Những năm qua, các địa phương, đơn vị chức năng trong tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm giữ gìn, bảo vệ hệ thống di tích, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, từ đó phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.
Tập trung bảo vệ di tích
Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết, trong năm 2022, đơn vị đã tiến hành khảo sát, hướng dẫn công tác tôn tạo đối với gần 40 di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn; hướng dẫn công tác bảo vệ và phát huy giá trị bia di tích lịch sử căn cứ cách mạng Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa); kiểm tra bia di tích và công tác tu bổ di tích tại các địa phương theo kế hoạch năm. Trung tâm cũng tham mưu đề xuất xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết; xếp hạng bổ sung địa điểm nhà làm việc của bác sĩ A. Yersin tại Hòn Bà (huyện Cam Lâm); dựng bia lưu niệm sự kiện lịch sử cuộc tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 tại Nha Trang.
Trên địa bàn TP. Cam Ranh có 7 di tích cấp tỉnh, trong đó có 3 di tích (đình Mỹ Thanh, đình Trà Long, trụ sở UBND cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi) xuống cấp trầm trọng, được đưa vào diện thực hiện tu bổ. Theo ông Nguyễn Ngọc Vinh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Cam Ranh, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được các cấp, ngành trên địa bàn quan tâm chỉ đạo thực hiện; nhận thức của cán bộ, nhân dân trong vùng có di tích đã có sự chuyển biến, thể hiện rõ qua công tác xã hội hóa như: Đóng góp kinh phí, ngày công vào việc tu bổ, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, công tác trùng tu, tôn tạo các di tích vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, kinh phí chủ yếu phụ thuộc ngân sách nên còn hạn hẹp...
Để tăng cường công tác bảo vệ, giữ gìn giá trị các di tích, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn việc lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 11, năm 2022. Sở cũng quán triệt đến các địa phương về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Phát huy giá trị tinh thần
Năm 2022, công tác tổ chức lễ hội Tháp Bà Ponagar đã được thực hiện bài bản, trang nghiêm, lành mạnh, đảm bảo phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong, ngoài tỉnh. Các lễ hội khác như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại đền Hùng Vương; Am Chúa; cúng lăng, cúng đình ở các xã, phường… đều được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, không để xảy ra những biểu hiện tiêu cực.
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, các địa phương tiếp tục thực hiện đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi dân gian. Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức thành công liên hoan nghệ thuật bài chòi tỉnh Khánh Hòa mở rộng. Sở cũng đã ban hành quy chế thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu, giúp cho nhân dân hiểu rõ hơn về sinh hoạt văn hóa tâm linh này. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã tổ chức hàng chục buổi biểu diễn hô hát bài chòi phục vụ nhân dân và du khách. “Sở Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Sở đang xây dựng để tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế bảo vệ và phát huy di sản trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, có cơ chế cụ thể nhằm thực hiện một cách đồng bộ, tránh sự chồng lấn”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 di tích xếp hạng quốc gia; 180 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ bỏ mả của người Raglai, lễ hội Cầu ngư) và nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam (trong đó có tỉnh Khánh Hòa) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Giang Đình