Sử dụng thức ăn công nghiệp: Góp phần phát triển nuôi biển bền vững

Thứ hai - 19/09/2022 22:30
Mới đây, tại hội thảo thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành với tỉnh trong thúc đẩy phát triển nuôi biển hiện đại, đầu tư sản xuất các sản phẩm thức ăn phục vụ nuôi biển công nghiệp. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Thức ăn công nghiệp góp phần quan trọng trong phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng hiện đại, bền vững. Tuy nhiên, việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi biển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn hạn chế. Mới đây, tại hội thảo thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức, lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành với tỉnh trong thúc đẩy phát triển nuôi biển hiện đại, đầu tư sản xuất các sản phẩm thức ăn phục vụ nuôi biển công nghiệp.


Ít cơ sở sử dụng thức ăn công nghiệp


Những năm qua, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu NTTS I) đã ứng dụng công nghệ vào quá trình nuôi cá chim vây vàng trên vịnh Vân Phong; lồng bè nuôi sử dụng chất liệu HDPE có thể chống chịu với gió bão lớn; quy trình nuôi tuyệt đối không dùng kháng sinh, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp… Ông Phạm Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao cho biết: “Hiện nay, trung tâm có 22 lồng tròn nuôi cá thương phẩm, 12 lồng vuông nuôi cá bố mẹ và ương dưỡng cá giống. Mỗi năm, đơn vị cung cấp ra thị trường 200-250 tấn cá thương phẩm; trong quá trình nuôi sử dụng khoảng 450-500 tấn thức ăn công nghiệp. Đơn vị đã nghiên cứu công thức thức ăn riêng cho cá, đặt hàng doanh nghiệp gia công để phục vụ nuôi cá. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp giúp tối ưu hóa lượng thức ăn cho từng giai đoạn phát triển của cá; giảm thiểu các rủi ro về ô nhiễm môi trường vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh do sử dụng thức ăn… Mặc dù thức ăn công nghiệp có nhiều ưu điểm nhưng người dân vẫn chưa sử dụng nhiều, nguyên nhân là do tập quán nuôi lâu nay vẫn tận dụng các nguồn thức ăn tươi; giá thành thức ăn công nghiệp cao hơn nhiều so với thức ăn tươi”.

 

Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) sử dụng 100% thức ăn công nghiệp cho cá chim vây vàng.

Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) sử dụng 100% thức ăn công nghiệp cho cá chim vây vàng.


Việc sử dụng thức ăn công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển nuôi biển bền vững, góp phần giải quyết các hệ lụy về môi trường, dịch bệnh trong NTTS. Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ có 3 cơ sở nuôi cá biển ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, gồm: Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu NTTS I và Công ty Cổ phần NTTS Phương Minh. Hầu như khắp các vùng nuôi lồng bè trong tỉnh, người dân vẫn sử dụng các loài cá tạp, giáp xác để làm thức ăn cho tôm hùm, cá biển. Việc sử dụng thức ăn tươi đã để lại nhiều hệ lụy như: Khi thức ăn tươi khan hiếm, đẩy chi phí đầu tư nuôi tăng cao, các loài cá tạp không đảm bảo chất lượng, dư thừa lượng thức ăn dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước vùng nuôi, dịch bệnh khiến thủy sản nuôi bị chết…


Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTTN, thức ăn công nghiệp có nhiều ưu điểm so với thức ăn tươi, ngành đã khuyến khích người nuôi thủy sản bằng lồng bè chuyển đổi sang sử dụng thức ăn công nghiệp, nhất là đối với nuôi cá biển. Tuy nhiên, với một số đối tượng nuôi và từng chu kỳ phát triển, thức ăn công nghiệp chưa thể thay thế hoàn toàn thức ăn tươi. Vì vậy, cần phải có nghiên cứu chuyên sâu về dinh dưỡng, phát triển thức ăn công nghiệp phù hợp cho từng đối tượng nuôi, từng chu kỳ phát triển của thủy sản.


Định hướng phát triển


Tại hội thảo thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh đang xây dựng Đề án Phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng quy mô công nghiệp, an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước… Ông mong muốn các doanh nghiệp đồng hành với tỉnh trong thúc đẩy phát triển nuôi biển hiện đại; đầu tư sản xuất các sản phẩm thức ăn phục vụ nuôi biển công nghiệp đảm bảo giá trị về công nghệ, chất lượng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ NTTS trong tỉnh.

 

Trong số những doanh nghiệp quan tâm đến việc đầu tư nuôi biển tại Khánh Hòa, lãnh đạo Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát cho hay, sắp tới đây, khi đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển tại Khánh Hòa, đơn vị sẽ chú trọng xây dựng chuỗi liên kết với sự tham gia của doanh nghiệp cung cấp hạ tầng nuôi, cung cấp giống, thú y thủy sản, thức ăn công nghiệp, người nuôi, đơn vị thu mua, chế biến, xuất khẩu… Từ đó, thúc đẩy chuyển đổi từ phương thức nuôi truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và bền vững theo định hướng phát triển nuôi biển của tỉnh.


Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, phát triển ngành nuôi biển ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; riêng sản xuất thức ăn phục vụ phát triển nuôi biển công nghiệp vẫn chưa phát triển mạnh. Để phát triển ngành nuôi biển bền vững, một trong những vấn đề trọng tâm các địa phương, đơn vị cần chú trọng là nghiên cứu về dinh dưỡng, phát triển sản xuất thức ăn trong nuôi biển công nghiệp như: Nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn con non, con giống của các đối tượng nuôi biển; xây dựng các khu sản xuất thức ăn tập trung gắn với khu dịch vụ hậu cần nghề cá và vùng nuôi biển tập trung; hỗ trợ các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển. Song song với việc nghiên cứu, các địa phương, đơn vị cần nhập công nghệ, thiết bị và công thức thức ăn cho các đối tượng nuôi để từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn phục vụ sản xuất con giống và nuôi thương phẩm; thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phát triển sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển có công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến, đảm bảo sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý…

 

Toàn tỉnh có khoảng 63.400 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng đạt 1.500 tấn/năm; 7.220 lồng nuôi các loài cá biển, sản lượng 10.000 tấn/năm. Các đối tượng được nuôi theo 2 phương thức: lồng bè gỗ truyền thống, sử dụng chủ yếu thức ăn tươi; nuôi lồng HDPE, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh có 22 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.


HẢI LĂNG


 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp