Những anh nuôi trên tàu bệnh viện Khánh Hòa - 01

Thứ hai - 02/01/2023 10:57
Bất chấp những con sóng liên tục đập vào mạn khiến tàu tròng trành chao đảo, những anh nuôi trên tàu bệnh viện Khánh Hòa - 01 vẫn đều đặn mỗi ngày 3 bữa phục vụ hàng trăm suất ăn cho thủy thủ và đoàn công tác đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.  Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Bất chấp những con sóng liên tục đập vào mạn khiến tàu tròng trành chao đảo, những anh nuôi trên tàu bệnh viện Khánh Hòa - 01 vẫn đều đặn mỗi ngày 3 bữa phục vụ hàng trăm suất ăn cho thủy thủ và đoàn công tác đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.  


Tờ mờ sáng, khi mọi người còn đang yên giấc, như thường lệ, 16 anh nuôi trên tàu đã dậy. Mỗi người một việc, người thái thịt, nhặt rau, người nấu cơm… mặc cho những con sóng chồm lên, phủ trắng cả boong tàu. Mỗi ngày, các anh nuôi thường dậy từ lúc 3 giờ để chuẩn bị bữa ăn. Mọi việc phải chuẩn bị thật chu đáo để đến 5 giờ 30 bữa ăn sáng phải sẵn sàng. Sau mỗi bữa, các anh lại rửa dọn và chuẩn bị cho bữa tiếp theo. Hầu như mỗi ngày, các anh chỉ được chợp mắt khoảng 5 giờ.

 

Những anh nuôi chuẩn bị bữa cơm cho bộ đội trên tàu Khánh Hòa - 01.

Những anh nuôi chuẩn bị bữa cơm cho bộ đội trên tàu Khánh Hòa - 01.


Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thanh Nam, người có nhiều năm “giữ lửa” trên các con tàu chia sẻ, trước đây, việc nấu ăn vất vả hơn nhiều vì thường các tàu không có khu bếp riêng, anh em phải che bạt trên boong, thổi bếp than tổ ong hoặc nấu bằng dầu. Thức ăn cũng khó bảo quản hơn vì không có kho đông lạnh. Hiện nay, tàu hiện đại, có khu bếp riêng nên những người làm công tác phục vụ cũng đỡ vất vả hơn. Nấu ăn trong điều kiện thời tiết sóng to, gió lớn, tàu thường xuyên tròng trành thì chỉ có cánh mày râu mới làm nổi. Các anh không nề hà bất cứ chuyện gì, bởi đó không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm, mà còn là tình cảm của những người lính dành cho những vị khách trên tàu.


Chiến sĩ Nguyễn Phan Hoàng Anh, phụ bếp trên tàu bệnh viện Khánh Hòa 01 cho biết: “Ở nhà, tôi rất ít tham gia việc nấu ăn bởi còn có các chị lo. Khi nhập ngũ vào môi trường quân đội, được rèn luyện và phân công thực hiện phụ bếp, ban đầu, tôi cũng gặp khó khăn, nhưng một thời gian ngắn được các anh hỗ trợ, chỉ bảo, tôi đã trưởng thành và ngày một thành thục với công việc của mình. Lúc mới phụ bếp trên tàu, 2 ngày đầu, tôi bị say sóng và nằm suốt cả buổi. Dần dần, tôi mới quen được và tiếp cận công việc. Nấu ăn trên biển dù chỉ những món đơn giản nhưng gian nan hơn nấu trên đất liền rất nhiều. Khi sóng lớn, thuyền chao đảo thì phải một tay vịn vào thành tàu, còn một tay giữ nồi niêu để không bị sóng hất văng xuống sàn”.


Những anh nuôi khi vào nghề ai cũng đều phải học mọi thứ, từ việc nấu cơm không bị nhão, bị khô hay khê, chiên xào nồi hơi sao cho an toàn. Cùng với đó, khẩu vị mỗi người một khác, mỗi bữa phải phục vụ hàng trăm người nên cái khó là phải nêm nếm sao cho vừa, giữ thức ăn bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.


Trung úy Hà Thanh Trường - Quản lý bếp ăn tàu bệnh viện Khánh Hòa - 01 chia sẻ, đi biển với hải trình dài ngày cần phải bảo đảm sức khỏe cho thủy thủ và các thành viên trong đoàn công tác nên nhà bếp không chỉ chú trọng số lượng mà còn phải đủ chất dinh dưỡng, giữ vững nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”. Anh em ai cũng tận tâm, với mong muốn bữa ăn phù hợp với khẩu vị của đa phần quân số. Những ngày đầu lên tàu ra Trường Sa, rất nhiều bộ đội và thành viên trong đoàn công tác bị say sóng, không thể ăn được cơm. Anh em lại nấu cháo và chia ra từng bữa nhỏ, đưa đến tận phòng giúp mọi người…


Trong suốt hải trình công tác, chúng tôi chứng kiến chính những anh nuôi cũng lả đi vì mệt, nhưng các anh vẫn cố gắng cho bộ đội, đoàn công tác có những bữa ăn ngon, bảo đảm sức khỏe để hoàn thành mọi nhiệm vụ, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


MẠNH HÙNG

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp