Tháo gỡ khó khăn cho Suối Lau

Thứ ba - 07/09/2021 11:56
Thiếu máy cày làm đất, nguồn nước không chủ động khiến cho việc sản xuất lúa hàng chục héc-ta tại khu vực đồng bào dân tộc 3 thôn Suối Lau (Suối Cát, Cam Lâm, Khánh Hòa) gặp nhiều khó khăn. Gần đây, tỉnh đã đồng ý giải quyết những kiến nghị của bà con xung quanh vấn đề này.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tháo gỡ khó khăn cho Suối Lau

Thiếu máy cày làm đất, nguồn nước không chủ động khiến cho việc sản xuất lúa hàng chục héc-ta tại khu vực đồng bào dân tộc 3 thôn Suối Lau (Suối Cát, Cam Lâm, Khánh Hòa) gặp nhiều khó khăn. Gần đây, tỉnh đã đồng ý giải quyết những kiến nghị của bà con xung quanh vấn đề này.


Nỗi lo trễ vụ


Những ngày này khi các cánh đồng khác lúa đã lên xanh mượt nhưng khu vực sản xuất lúa của đồng bào dân tộc 3 thôn Suối Lau vẫn còn nhiều thửa ruộng mới bắt đầu làm đất. Bà Mang Thị Ánh (Suối Lau 1) nôn nóng trễ vụ bởi ruộng của bà máy cày mới phay những nhát đầu tiên. Đến nay ruộng của bà mới được lấy nước và triển khai việc cày bừa, trong khi các thửa ruộng khác các thôn Suối Lau 2, 3 lúa đã lên xanh. Nhiều năm trước, nhờ Nhà nước đầu tư quy hoạch khu đồng ruộng vài chục héc-ta nên bà con dân tộc thôn Suối Lau đã có ruộng để sản xuất, gia đình bà cũng được chia được 1 sào (1.000m2).

 

Vào vụ nhưng ruộng lúa thôn Suối Lau 1 mới triển khai cày bừa.

Vào vụ nhưng ruộng lúa thôn Suối Lau 1 mới triển khai cày bừa.


Ông Lê Thành Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát, cho biết, theo quy hoạch đồng ruộng khu vực này, nguồn nước từ hồ Suối Dầu cấp cho ruộng lúa 3 thôn Suối Lau theo thứ tự là: Suối Lau 1, 3, 2. Thôn Suối Lau 2 nằm ở cuối nguồn nên khó lấy nước. Mặt khác, ở đây đất pha cát nhiều nên mau rút nước, bà con lại không làm bờ kỹ nên nước dễ thất thoát. Vì vậy, ruộng Suối Lau 2 lấy đủ nước phải mất cả tháng. Không chỉ khó khăn trong việc lấy nước, việc chủ động sức kéo cày bừa cũng làm kéo dài lịch thời vụ. Bà con dân tộc các thôn Suối Lau không vào hợp tác xã nên việc cày bừa hoàn toàn thuê máy tư nhân. Song số lượng máy cày tư nhân không nhiều, công với việc bà con thường khó khăn về kinh phí đã khiến tư nhân ít mặn mà.


Để khắc phục những khó khăn trong sản xuất tại khu vực này, từ lâu xã đã chủ động lịch thời vụ lấy nước cho vùng cuối nguồn trước, có nghĩa là ruộng thôn Suối Lau 2 lấy đầu tiên, rồi tới Suối Lau 3, 1. Tuy nhiên, năm ngoái kế hoạch có thay đổi, khu vực nào lấy đủ nước làm trước khiến ruộng lúa thôn Suối Lau 2 phải bỏ vụ. Năm nay việc triển khai theo thứ tự thôn Suối Lau 2, 3 làm trước, Suối Lau 1 làm sau cùng nên dẫn tới tình trạng mà bà Ánh phàn nàn.  


Ông Nguyễn Thành Trinh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay, việc sản xuất của đồng bào dân tộc các thôn Suối Lau gặp nhiều khó khăn kéo dài hàng chục năm nay. Thời gian trước Hội Nông dân xã đã giúp bà con dân tộc sản xuất theo lối “cầm tay chỉ việc”. Nhiều bà con chăm chỉ, cần cù, lĩnh hội tốt kiến thức, năng suất lúa đạt 55-60 tạ/ha/vụ… Tuy nhiên, cái khó còn do nguồn nước thủy lợi không đảm bảo, thiết kế mương đầu nguồn thấp hơn cuối nguồn nên việc lấy nước khó chủ động.


Quan tâm tháo gỡ

 

Xã Suối Cát có 3 thôn đồng bào dân tộc thiểu số với 550 hộ, 2.532 nhân khẩu. Đời sống của bà con dân tộc còn nhiều khó khăn với 251 hộ thiếu đất sản xuất, 71 hộ không có đất sản xuất, thu nhập không ổn định, khó có khả năng thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo 21%, 3 thôn nằm trong danh sách thôn miền núi đặc biệt khó khăn theo Quyết định 204 của Thủ tướng chính phủ.

Trước tình hình đó, thông qua nội dung kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất của xã Suối Cát (văn bản 2385), giao huyện Cam Lâm chỉ đạo xây dựng Dự án Hỗ trợ máy cày phục vụ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số 3 thôn Suối Lau, xã Suối Cát. Huyện Cam Lâm có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt dự án, báo cáo UBND tỉnh. Ban Dân tộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp, tham mưu UBND tỉnh giải quyết. Bên cạnh đó, xã Suối Cát cũng đề nghị sửa chữa mương tưới chính cho 3 thôn Suối Lau. Tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt công trình này với tổng mức đầu tư hơn 985 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ năm 2021.  


Theo ông Huy, hiện nay, việc sửa chữa mương chính đã triển khai thi công. Riêng việc triển khai dự án hỗ trợ máy cày đang được các ngành của huyện Cam Lâm thẩm định. Theo dự kiến sẽ mua sắm máy cày tay phục vụ sản xuất với tổng kinh phí 170 triệu đồng. Bên cạnh đó, dự án đề xuất thành lập tổ quản lý gồm những người có kinh nghiệm để quản lý, vận hành dự án. Lãnh đạo xã hy vọng, sau khi các cấp, các ngành quan tâm, việc sản xuất sẽ đi vào ổn định, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trầm kha lâu nay.


V.L

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp