Nhà thơ Hoài Vũ với Vàm Cỏ Đông

Thứ ba - 21/12/2021 10:09
Công chúng ai cũng đã từng nghe những bài hát: "Vàm Cỏ Đông", "Anh ở đầu sông em cuối sông", "Đi trong hương tràm", "Chia tay hoàng hôn"… Đó là những bài hát đi cùng năm tháng và ký ức của bao người bởi giai điệu, lời ca thật mượt mà, cảm xúc. Gắn liền với những bản nhạc đó là cái tên Hoài Vũ. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nhà thơ Hoài Vũ với Vàm Cỏ Đông

Công chúng ai cũng đã từng nghe những bài hát: “Vàm Cỏ Đông”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Đi trong hương tràm”, “Chia tay hoàng hôn”… Đó là những bài hát đi cùng năm tháng và ký ức của bao người bởi giai điệu, lời ca thật mượt mà, cảm xúc. Gắn liền với những bản nhạc đó là cái tên Hoài Vũ.


Cứ theo những bài hát nổi tiếng trên, các tập thơ, truyện ngắn thì ai cũng nghĩ rằng Hoài Vũ là người con đất Long An. Nhưng không, ông sinh ra ở bên dòng sông Vệ tận Mộ Đức, Quảng Ngãi, lớn lên ra miền Bắc học tập và vào miền Đông - Tây Nam Bộ từ đầu những năm 1960 (Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh năm 1935).

 

Nhà thơ Hoài Vũ
Nhà thơ Hoài Vũ


Trở lại với bài thơ được phổ nhạc “Vàm Cỏ Đông”, đó là năm 1963, Hoài Vũ cùng nhà thơ Giang Nam đi công tác từ “R” (mật danh khu chỉ huy cách mạng ở Tây Ninh), theo dòng Vàm Cỏ xuống “miền hạ” Long An. Tại một ngôi chùa bên sông chờ giao liên dẫn sang, thấy Giang Nam làm bài thơ “Qua sông Vàm Cỏ”, Hoài Vũ rất xúc động bởi dù mới vào hoạt động thời gian ngắn nhưng với dòng sông này ông có nhiều kỷ niệm vừa đau thương bi tráng vừa dạt dào tình yêu, ông lẩm nhẩm làm… thơ. Từ những cảm xúc đầu tiên, Hoài Vũ nhớ đến dòng sông Hồng nơi mình vừa rời xa: “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lời tha thiết. Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông…” . Chỉ hơn một tiếng sau, bài thơ đã hoàn thành. Ông đưa cho Giang Nam đọc, nhà thơ đàn anh khen hay và nói nên gửi về “R” để đăng báo Văn nghệ giải phóng rồi sau đó gửi ra báo Văn nghệ Hà Nội… Hoài Vũ liền viết ra thành 2 bản, một bản gửi giao liên, một bản lưu cất bên mình để phòng thất lạc… Bẵng đi một thời gian sau, trong một lần đi công tác trong vùng địch hậu, mở chiếc radio, Hoài Vũ sửng sốt nghe bản nhạc có giai điệu thiết tha từ làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam: “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lời tha thiết. Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông…”. Có lẽ đây là phút giây xúc động nhất trong cuộc đời sáng tác của nhà thơ. Hoài Vũ kể lại, ông nhìn dòng sông Vàm Cỏ xanh trong phía trước với vô vàn những vạt lục bình trôi mà trào nước mắt bởi nơi đây có biết bao hy sinh mất mát. Đó là lý do sau này Hoài Vũ hầu như dành hết tình cảm của mình cho dòng sông Vàm Cỏ và trở thành người con đất Long An trong  thơ ca và âm nhạc!


Nhạc sĩ Trương Quang Lục - người đầu tiên đưa cái tên Hoài Vũ đến với công chúng qua phổ nhạc bài thơ “Vàm Cỏ Đông” kể lại, năm 1964, khi đó ông là kỹ sư ở Nhà máy phốt phát Lâm Thao, Phú Thọ. Một buổi tối, ông nghe chương trình tiếng thơ với giọng ngâm bài thơ “Vàm Cỏ Đông” rất hay nên rất xúc động, sau đó ông tìm được tờ Văn nghệ có đăng bài thơ này và trong đêm đó phổ xong bài thơ. Bài thơ dài với hơn chục đoạn, Trương Quang Lục chỉ chọn lựa một số đoạn để phổ nhạc. Bài hát được chuyển cho Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng với giọng ca Trần Thụ cùng tốp nữ. Từ đó “Vàm Cỏ Đông” âm vang mãi khắp mọi miền, Hoài Vũ và Trương Quang Lục nổi tiếng từ đó.


Hoài Vũ tâm sự rằng thơ ông mộc mạc, chân thật của người miền Tây Nam Bộ hầu như đều là chất liệu thực của cuộc sống chiến đấu mà ông đã trải qua, chứng kiến. Ông có hơn 50 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc nhưng nổi tiếng nhất có 4 bài do những nhạc sĩ đồng hương miền Trung phổ: “Vàm Cỏ Đông” (Trương Quang Lục - người Quảng Ngãi), “Em ở đầu sông em cuối sông” (Phan Huỳnh Điểu - người Quảng Nam), “Đi trong hương tràm”, “Chia tay hoàng hôn” (Thuận Yến - người  Quảng Nam) và đều gắn liền với dòng sông Vàm Cỏ Đông. Người ta cứ hay hỏi ông về duyên gì với dòng sông ngoài ký ức chiến tranh thì Hoài Vũ thú thật nơi dòng sông xanh này có những kỷ niệm với những người mà ông chịu ơn, yêu thương và… buồn nhớ. Như bài “Đi trong hương tràm” viết về nữ du kích giao liên đã cứu giúp ông lúc bị thương nhưng gần ngày chiến thắng trở lại đã không còn. Hay bài “Chia tay hoàng hôn” là kỷ niệm cuộc chia tay trong đạn lửa của ông với đồng đội yêu thương… Cũng có thể trong sâu thẳm tâm hồn thi sĩ còn nhiều tình yêu nhưng xin để ông lưu cất cho riêng mình, tất cả đều đã giãi bày qua thơ ca rồi.


Nhà thơ Hoài Vũ ngoài đời có gương mặt phúc hậu, tính cách nhẹ nhàng đậm chất Nam Bộ, là người em thân thiết của nhà thơ Giang Nam. Có chi tiết thật băn khoăn là dù thành tựu thơ văn rất nổi tiếng nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Tuy vậy, với công chúng, người yêu thơ nhạc đều thuộc lòng những bản nhạc phổ thơ Hoài Vũ gần 60 năm qua thì đó là hạnh phúc vô bờ của tác giả.


 Dương Trang Hương


                                     

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp