Trong dòng chảy ca khúc cách mạng, có nhiều ca khúc lay động lòng người viết về đề tài thương binh, liệt sĩ. Mỗi ca khúc là sự tái hiện bằng âm thanh một thời đau thương mà anh dũng của cả dân tộc. Những giai điệu tự hào ấy vẫn luôn ngân vang trong trái tim mỗi người con đất Việt.
Mỗi bài hát về đề tài thương binh, liệt sĩ khi được cất lên đều lay động con tim của mỗi người. Mỗi ca khúc khi được cất lên, chúng ta dễ dàng cảm nhận được giai điệu tha thiết, trầm lắng và tấm lòng thành kính, biết ơn đan xen sự ngưỡng vọng. Cảm xúc đó của những nhạc sĩ đã nói hộ tiếng lòng của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Để đến mỗi độ tháng 7 về, chúng ta lại cùng nghe, cùng ngẫm và cùng hòa cảm xúc vào những giai điệu tri ân những anh hùng, thương binh, liệt sĩ.
Năm 1958, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã cho ra đời ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu. Đến hôm nay, đây vẫn là ca khúc để lại nhiều ấn tượng sâu đậm về hình ảnh người nữ anh hùng công an nhân dân. Giai điệu mượt mà, sâu lắng, ca từ dung dị, chân thành đã giúp cho tác giả nói về sự hy sinh đầy xót thương, nhưng không bi lụy. Nếu có dịp đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu ở Côn Đảo và được nghe ca khúc viết về chị, chắc hẳn trong lòng ai cũng rưng rưng xúc động: Mùa hoa lê ki ma nở/Ở quê ta miền đất đỏ/Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng/Đã chết cho mùa ... hoa lê ki ma nở...
Một trong những bài hát được nhắc đến đầu tiên trong tháng 7 tri ân là Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu. Hai người bạn, hai người lính đã cùng chung cảm xúc để tạo nên một tác phẩm để đời về những chiến sĩ, những đồng đội đã hy sinh cho Tổ quốc. Những giai điệu trữ tình lẫn bi tráng, tạo cảm xúc mạnh để chuyển tải lời ca đẹp, trong sáng, với những hình ảnh vừa giản dị, thân thương, nhưng cũng thật kỳ vĩ: Có người lính/Mùa thu ấy, ra đi từ mái tranh nghèo/Có người lính/Mùa xuân ấy, ra đi từ đó không về...
Cũng viết về những liệt sĩ đã ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc, ca khúc Cỏ non thành cổ của nhạc sĩ Tân Huyền đem lại cho công chúng nỗi lòng xốn xang, thổn thức qua từng nét giai điệu, ca từ. Bài hát được viết từ chuyến đi thực tế sáng tác ở vùng đất lửa Quảng Trị, với cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Cái tứ của bài hát được bắt nguồn từ hình ảnh những bãi cỏ non ở khu vực thành cổ Quảng Trị, để từ đó nhạc sĩ viết nên những lời ca sâu lắng: Cỏ non thành cổ, một màu xanh non tơ/Bình minh thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa… Nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ. Người mẹ nào, người vợ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi đàn con không trở về... Những ca từ sâu lắng gợi lên trong lòng người những nỗi niềm suy tư, trăn trở trước sự hy sinh để ươm mầm cho sự sống, đồng thời nhắc nhở mỗi người không được quên đi quá khứ hào hùng một thời của dân tộc, sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ.
Trở về sau chiến tranh, những người thương binh luôn giữ bên mình câu nói của Bác Hồ: “Thương binh tàn, nhưng không phế”. Khắc họa hình ảnh những người thương binh trong cuộc sống đời thường, nhạc sĩ Trần Tiến được xem là người thành công nhất. Với hai ca khúc Vết chân tròn trên cát, Chuyện tình thảo nguyên đã thực sự nói lên được tình cảm, lòng ngưỡng mộ của cộng đồng, làng xóm đối với những người lính đã gửi lại một phần cơ thể trên chiến trường năm xưa, nhưng vẫn lạc quan, yêu đời và sống có ích trong đời sống hôm nay. Bài hát Vết chân tròn trên cát, khắc họa hình ảnh một thầy giáo thương binh hàng ngày cùng đôi nạng gỗ đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương ở một làng biển. Ca khúc Chuyện tình thảo nguyên lại khắc họa chuyện tình như thơ giữa cô gái thảo nguyên và anh chàng thương binh trở về làng quê cũ với cây đàn T’rông xưa bằng giai điệu nhẹ nhàng, ca từ giản dị đi vào lòng người.
Điểm qua vài ca khúc về đề tài thương binh, liệt sĩ để thấy được tấm lòng tri ân sâu sắc của mỗi chúng ta đối với những mất mát, hy sinh của những người đã không tiếc máu xương cho hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc. Với âm hưởng lạc quan, những ca khúc ngợi ca những người con trung hiếu của đất nước, qua đó nhắc nhở mỗi chúng ta ý thức, trách nhiệm, tình nghĩa trước những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước.
Giang Đình