Văn học thiếu nhi luôn là mảng hết sức có giá trị với bạn đọc tuổi nhỏ. Chúng ta thấy nhiều nhà giáo dục đều khuyến khích trẻ em hôm nay đọc sách, báo của lứa tuổi mình. Nhưng đáng tiếc, văn hóa đọc của lứa tuổi thiếu nhi đang có vấn đề từ nhiều nguyên nhân.
Trong văn học sau cách mạng tháng Tám, chúng ta có hẳn một mảng văn học thiếu nhi rất phát triển với những thành tựu đáng tự hào qua những tên tuổi lớn như: Tô Hoài (O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, các truyện ngắn), Nguyễn Huy Tưởng (Lá cờ thêu sáu chữ vàng, An Dương Vương xây thành ốc, Tìm mẹ), Nguyễn Đình Thi (Cái tết của mèo con), Vũ Tú Nam (Văn ngan tướng công, các tản văn, truyện ngắn), Đoàn Giỏi (Đất rừng phương nam), Trần Hoài Dương (Miền xanh thẳm, các truyện ngắn), Võ Quảng (Tảng sáng, Quê nội)… cùng hàng trăm nhà văn, nhà thơ đã góp công sức và tài năng đem lại cho tuổi thơ Việt Nam những trang văn, dòng thơ giá trị. Đó chính là những niềm xúc cảm nâng những giấc mơ, khát vọng cho tuổi thơ bước vào đời với tất cả chân thiện mỹ và tâm hồn trong sáng, vị tha, nhân hậu. Những dịp lễ tết, ngày Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu, các bậc cha mẹ, anh chị đều tặng sách với lời khuyến khích cho các bạn nhỏ đọc sách. Thời nay, trẻ em đang xa rời trang sách, tờ báo để gắn với thiết bị công nghệ, bởi vậy khi trẻ cầm sách đọc hay thường xuyên mua các ấn phẩm báo thiếu nhi thì quý giá vô cùng.
Có thể nói, văn học thiếu nhi thời điểm này không rộ, những tác phẩm mang âm hưởng văn hóa thiên nhiên hay thế giới động vật cũng ít đi mà thiên vào dòng văn học thiếu nhi tình huống, tâm sự hoặc giao thức tưởng tượng. Dạng thể này trẻ đọc tiếp thu nhanh nhưng sẽ khó có những tác phẩm đi cùng thời gian như trước đó các nhà văn lớn như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Trần Hoài Dương đã viết. Chúng ta cũng công nhận rằng, hiện nay nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là cây bút dành cho tuổi trẻ đạt tầm thương hiệu lớn trong xuất bản sách với hàng trăm cuốn sách ăn khách, tuy vậy chúng ta mong chờ nhà văn có cuốn sách đạt tầm kinh điển trong mảng văn học thiếu nhi Việt Nam.
Hiện nay, qua thị trường sách thiếu nhi, chúng ta thấy rằng lượng sách dịch từ văn học nước ngoài rất lớn so với các tác phẩm trong nước. Về sách dịch, không nhiều cuốn sách có giá trị cao, thường chỉ ở tầm giải trí vì tư duy của họ khác xa với tư duy của tuổi thơ Việt. Còn các tác giả mới thế hệ sau vẫn chưa đạt tầm cây bút đứng riêng một mảng văn học thiếu nhi trong nước, càng hiếm có cây bút chuyên về văn học thiếu nhi, các cây bút chuyên nghiệp cũng vắng bóng trên thị trường sách dành cho các em. Đây là điều đáng tiếc mặc dù Hội Nhà văn Việt Nam có hẳn Ban Văn học thiếu nhi với những cây bút tên tuổi như: Trần Đức Tiến, Trần Đăng Khoa, Lê Phương Liên, Nguyễn Đức Quang nhưng những năm gần đây, mảng văn học thiếu nhi có vẻ như chững lại, chỉ lác đác chục cây bút đang sung sức viết như: Võ Thu Hương, Nguyễn Ngọc Thuần, Trương Huỳnh Như Trân, Thu Trân, Võ Diệu Thanh, Lê Hữu Nam, Trần Nhã Thụy… Bởi thế, suốt bao năm qua, người ta cứ nhắc mãi điệp khúc “văn học thiếu nhi đang suy giảm” hay “thiếu những cây bút dành cho thiếu nhi”… mà vẫn chưa khắc phục được. Liệu đây là thực tế mang tính thời đại vì tư duy người viết và người đọc đã khác so với trước nên không có những lời giải thỏa đáng đáp ứng nhu cầu của công chúng!
Dẫu vậy, trang sách dành cho thiếu nhi vẫn cần được bồi đắp và nâng niu vì tuổi thơ cần món ăn tinh thần vô cùng quý giá này.
Dương Trang Hương