự mọc, chứ không có người tưởng mình nhận vơ mình trồng. Để rồi theo như ý thơ của Bế Kiến Quốc: "Ai trồng cây, người đó có tiếng hát…". Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Cây bàng này hoàn toàn không phải như cây bàng mang tính biểu tượng trong Em ơi Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Phan Vũ “Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông…” hay cây bàng lá đỏ của Trịnh Công Sơn trong Nhớ mùa thu Hà Nội. Đây là một cây bàng nhỏ, tự mọc, tự lớn bên ven đường biển Trần Phú - Nha Trang. Phải nói rõ là cây tự mọc, chứ không có người tưởng mình nhận vơ mình trồng. Để rồi theo như ý thơ của Bế Kiến Quốc: “Ai trồng cây, người đó có tiếng hát…”.
Bao nhiêu năm đi bộ buổi sáng trên đường biển Nha Trang nên cỏ cây, cảnh vật bên đường trở nên thân thuộc, quen mắt như đồ đạc trong nhà mình. Có điều gì mới là nhận ra ngay lập tức. Nhớ cách đâu khoảng chục năm, một buổi sáng tình cờ thấy ngay rãnh ven đường giữa vỉa hè và thảm cỏ công viên có một cây bàng mới nhú. Chắc là trái bàng nào chín, rớt xuống rồi tình cờ bị lăn ra tận đây. Ừ, hoặc có thể là do một cậu nhóc nào lượm chơi rồi bỏ lại, hoặc một người đi bộ nào đó đá lăn ra ven đường…
Nhìn mầm cây mới nhú thấy thương. Nhiều buổi sáng tôi đi bộ cầm theo chai nước nhỏ, tưới thêm cho cây mau lớn. Khi ấy tôi cứ thầm gọi đây là cây bàng nhỏ của tôi. Vì là cây tự mọc không theo quy hoạch nào ở ngay ven đường nên tôi cứ nơm nớp lo có một ngày nào đó, nhân viên công ty môi trường sẽ tiện tay nhổ bỏ. May mà bấy nhiêu năm, người ta vẫn cứ để yên cho cây, cây vẫn lặng lẽ lớn.
Thấm thoắt thời gian, khi cây cao đến đầu người thì gặp ngay trận bão kinh hoàng năm 2017. Khi đó cây mới như cậu bé chập chững, yếu ớt, rễ chưa bám sâu nên bị đổ ngoẹo, may mà chưa bật rễ. Buổi chiều sau cơn bão, tôi đi làm qua đây, thấy công nhân, bộ đội… đang hối hả dọn dẹp. Tôi ghé xuống, kiếm đoạn cây gãy dựng cây bàng lên, cột sơ sài thành cái giá cho cây đứng thẳng. Ấy vậy mà cây bàng nhỏ kiên cường vượt qua, vẫn xanh tốt như thường. Nay thì cây bàng đã như cậu thiếu niên rồi, vươn tán xòe cao quá đầu người. Bóng mát tí xíu của cây đủ để người tản bộ yên tâm dựng xe dưới tán. Vài năm nữa thôi, cây sẽ cao lớn vạm vỡ, góp mặt với quần thể bàng trên công viên biển, thêm màu xanh, thêm bóng mát cho đời.
Mà nghĩ thấy cũng lạ. Cả đoạn công viên biển đường Trần Phú có biết bao nhiêu là bàng, vào dịp đầu Đông, cây thay lá đỏ rực từng vòm. Bao nhiêu tay máy đã lưu lại những khoảnh khắc này, những tán bàng mùa lá rụng, những tán bàng lộc non tua tủa tràn đầy sức sống... Đẹp và dễ thương như vậy nhưng sao chưa nghe thấy hình ảnh cây bàng nào xuất hiện trong trong thơ, trong nhạc về Nha Trang nhỉ?
Mỗi sáng đi ngang qua cây có cảm giác như mình lướt qua người thân. Vẫn săm soi xem cây có gì mới, lòng vẫn thầm mong cho cây mau lớn. Theo thời gian, cây sẽ như gốc cây bàng mẹ kia, để mùa hè thêm khoảng mát cho du khách đứng ngắm biển, để thêm nơi cho lũ sẻ ríu rít, cho mấy chú sóc nhỏ thêm nơi chốn đi về… Cho Nha Trang thêm xanh.
Thủy Ngân
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tags: Viet Nam,
giao duc,
xa hoi,
kinh te,
the thao,
phap luat,
Báo Khánh Hòa điện tử,
bao Khanh Hoa,
bao Khanh Hoa dien tu,
the gioi,
van hoa,
khoa hoc,
cong nghe,
vien thong,
bong da,
giai tri,
suc khoe,
xe may,
nha dat,
o to,
tong hop tin tuc,
bao moi,
dien dan,
ban doc,
truc tuyen,
vckm,
cms,
vsolutions