… “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im…”. Lời bài hát trầm lặng như đan xói vào cõi lòng những Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong buổi lễ kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám.
Giữa những người lính nhiều thế hệ trong hội trường là hai bà mẹ còn lại trong số không nhiều các bà mẹ liệt sĩ được Nhà nước tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng, tôi đã cố nén lòng hướng ống kính tìm kiếm một nét chân dung những gương mặt người mẹ kính yêu. Nhưng rồi tôi chỉ thấy nhập nhòa trong khuôn ngắm máy ảnh là gương mặt bồi hồi, nén chịu cùng những nếp đau thương, nếp đau này chồng lên nếp đau khác cứ rung lên trên những đôi vai gầy.
“Thưa mẹ, mẹ có mỗi mình anh con, sao mẹ vẫn để anh con lên núi?”. Chưa kịp ngăn câu hỏi của cậu lính trẻ, tôi đã bất ngờ nghe mẹ giản dị nói như tự dặn lòng mình: Mẹ đâu muốn con ơi! Chiến tranh, cho con đi là biết chắc con không về. Trên đời có người mẹ nào mong đẻ con ra để đưa con vào lửa, vào đạn rồi hy sinh để cho mình được làm anh hùng. Nhưng lại nghĩ, anh em từ miền Bắc, ai cũng có mẹ mà vẫn xa mẹ để vào chiến đấu hy sinh trên đất quê mình, không lẽ mình giấu giữ các con ở nhà, coi sao đặng. Vậy là mẹ để cho ba con dắt anh con đi lên núi…”.
Vâng, tôi đã nấc lên khi nghe người mẹ nói điều thiêng liêng đó trong cạn khô nước mắt.
Vẫn biết “Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi”. Những khi nuốt nước mắt vào lòng để tiễn con lên đường vào lửa vào bom, mẹ đã mường tượng cái kết cục mà không có bất cứ người mẹ nào trên thế gian này mong muốn. Đó cũng là đức hy sinh, là tâm chất lớn lao của những người mẹ Việt Nam.
Tiễn con vào lửa, vào đạn đã là một nỗi đau! Để giấu tung tích đơn vị của chồng, con trước sự theo dõi của quân thù đã làm mẹ phải bao lần nuốt sâu vào lòng những giọt đau thương. Cả khi đất nước đã yên bình, dẫu quạnh hiu bên mái tranh nghèo, mẹ vì không muốn phiền lòng cháu con mà thêm lần nữa nuốt sâu những giọt tủi, giọt buồn. Ngay cả ngày lễ đón nhận danh hiệu cao quý Nhà nước tôn vinh - khoảnh khắc tưởng như vui nhất, thì lòng mẹ lại như quặn thắt nỗi đau khi hiển hiện những gương mặt chồng, con thấp thoáng trong hư vọng ngày về. Để rồi khi không thể không khóc được nữa giữa những thế hệ cháu con vây quanh thì những cơ khóc trên gương mặt mẹ cứ giật lên từng hồi thay cho đôi hốc mắt mẹ kiệt khô nước mắt. Vâng, mẹ chỉ còn biết khóc khô.
Người ta nói: Nước mắt có thể làm vợi nỗi đau, nên khi mẹ khóc khô, nỗi đau cứ nhân lên ngàn vạn vạn lần. Đau lắm mẹ ơi!
Những người mẹ Việt Nam, cứ vậy, ba lần, năm lần… nhiều lần tiễn chồng, đưa con đi là ngần ấy lần vời vợi chồng con biền biệt không về. Nỗi đau cứ vậy chồng lên theo số người đi, số người ngã xuống… Và chúng con, những đứa con trai, con gái còn lại từ núm ruột của mẹ, xin mẹ hãy cứ khóc to lên cho vợi bớt nỗi đau - những nỗi đau không thể ai thay các mẹ gánh mang.
Tháng Tám, ngày thu cách mạng! Trang viết về mẹ ngày vui lẽ ra phải là trang vui. Nhưng một lần nữa sẽ là có lỗi khi đây đó giữa cuộc vui tràn đầy chúng ta lại quên đi những tiếng nấc khô của những người mẹ nghèn nghẹn theo ta trong suốt cuộc đời.
Lê Bá Dương