Đa dạng công tác truyền thông, có thông điệp phù hợp đến từng nhóm đối tượng, đặc biệt đối với giới trẻ… là những nội dung được đặt ra trong công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Ngăn ngừa sử dụng thuốc lá mới
Theo báo cáo của Quỹ PCTHCTL, sau hơn 10 năm triển khai các hoạt động, nhất là từ khi Luật PCTHCTL ra đời, công tác PCTHCTL đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2017 đến 2020, cả nước có hơn 100 ngàn lượt bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá trực tiếp tại các bệnh viện, trong đó có gần 7.000 lượt bệnh nhân tư vấn chuyên sâu; hơn 5.200 bệnh nhân có hồ sơ theo dõi, có 727 bệnh nhân cai nghiện thành công. Kết quả tư vấn qua tổng đài từ năm 2015 đến 2020, có hơn 81.000 cuộc gọi, trong đó hơn 1/2 cuộc gọi được tư vấn và có hồ sơ theo dõi cai nghiện; trong số này có 1.111 bệnh nhân cai nghiện thành công trong hơn 1 năm…
Tuy nhiên, công tác tổ chức cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức như: Nhận thức của người dân về lợi ích của cai nghiện thuốc lá còn hạn chế; các cơ sở y tế tại các tuyến tỉnh, huyện, xã chưa thực sự quan tâm và chủ động triển khai tư vấn cai nghiện, thiếu các thuốc thiết yếu trong điều trị cai nghiện thuốc lá; một số mô hình mới triển khai ở giai đoạn thí điểm... Ngoài ra, sự xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha…) được ngành công nghiệp thuốc lá quảng cáo với thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người sử dụng rằng các sản phẩm thuốc lá mới giúp cai nghiện thuốc lá điếu truyền thống, gây khó khăn cho hoạt động PCTHCTL.
Trước thực trạng gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt trong thanh thiếu niên Việt Nam, Bộ Y tế đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tiếp tục tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu truyền thống; kịp thời phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường giám sát và có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng…
Nâng cao nhận thức của cộng đồng
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch PCTHCTL trên địa bàn tỉnh định hướng đến năm 2030. Các giải pháp kế hoạch đề ra là tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật PCTHCTL và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, thực hiện các quy định về môi trường không khói thuốc; phát triển các mô hình cai nghiện thuốc lá; các cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương ở tỉnh kiện toàn ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch hoạt động PCTHCTL. Song song đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tổ chức các buổi truyền thông gián tiếp, trực tiếp về tác hại của thuốc lá cho người dân; tiếp tục niêm yết công khai quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng, cơ quan, trường học; tập huấn, nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng và thực thi Luật PCTHCTL …
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến nghị, các sở, ban, ngành, địa phương, trường học, cơ quan, đơn vị cần có kế hoạch triển khai công tác PCTHCTL cụ thể; đa dạng công tác truyền thông, có thông điệp phù hợp đến từng nhóm đối tượng, đặc biệt là giới trẻ; tăng cường truyền thông PCTHCTL trong trường học và cả cộng đồng. Hàng năm, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần khảo sát đánh giá thực trạng công tác PCTHCTL, qua đó có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng công tác truyền thông. UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền và thực hiện xử phạt hành chính các hành vi vi phạm theo quy định…
C.Đan