Nguồn vốn tín dụng chính sách: Góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Thứ năm - 22/09/2022 19:32
Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho hàng ngàn đối tượng chính sách. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Hồ Đắc Thích - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhân dịp tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho hàng ngàn đối tượng chính sách. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Hồ Đắc Thích - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh nhân dịp tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 

Ông Hồ Đắc Thích - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh

Ông Hồ Đắc Thích - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa

 

- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

 

- Ngày 4-10-2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131 thành lập NHCSXH. Đây được coi là một bước đột phá quan trọng thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại để triển khai chính sách riêng biệt đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 56 ngày 14-1-2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH. Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp, có hiệu quả của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), sự ủng hộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và các đối tượng chính sách tại địa phương trong thực thi nhiệm vụ.

 

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân vốn cho người dân ở xã Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang).

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân vốn cho người dân ở xã Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang).


Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không ngừng tăng trưởng. Đến ngày 31-8, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 3.703 tỷ đồng, tăng hơn 3.554 tỷ đồng so với năm 2002, tương ứng mức tăng 24 lần. Trong đó, nguồn vốn Trung ương đạt hơn 2.629 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nguồn vốn, tăng 2.499 tỷ đồng so với năm 2002; nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân và nhận tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 570,5 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng nguồn vốn, tăng 567,8 tỷ đồng so với năm 2002; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương 503,7 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng nguồn vốn, tăng 487,5 tỷ đồng so với năm 2002. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 653 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn; góp phần giúp hơn 79 ngàn hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 62 ngàn lao động thông qua nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, 50 ngàn học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, xây dựng 478 ngàn công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh, 3,7 ngàn hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở... Từ 2 chương trình tín dụng chính sách ban đầu, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 18 chương trình tín dụng chính sách được triển khai.


- Xin ông cho biết về chất lượng tín dụng trong thời gian qua?


- NHCSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương các cấp thực hiện quyết liệt những giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Tính đến ngày 31-8, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh tại NHCSXH tỉnh chỉ 0,39% trên tổng dư nợ (thời điểm nhận bàn giao, nợ quá hạn là 7,6%).


Định kỳ 3 năm, NHCSXH tổ chức kiểm kê, đối chiếu và phân loại nợ trong toàn hệ thống. Việc đối chiếu, phân loại nợ được thực hiện đến từng khách hàng vay vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, có sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, trưởng thôn, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, công an và có xác nhận của UBND cấp xã. Quá trình đối chiếu, phân loại nợ thực hiện nghiêm túc, được lồng ghép với công tác tuyên truyền về chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi để người vay chấp hành đúng các quy định; đồng thời kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn những tồn tại, hạn chế trong quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách tại cơ sở. Tỷ lệ đối chiếu, phân loại nợ qua các đợt triển khai đều đạt 100% số khách hàng phải đối chiếu. Kết quả cho thấy, vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.


Để triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, NHCSXH cho vay thông qua mạng lưới các tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập theo địa bàn dân cư (theo thôn, xóm, tổ dân phố) do trưởng thôn hoặc một tổ chức chính trị xã hội vận động thành lập, được Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt. Đến ngày 31-8, toàn tỉnh có 2.567 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động, đóng vai trò là cầu nối giữa NH với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng được thụ hưởng. NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất tại các tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ vay vốn, các điểm giao dịch xã, qua đó tạo sự gắn kết trách nhiệm và nâng cao hiệu quả trong hoạt động ủy thác.


- Trong thời gian tới, chính sách tín dụng ưu đãi sẽ được thực hiện theo định hướng, mục tiêu như thế nào, thưa ông?


- Thành tựu đã đạt được của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong 20 năm qua thực sự là điểm sáng, trở thành một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo tại địa phương. Thời gian tới, tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được xem là giải pháp quan trọng của tỉnh trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. NHCSXH tỉnh tiếp tục bám sát chiến lược phát triển của NHCSXH Việt Nam đến năm 2030, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các ban, ngành có liên quan để tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai công tác tín dụng chính sách đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.


Theo đó, NHCSXH tỉnh đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do đơn vị cung cấp; hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng được giao (bao gồm dư nợ tín dụng và huy động vốn); phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm đạt 8% trở lên. Chi nhánh cũng tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ quá hạn; đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động; triển khai đầy đủ và không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; nâng cao kỹ năng và chất lượng phục vụ khách hàng; nâng cao hiệu quả hoạt động tại điểm giao dịch xã. Bên cạnh đó, chi nhánh sẽ phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.


- Xin cảm ơn ông!


HOÀNG DUNG (thực hiện)
  

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp