Có những ngày cuối năm

Thứ tư - 22/01/2025 16:50
Khi mùa mưa đã qua, trời bắt đầu ấm với màu nắng vàng rực như hoa cúc và những cơn gió lạnh se se là thấy Tết. Những ngày này tiết trời lạ lắm, buổi sáng trời âm u một màu xám buồn buồn, cứ tưởng mưa sẽ rơi bất kỳ lúc nào. Nhưng rồi mặt trời cũng lên, chỉ là rất muộn, qua nửa buổi sáng mới thấy he hé một chút trời xanh và ánh mặt trời ấm áp. Cứ thế ngày mới bắt đầu, nắng rất nhạt không đủ khô áo quần mùng mền nhà ai đang hong nắng và một ngày cũng ngắn đi, chưa được bao nhiêu đã thấy buổi chiều.

Khi mùa mưa đã qua, trời bắt đầu ấm với màu nắng vàng rực như hoa cúc và những cơn gió lạnh se se là thấy Tết. Những ngày này tiết trời lạ lắm, buổi sáng trời âm u một màu xám buồn buồn, cứ tưởng mưa sẽ rơi bất kỳ lúc nào. Nhưng rồi mặt trời cũng lên, chỉ là rất muộn, qua nửa buổi sáng mới thấy he hé một chút trời xanh và ánh mặt trời ấm áp. Cứ thế ngày mới bắt đầu, nắng rất nhạt không đủ khô áo quần mùng mền nhà ai đang hong nắng và một ngày cũng ngắn đi, chưa được bao nhiêu đã thấy buổi chiều.

Bất chợt bắt gặp chiếc bếp lò đỏ lửa...
Bất chợt bắt gặp chiếc bếp lò đỏ lửa...

Tâm trạng con người cũng lạ, cứ xé một tờ lịch, thấy một ngày qua lòng chợt nhiên cũng xôn xao dù bây giờ ít ai mong Tết, kể cả bầy trẻ nhỏ cũng không còn hào hứng đợi Tết. Nhớ ngày xưa mình chỉ mong đến Tết được mặc áo đẹp, được ăn những món ngon mà ngày thường không có. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi nhiều, đời sống không còn quá nặng nề lo cơm ăn áo mặc. Trẻ nhỏ hôm nay được mặc áo đẹp bất cứ ngày nào, có khi biết lựa chọn kiểu này, kiểu kia cho hợp thời trang. Những món ngày xưa chỉ Tết mới được ăn thì bây giờ được bán thường ngày ở chợ, bánh chưng, bánh tét, dưa món củ kiệu, bánh mứt đủ kiểu không thiếu thứ gì.

Thế nhưng cứ vào những ngày giao mùa lòng người lại cứ bồn chồn nhớ, chẳng rõ ràng điều gì, chỉ là nhớ. Đôi khi chỉ là nhớ một buổi chợ chiều ba mươi vắng người, người còn ở chợ thì vội vội, vàng vàng làm như sợ ngày qua vội quá. Cũng có khi một buổi chiều cuối năm đi ngang nhà ai bắt gặp một cái bếp bắc bằng mấy hòn đá chẻ, bên trên là một cái nồi thật to, khói bay lên nghi ngút. Nhìn bếp lửa hồng ấy bỗng dưng nhớ nồi bánh tét nấu trong sân nhà mình từ nhiều năm trước.

... hay vạt cúc vàng những chiều cuối năm khiến lòng người cũng nôn nao Tết. Ảnh: Khang Nguyễn
... hay vạt cúc vàng những chiều cuối năm khiến lòng người cũng nôn nao Tết. Ảnh: Khang Nguyễn

Hồi đó, cứ đầu tháng Chạp là má tôi lo sắm sửa dần cho nồi thịt kho măng và nếp với đậu để gói bánh tét. Hình như bấy giờ người ta ít bán bánh tét ngoài chợ, ít hay nhiều thì nhà nào cũng tự nấu bánh tét để ăn trong mấy ngày Tết. Không hẹn mà nhà nào cũng gói bánh tét từ 28, 29 Tết nên cả xóm chộn rộn, tiếng cười nói không chỉ từ nhà mình mà còn rộn ràng vọng qua từ nhà hàng xóm. Tết cứ thế mà theo vào trong mỗi nhà từ những ngày cuối của năm. Ở nhà tôi, má phân công từ lớn đến nhỏ ai cũng có việc làm, mấy đứa nhỏ phụ trách khâu phơi và lau lá chuối. Những tàu lá chuối hột xanh ngắt được rọc đem phơi nắng, xế chiều thì đem vô lau thật sạch rồi xếp thành từng loại lớn hay nhỏ, lá đẹp hoặc xấu. Khi gói bánh, bà nội tôi sẽ chọn lá to và xanh xếp bên trong, như vậy sau khi nấu xong bánh sẽ có màu xanh lá rất đẹp mà không cần trộn màu vào nếp.

Với tôi lúc đó, bà nội là người gói bánh đẹp nhất. Những cây bánh của bà nội được cột dây đều như đếm, đặt cạnh nhau gần như không dài ngắn phân nào. Những sợi lạt ấy đã được bà nội ngâm từ đêm trước và tự tay chẻ thành từng sợi nhỏ mềm dẻo rất đều. Bây giờ người ta cột đòn bánh tét bằng dây ni lông, có thể nhanh hơn, tiện hơn nhưng nhìn mà lòng tôi cứ thấy thiếu thiếu một điều gì và lại miên man nhớ.

Trong khi bà nội và má tôi gói bánh tét thì ngoài sân ba tôi loay hoay với cái bếp mới kê bằng ba hòn đá chẻ, cái bếp ấy sẽ đỏ lửa liên tục từ đêm 29 Tết, lúc ấy cả nhà rộn ràng, ai cũng bận bịu nhưng vui. Mấy đứa con trai canh củi cho lửa cháy đều, thỉnh thoảng châm thêm nước sôi vào nồi bằng nước trong chiếc thùng đặt bên cạnh bếp. Mấy đứa con gái đảm nhiệm phần pha cà phê và nồi chè khoai để nửa đêm ăn uống mà lấy sức cười nói. Bây giờ nhớ lại, tôi chẳng hiểu vì sao chỉ có một tối mà lo ăn uống nhiều vậy để làm gì. Năm nào ở nhà tôi bánh tét cũng được vớt ra đúng buổi trưa ngày ba mươi Tết, lúc đó mấy đứa nhỏ chỉ hào hứng với những chùm bánh ú của mình tự làm và không còn quan tâm chuyện gì khác. Trong mâm cơm cúng ông bà chiều cuối năm sẽ có những lát bánh tét tròn đều đặn xếp trong đĩa đẹp như những bông hoa.

Sau một thời gian dài, vì lẽ này lẽ khác không thấy hình ảnh nhà nhà xúm xít quanh nồi bánh tét vào những ngày trước Tết. Bây giờ điều đó đang được khôi phục lại, có lẽ không phải vì bánh bán ngoài chợ không đẹp hay không ngon mà mọi người đang nhận ra rằng những nồi bánh tét nấu ở nhà không chỉ đơn giản là nấu một nồi bánh để ăn. Đó còn là một nếp văn hóa cần được giữ gìn, là tình cảm ấm áp của gia đình và làm cho cái Tết của người Việt mình thi vị hơn nhiều.

Những chiều cuối năm bây giờ ra đường nhìn bếp lửa cháy hồng trong sân nhà ai, làn khói quấn quýt bao nỗi nhớ nhung và thấy lòng mình rất Tết.

LƯU CẨM VÂN

 

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn

Những tin cũ hơn

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp