Sau hơn 1 tháng dàn dựng, tập luyện, ngày 10-11, Đoàn Dân ca (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) đã diễn báo cáo vở dân ca kịch bài chòi Minh thề (lời thề minh bạch). Vở diễn đã chuyển tải được những thông điệp sâu sắc về mặt trái của xã hội.
Vở diễn Minh thề lấy bối cảnh câu chuyện xảy ra trong xã hội phong kiến Việt Nam. Ở đó, những người dân chất phác, thật thà, làm ăn chăm chỉ đã phải chịu cảnh đè nén, ức hiếp của đám quan lại sâu mọt. Đó là hình ảnh những người dân quê hoang mang, đau khổ vì đất canh tác bị quan tri phủ lấy để xây nhà thờ tổ. Mối tình lứa đôi của chàng Đá với nàng Sim cũng bị hai cha con quan tri phủ cậy quyền, cậy thế, giở trò gian xảo đẩy đôi bạn trẻ đi đến bước đường cùng…
Trước sự bất công, bất ổn trong xã hội, nhân dân lập nên lễ minh thề với mong muốn về một xã hội minh bạch, trong sáng hơn. Ở đó, trước thần linh, quan thề không tham nhũng của công, dân thề sống trung thực, thẳng thắn. Thông qua lời thề trong lễ hội, kịch bản còn đặt ra vấn đề về cái tâm, cái tầm của những vị quan, bậc chi dân phụ mẫu hãy vì lợi ích của dân chúng. Vở diễn khép lại khi những tên quan tham đã không lọt qua được lưới trời, từ đó đem đến cuộc sống yên bình cho nhân dân.
Kịch bản vở Minh thề của tác giả Lê Quý Hiền vốn dành cho sân khấu chèo nên khi chuyển qua sân khấu dân ca kịch bài chòi đòi hỏi tác giả phải làm nổi bật nét đặc sắc của dân ca kịch bài chòi. Đảm nhận nhiệm vụ này, nghệ sĩ Trần Kim Chín đã thực hiện tương đối tốt và mang đến cho vở diễn màu sắc dân gian. Việc xử lý nhân vật hề vốn là người dẫn chuyện, dẫn trò trong sân khấu chèo, khi qua sân khấu dân ca kịch bài chòi, nhân vật này chỉ đơn thuần là người gây cười, nhân vật hài. Đạo diễn - NSND Nguyễn Ngọc Bình đã dàn dựng vở diễn đúng theo phong cách dân gian với những lớp, cảnh, mảng miếng khá đắt. Thiết kế sân khấu, phục trang và diễn xuất của diễn viên cũng đáng nhận được những điểm cộng. Cùng với đó, sự tiến bộ của các diễn viên trẻ đem đến những tín hiệu tích cực đối với những ai quan tâm đến sân khấu dân ca kịch bài chòi.
Tuy nhiên, vở diễn cũng còn một số điểm cần tiếp tục được hoàn thiện. Theo NSƯT Hoàng Minh Tâm, việc hóa trang của diễn viên chưa phù hợp với chất dân gian của vở diễn. Một số diễn viên chưa tiết chế được động tác, biểu cảm của bản thân trong diễn xuất. Nhạc sĩ Hình Phước Liên cho rằng, một số vai diễn còn rất nhiều đất để các diễn viên có thể tìm tòi, khai thác, sáng tạo thêm nhằm đạt hiệu quả diễn xuất cao nhất. Họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đề nghị họa sĩ thiết kế sân khấu điều chỉnh lại màu sắc của phông nền hậu cảnh để khi kết hợp với ánh sáng sân khấu sẽ đem đến hiệu ứng sân khấu tốt hơn.
NSND Nguyễn Ngọc Bình cho biết, do điều kiện về thời gian, không gian để dàn dựng, tập luyện vở diễn có những hạn chế nhất định. Ê kíp dàn dựng vở diễn sẽ cùng với các nghệ sĩ, diễn viên tiếp tục chỉnh sửa để khi đưa ra biểu diễn phục vụ khán giả sẽ đạt được hiệu quả nghệ thuật cao nhất.
Minh thề là một lễ hội truyền thống của người dân xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Hàng năm, lễ minh thề diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng. Tương truyền, lễ hội có từ thời nhà Mạc và được tổ chức lần đầu vào năm 1561, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sạch, chấp hành pháp luật... |
Giang Đình