Thằng Cán về đấy!
Thật không? Có ai về cùng không?
Chú ấy về thật không? Còn người kia… có về không?
Những tiếng lao xao của dân trong ngõ Yên Định cứ râm ran theo sau bước chân người đàn ông cỡ chừng xấp xỉ bốn mươi, da nâu sậm, tay kéo theo chiếc va li cùng một cậu nhỏ. Tháng 7 này có mùa Vu lan và cuộc trở về này khiến mọi người chú ý. Đó chính là Cán cùng đứa con trai của mình. Họ trở thành tâm điểm cho mọi người chú ý và râm ran chào hỏi.
Cán là con trưởng nhà ông Lai. Nhà có sáu người con thì chỉ mình Cán là con trai. Vì thế nên cả nhà chiều cậu như ông vua con vậy. Người cậu chắc lẳn, da nâu như đồng hun. Chỉ tội cái học dở, hai năm một lớp… Cố gắng mãi mới xong được cái bằng trung học phổ thông. Các bạn thi đại học còn riêng Cán thì không màng đến chuyện học lên. Đúng lúc đó cậu ruột đang làm chủ một trang trại cà phê lớn ở Tây Nguyên về chơi. Qua câu chuyện của cậu về những món lợi nhuận từ cà phê, rồi rượu cần, gà nướng, heo Đê, những voi Buôn Đôn, thác Đray Sáp, thác Trinh Nữ… đã khơi gợi óc phiêu lưu của gã trai vốn quen thích gì được nấy. Cán coi nơi đó như miền đất hứa. Và thế là tháng 7 năm đó, lúc những cơn mưa Ngâu đầu tiên đổ xuống, khoác tấm áo mưa và cái ba lô trên vai, Cán quyết định làm một chuyến… Tây Nguyên tiến.
Cán được cậu giao cho nhiệm vụ trông coi và phụ giúp việc những người làm trong trang trại. Trong số đó có Vi, cô bé mười tám tuổi và là cháu họ bác Ba. Cả hai đã nhanh chóng quen thân và mùa Ngâu năm sau đã chính thức yêu nhau. Rồi một lần, hai đứa đã “vượt rào”. Thấy Cán suốt ngày luẩn quẩn bên Vi, ông cậu nhắc cháu:
- Anh chưa tự kiếm sống được mà vướng vợ con vào rồi khổ thân anh đã đành, mà vợ con anh, rồi bố mẹ anh cũng khổ. Hai bác có mà chửi tôi ủng mả!
Cán ấm ức trong bụng, nhưng vì ngại cậu và cũng nghĩ: “Yêu cho hay vậy ai đã lấy đâu mà rối cả lên!” nên cũng cho qua mọi chuyện. Gặp đúng dịp có công ty Nhật tuyển người sang làm. Cán lại bùng lên khát vọng đi Tây. Bố mẹ cậu lại chiều theo ý của “đích tôn”. Tháng 7 năm ấy, cậu có giấy gọi đi học tiếng để sang Nhật làm việc. Ngày chia tay, bên góc chòi canh rẫy cà phê đang lướt thướt những giọt mưa Ngâu, Vi khóc vùi trên vai cậu, còn Cán cuống quýt dỗ dành hứa hẹn. Thế nhưng mấy năm ở bên nước người, những lá thư của Vi gửi sang cậu trả lời thưa thớt dần, rồi cũng quên đi. Cho đến khi về nước, Cán mới biết Vi đã sinh con và cũng đi sang tận Síp giúp việc rồi lấy chồng bên đó. Con trai của Cán được ông bà ngoại nuôi. Ông bà thấy sự ân hận thành tâm của Cán rồi dần cũng tha thứ cho anh để anh đón con về ở cùng.
…Hai bố con Cán đã về đến ngõ. Bà Lai chạy từ trong sân chạy ra:
- Ông ơi! Cháu về rồi ông ơi! Bố con thằng Cu về thật ông ơi! Bà chạy ào lại ôm lấy thằng bé. Nó giật lùi lại một bước, nép sau bố. Cán đẩy con lên:
- Con chào bà nội đi!
Thằng bé vẫn mở to mắt, nhìn bà Lai bằng cái nhìn lạ lẫm. Bà hơi chững lại một chút, rồi lấy tay khẽ vuốt vai nó:
- Cha bố anh! Nhìn y như bố anh ngày bé. Bà nội mà anh cũng không chào hử? Bà quay sang mọi người, cười, nói, mà mắt rân rấn lệ: Con với chả cháu. Thật là…
- Thôi, bà ơi! Cháu nó còn lạ mà. Ông Lai vừa ra nói đỡ vừa giơ tay cho thằng bé: Đâu, cháu của ông đâu? Vào nhà cùng ông nào...
Đêm hôm đó, khi mọi người đến chơi đã về hết, bà Lai bế thằng bé vào trong buồng ngủ, trong nhà chỉ còn hai cha con. Ông Lai ngồi trầm ngâm mãi sau ông mới chậm rãi:
- Thế mẹ thằng bé vẫn không có tin tức gì à?
-Dạ! Cô ấy sang bên đảo Síp làm và lấy chồng rồi.
-Ừ, kể cũng tội. Ngày đó, giá như cha mẹ ngày đó nghe tin và vào cưới hỏi rồi đón nó về thì đâu có chuyện này. Mà nó cũng cứng đầu và hay tự ái quá. Mẹ mày mới nói vài câu hôm cùng cậu đến nhà nó, mà nó nhất định trả lại tiền, rồi sinh thằng bé mà không cần nhờ vả gì… Cũng may là ông bà ngoại thằng bé cưu mang cho. Ấy vậy mà lúc nó phẫn chí, bỏ đi thì ông bà ấy cũng không ngăn được…
- Dạ! Lỗi tại con. Lẽ ra, khi sang Nhật, con vẫn liên lạc với Vi, để cùng bố mẹ lo cho cô ấy và con của mình mới phải. Tại ngày đó con không chịu suy nghĩ chín chắn, không lo làm ăn nên làm bố mẹ và Vi khổ…
- Thôi, con ạ. Chuyện đã vậy rồi thì giờ còn làm gì được nữa. Chỉ mong từ giờ anh chín chắn và lo làm ăn chăm chỉ, để cho cuộc sống của mình, của thằng bé là tốt rồi.
- Dạ! Con tính chuyến này con sẽ hợp tác với cậu để mở thêm một đại lí có bán các máy móc dụng cụ có liên quan đến cà phê như máy lọc quả, máy sấy, máy đánh cỏ, máy xay, máy bơm… Thị trường ở đó tốt lắm bố ạ!
-Ừ, con liệu mà tính. Chắc là gần chục năm lăn lộn trường đời, anh đã hiểu ý nguyện của bố mẹ ngày xưa và bây giờ rồi. Bố không nhắc lại nữa.
- Đúng vậy, bố ạ. Giá ngày ấy con chăm học và có chí vươn lên thì bây giờ đã đỡ cho bố mẹ và các bác, các cô nhiều rồi.
- Không sao. Không bao giờ là muộn. Miễn là anh có ý chí. Thôi, vào ngủ đi kẻo mệt. Mai bố con đi thăm nhà các bác, các chú nhé!
Cán ra đóng cánh cổng lại. Mảnh trăng non đầu tháng như cặp mắt khép hờ, nghiêng nghiêng trên bầu trời đen mịn màng. Tự nhiên Cán thấy nhớ ánh mắt đắm đuối của Vi nhìn anh hôm nào. Lòng chộn rộn cảm xúc. Cán lập bập đốt một điếu thuốc. Khói thuốc xông lên làm mắt anh cay. Mảnh trăng non khi nãy đã bị đám mây che khuất. Và cơn mưa nhỏ êm đềm trút xuống.
Thêm một mùa Ngâu nữa…
. Truyện ngắn Bích Thiêm