Nắng sân trường

Thứ sáu - 10/09/2021 10:25
"Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé...". Tiếng hát véo von của Oanh làm Nga đang soạn bài cũng phải dừng tay để nghe. Chị mỉm cười: ''Cái con bé này, lúc nào cũng hát được". Gấp quyển giáo án lại, Nga bước ra sân. Chà! Trăng sáng thật. Vầng trăng tròn đường bệ ngự trên bầu trời xanh ngắt, lấm tấm những vì sao nhỏ. Hình như ở miền sơn cước này trăng sáng và to hơn ở miền xuôi thì phải. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nắng sân trường

“Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé...”.


Tiếng hát véo von của Oanh làm Nga đang soạn bài cũng phải dừng tay để nghe. Chị mỉm cười: ’’Cái con bé này, lúc nào cũng hát được”. Gấp quyển giáo án lại, Nga bước ra sân. Chà! Trăng sáng thật. Vầng trăng tròn đường bệ ngự trên bầu trời xanh ngắt, lấm tấm những vì sao nhỏ. Hình như ở miền sơn cước này trăng sáng và to hơn ở miền xuôi thì phải.

 


...Tất cả bạn bè và người thân đều bất ngờ khi biết tin Nga nhận về dạy học ở huyện miền núi heo hút này. Là con trong một gia đình mấy đời làm nghề ảnh ở một thị trấn có tiếng là giàu có, nếu chỉ cần một cuộc sống no đủ, an nhàn thì với Nga chả có gì khó cả. Vậy nhưng, ngay từ khi học ở trường phổ thông cô đã thích được đến những miền xa xôi, nơi hứa hẹn bao nhiêu điều kì thú chưa được khám phá. Năm cuối ở trường đại học, có một lần, trong giờ nghỉ, vị giáo sư già (mà các cô vẫn gọi là bố) đã nói:


- Các anh chị đừng quá lo lắng đến chuyện nay mai sẽ về đâu dạy học. Còn trẻ, các anh sợ gì chứ, nhất là khi... (thầy hạ giọng hóm hỉnh)... nhất là khi bên cạnh ta có một người thân yêu, thì dẫu có đi đến cùng trời cuối đất ta cũng không sợ!


Vậy nên, khi có người quen xin cho cô về dạy ở một trường huyện cùng Lan - đứa bạn thân từ thời trường làng - thì cô đã hăng hái đi ngay. Các cô được phân về dạy tại ngôi trường này. Học sinh chủ yếu là con em đồng bào người bản địa và một số là con em các hộ người Kinh, người Tày, Nùng từ ngoài Bắc Cạn chuyển vào theo làn sóng di dân tự do. Những anh chị đến trước đón hai cô em mới đến thật nồng nhiệt. Đêm đầu tiên hai cô mãi không ngủ được vì lạ giường và còn bởi vì trăng sáng và đẹp quá. Sáng hôm sau, trình quyết định và nghe ông hiệu trưởng phân công chuyên môn xong, hai cô mới rụt rè hỏi:


- Bác ơi! Có phải chúng cháu về đây là được lĩnh tiền phụ cấp tuổi xuân phải không ạ?


Ông hiệu trưởng phì cười, quay ra phía cửa, nơi có mấy anh chàng đang lấy vẻ mặt vô tội đứng gần đó. Ông nhẹ nhàng nói:


- Lại mấy đứa thanh niên nó trêu các cháu đấy mà. Làm gì có phụ cấp tuổi xuân. Chỉ có phụ cấp đứng lớp thôi! Cứ yên tâm mà dạy học đi. Ở đây rồi không lo ế đâu. Con gái ở đây “đắt giá” lắm.


 Ngoảnh đi ngoảnh lại vậy cũng đã ngót chục năm rồi. Lan đã lấy Quang và đã chuyển ra ngoài thị xã theo chồng. Nga ở lại và cũng đã có một nửa của mình, Minh - chàng giáo viên dạy môn Lý về trường sau cô một tháng. Dạo này, Sở Giáo dục tổ chức cho giáo viên tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học. Trường của Nga cũng không nằm ngoài guồng quay. Đổi mới thì ai cũng biết là nên và phải làm rồi nhưng làm như thế nào thì còn phải bàn cãi, nhất là việc phải có đồ dùng dạy học. Các môn khác thì còn có do trên Công ty Thiết bị Trường học cung cấp, riêng môn Văn thì thật khó. Chỉ có vài bộ tranh ảnh, một số chân dung nhà văn. Vậy nên cuộc họp tổ Văn có vẻ gay cấn. Chị Nguyệt tổ trưởng nói:


- Các bạn phải nghĩ cách khắc phục, không nên dạy chay. Có như vậy may ra học sinh mới say mê học Văn hơn.


Anh  Tính, lớn tuổi nhất trong tổ, nói  chậm rãi:


- Tôi thấy đồ dùng môn Văn khó làm lắm. Sơ đồ cũng chả dễ làm, không như môn Sử hay Địa, tranh vẽ thì có thể, thế nhưng vẽ thế nào chứ vẽ nguệch ngoạc thì thà rằng không có còn hơn.   

   
- Đúng đấy! Vĩnh “phổi bò” đứng lên- Nếu đưa ra một bức tranh, cứ cho là vẽ đẹp đi, nhưng đó chỉ là tưởng tượng theo hình dung của thầy. Vậy là ta áp đặt cho học sinh cách nhìn, cách tưởng tượng của ta, đâu theo ý tưởng của các em nữa?


 Nguyệt mở rộng thêm cánh cửa sổ, nói dứt khoát:


- Ta dựa vào các mẫu tranh ảnh đưa về của công ty sách, sử dụng triệt để. Giáo án phải có hệ thống câu hỏi hợp lí. Nếu có tranh vẽ, các đồng chí lưu ý các em rằng đây chỉ là hình dung của người vẽ tranh về nhân vật hoặc sự vật ấy. Sau đó có thể khuyến khích các em vẽ tranh minh họa cho chi tiết theo tưởng tượng của mình chẳng hạn. Tôi tin nhất định các em sẽ thích. Trường đã có máy chiếu, các đồng chí có thể soạn và dạy theo giáo án điện tử. Tất nhiên cũng khó đấy. Nhưng đành phải cố thôi, xu thế bây giờ là vậy. Thời đại công nghệ thông tin mà, ta không cố là thành lạc hậu!


Sáng thứ Tư, chuẩn bị vào tiết một, Nga đã lên trường. Chưa có phòng máy riêng nên tạm thời máy chiếu để ở trong phòng hội đồng. Bàn ghế thì đã có, chỉ cần sắp xếp lại chút xíu cho phù hợp. Nga lúi húi cắm mấy phích điện. Học trò lục tục từ dưới lớp đi lên, số thầy cô dự giờ cũng đến. Tất cả  vào ngồi trong phòng. Bọn trẻ háo hức nhìn lên màn hình trước mặt. Học trò thì thầm:


- Trông cứ như xem phim ấy nhỉ!


- Xuỵt... Loan lớp trưởng khẽ giơ ngón tay chỉ ra sau, ngụ ý có thầy cô dự giờ. Cả lớp le lưỡi, rụt cổ lại.


Đứng ở trên bục, Nga nhìn thấy hết. Cô hơi mỉm cười. Đã có rất nhiều lần dạy cho người khác dự giờ, nhưng lần này cô vẫn thấy hồi hộp. Bài thơ này hay nhưng lại chỉ có một tiết trong phân phối chương trình. Cô cũng đã dạy nhiều lần, và được học sinh đón nhận khá tốt. Nhưng đây là lần đầu dạy bằng giáo án điện tử, không biết sẽ như thế nào. Ánh mắt khích lệ của chị Nguyệt ở dưới như nhắc nhở. Nga nhẹ nhàng mở đầu bài học:


-Trong giờ học này,  cô sẽ cùng các em tìm hiểu về một nhà thơ có phong cách và một giọng thơ rất riêng. Chị đã có những câu thơ: ”Trời sinh ra trước nhất - chỉ toàn là trẻ con...” Nga nhấn chuột. Màn hình hiện dần lên chân dung một thiếu nữ trẻ, mái tóc chải kiểu xưa và một nụ cười đằm thắm.


-  Đó là nhà thơ nào các em có biết không?


- Thưa cô! Đó là nhà thơ Xuân Quỳnh. Em nhớ hai câu cô vừa đọc là ở trong bài “Chuyện cổ tích về loài người” của chị ở văn lớp 7 ạ!


- Đúng rồi! Cám ơn em!


Nga quay ra nhìn cả lớp:


- Đó chính là nhà thơ Xuân Quỳnh. Hôm nay ta sẽ học một bài thơ nữa của chị. Đó là bài “Sóng”. Cô nhấn chuột. Từ “SÓNG” đã được cách điệu mềm mại dần hiện ra, cùng lúc với chân dung của nhà thơ và chồng. Học trò nhìn chăm chú lên màn hình. Có một vài trò mải ngắm ảnh nhà thơ mà quên cả ghi bài…


Cứ như thế, mỗi lần Nga nhấn chuột là một đơn vị kiến thức hiện lên màn hình. Nga đặt các câu hỏi và học trò trả lời. Có đoạn, cô gọi học sinh đọc theo câu thơ trên màn hình rồi thảo luận theo nhóm, cũng có đoạn cô dừng lại bình giảng.


Trống hết giờ đã điểm. Các giáo viên dự giờ vừa ra khỏi cửa lớp,  một cậu học trò nói to:


- Cô ơi! Lúc nào cô nói thêm về tình yêu trong bài này được không ạ?


Loan nạt yêu:


- Thôi đi ông tướng! Ngồi học thì chả chịu chú ý gì, suốt ngày chỉ chép thơ  tình. Coi chừng mà trượt vỏ chuối đấy!


Góc sân trường, cây phượng vẫn còn đôi đốm hoa đỏ như búp lửa chói ngời giữa ánh nắng. Trong nắng vàng, nghe như đâu đây dạt dào tiếng sóng vỗ bờ.


. Truyện ngắn của Bích Thiêm

                                                                                                                                                                                              




 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp