Nguyễn Hoàng Vũ - cây bút trẻ triển vọng

Thứ ba - 28/12/2021 10:15
Cùng với Phạm Bá Diệp (con trai nhà văn Ái Duy), Nguyễn Hoàng Vũ thực sự là cây bút có triển vọng lớn của văn học trẻ Khánh Hòa hiện nay. Tuy nhiên, cây bút trẻ ấy lại ẩn mình một cách khiêm nhường dưới màu áo của người thầy giáo dạy toán ở Nha Trang.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nguyễn Hoàng Vũ - cây bút trẻ triển vọng
Cùng với Phạm Bá Diệp (con trai nhà văn Ái Duy), Nguyễn Hoàng Vũ thực sự là cây bút có triển vọng lớn của văn học trẻ Khánh Hòa hiện nay. Tuy nhiên, cây bút trẻ ấy lại ẩn mình một cách khiêm nhường dưới màu áo của người thầy giáo dạy toán ở Nha Trang.
 
Năm 2013, có một truyện ngắn đăng trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật có tên “Ông nội chết rồi” làm xôn xao văn đàn về cách viết của cây bút trẻ Nguyễn Hoàng Vũ (sinh năm 1988). Đọc truyện ngắn có phong cách giễu nhại với những tình huống thông minh của tác giả, nhiều người thấy rất thú vị. Chính nhờ truyện ngắn này mà Vũ đã bước một chân đầy tự tin vào “văn học trẻ”, được nhiều cây bút có uy tín đánh giá cao. 

 

Cây bút trẻ Nguyễn Hoàng Vũ
Cây bút trẻ Nguyễn Hoàng Vũ

 

Con đường văn chương của Vũ rất tự nhiên như trò chơi toán học của Vũ vậy. Vũ sinh ra, lớn lên và học ở Trường THPT Lý Tự Trọng, Nha Trang, từ bé rất thích thơ ca, tuy nhiên Vũ lại học toán và trở thành sinh viên sư phạm toán. Lúc đang là sinh viên, Vũ đã thử viết truyện và gửi cho những tờ báo tuổi mới lớn. Gần 3 tháng sau, Vũ nhận được tin nhắn của một biên tập viên báo Mực Tím hướng dẫn viết sao cho đúng chất văn báo. Rồi cứ thế, Vũ gửi và đăng liên tục trên tờ báo này, tham gia bút nhóm Vòm Me Xanh và nhanh chóng được bầu là bút trưởng với bút danh Me Tồ. Năm 2012, Vũ in tập truyện ngắn tuổi teen ở Nhà xuất bản Kim Đồng có tên “Hổ châu Á và sư tử châu Phi”. Năm 2013, Vũ viết cuốn truyện dài có tên “Ở trọ Sài Gòn” tham gia cuộc thi Văn học tuổi 20 và được in sách. Tập truyện thể hiện một bút pháp rất hồn nhiên, hài hước, có kịch tính, đậm chất đời nhưng đầy trí tuệ của Nguyễn Hoàng Vũ. Sách in ra tái bản ngay sau đó, được Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh, các trang truyện Audio đọc dài kỳ trên trang văn học của mình. Tiếp đó, Vũ viết một truyện dài cho trẻ em có tên “Hòn đảo bay”. 
 
Sau thời gian viết cho tuổi mới lớn, truyện thiếu nhi, Vũ chuyển sang mảng truyện ngắn người lớn và định hình được hướng đi cho mình với phong cách rất lạ, truyện ngắn “Ông nội chết rồi” là một ví dụ. Cho đến khi in tập truyện ngắn có tên “Người đưa thư tình” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam) thì Vũ xứng đáng là cây bút có triển vọng. Nhà văn Ái Duy từng nhận xét về tập truyện ngắn này: “Với 16 truyện ngắn được viết rải rác từ năm 2013 tới nay, Nguyễn Hoàng Vũ lần nữa cho thấy một bút lực đáng được kỳ vọng...”. Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền đánh giá: “Văn của Vũ tưởng như đùa giỡn nhưng những chi tiết trong truyện rất đắt giá và thẳm sâu là sự già dặn đáng nể phục”.
 
Viết văn giỏi, có cá tính mạnh mẽ, bút pháp độc đáo của Vũ có lẽ khởi nguyên từ sự logic của người giỏi toán, nhưng điều đáng nể chính là Vũ đã đọc tới 1.200 cuốn sách lớn nhỏ với đủ các dòng văn học lớn như Nhật, Đức, Mỹ, Trung Quốc... Vũ bày tỏ, Vũ đọc nhiều cuốn sách của các tác giả lớn nên đã rút kinh nghiệm cho mình. Tác phẩm truyền cảm hứng cho Vũ viết và định hình sáng tác của mình là “Cái trống thiếc” của nhà văn Đức Gunter Gruss. Hiện nay, ngoài thời gian giảng dạy, Vũ đang bắt tay viết cuốn tiểu thuyết dự kiến dày 500 trang với thể loại trinh thám.
 
Dương Trang Hương
 
 
  
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp