Cho đến giờ, vịnh Vân Phong vẫn còn giữ được cho mình những nét hoang sơ với mặt vịnh xanh thẳm phẳng lặng tuyệt đẹp. Tuy nhiên, những năm gần đây khi nghề nuôi trồng phát triển mạnh, hàng ngàn lồng bè đe dọa môi trường vịnh. May mắn là từ 6 tháng qua, Mô hình xã hội hóa thu gom rác trên biển đã triển khai bước đầu khá hiệu quả, gìn giữ sự trong lành cho vịnh.
Gom rác trên biển
Một ngày đầu tháng 10, tại khu vực bến cá thôn Đầm Môn, giữa hàng chục ghe tàu hối hả ra khơi, 2 chiếc ghe nhỏ của ông Trần Thiện Toàn (thôn Đầm Môn) cũng nhanh chóng rời bến hướng ra vịnh Vân Phong. Chúng tôi theo chiếc ghe có 2 lao động là anh Nguyễn Cao Thế và anh Mấu Hồng Luận hướng ra những lồng bè nuôi trồng thủy sản ở khu vực Lỗ Gũ để tìm hiểu về công việc thu gom rác thường ngày của các anh. “Công việc của chúng tôi bắt đầu từ 6 giờ hàng ngày, còn kết thúc lúc nào phụ thuộc vào khối lượng rác nhiều hay ít, tình hình thời tiết, sóng gió, nhưng sớm nhất cũng tầm 18 giờ. Vì đặc thù công việc nên chúng tôi nấu ăn uống trên ghe”, anh Thế cho biết.
Chiếc ghe cập vào một bè, lúc này chủ bè đã gom toàn bộ rác trên bè vào những chiếc bao tải. Anh Luận đứng trước mũi ghe, anh Thế nhảy xuống bè, lần lượt chuyền tay nhau 5 bao tải rác xếp lên ghe rồi nhanh chóng rời đi. Công việc cứ lặp đi lặp lại ở hàng trăm chiếc bè trên vịnh Vân Phong; ghe càng lúc càng nặng, còn quần áo, mũ, khẩu trang của các anh cũng đã ướt đẫm mồ hôi. Theo anh Luận, công việc thu gom rác trên biển rất cực nhọc, song vất vả nhất là những hôm trời mưa gió bởi việc điều khiển một chiếc ghe nhỏ chất cao rác từ ngoài vịnh vào bờ trong điều kiện sóng gió lớn là cả một vấn đề không đơn giản, thậm chí có phần nguy hiểm. “Thời gian đầu, khi lượng rác, nhất là bao tải, túi ni lông trôi nhiều trên biển, ngày nào chúng tôi cũng phải lặn để gỡ rác vướng vào chân vịt nên rất vất vả, đặc biệt là những hôm lượng rác nhiều và thời tiết xấu, chúng tôi toàn phải quay vào bờ vào ban đêm”, anh Luận chia sẻ.
Biết công việc rất vất vả nên để đảm bảo cho nhân công có thời gian nghỉ ngơi và không để rác tồn đọng, ông Toàn đã bố trí thêm 1 chiếc ghe cùng 2 nhân công. Nhờ vậy, thời gian qua, việc thu gom rác trên các bè luôn đảm bảo đội hình 2 chiếc ghe cùng 4 nhân công, chưa hề bị gián đoạn dù chỉ một ngày.
Đổi thay rõ nét
Thời gian trước đây, người dân các thôn Vĩnh Yên, Đầm Môn thường có thói quen vứt rác bừa bãi, khiến bờ biển dọc các khu dân cư ngày càng ô nhiễm. Trong khi đó, rác thải từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phần lớn được thải ngay xuống biển làm cho môi trường nguồn nước trong khu vực ngày càng ô nhiễm và người chịu ảnh hưởng nhiều nhất không ai khác chính là các chủ lồng bè.
Là người dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản tại địa phương, ông Toàn thấy cần phải làm một việc gì đó để góp phần cải thiện vệ sinh môi trường nơi đây. “Sau cơn bão số 12 năm 2017, thấy bờ biển dọc khu dân cư tràn ngập rác, tôi đã đề xuất UBND xã Vạn Thạnh và Đồn Biên phòng Đầm Môn cho phép và hỗ trợ hình thành mô hình thu gom rác thải sinh hoạt. Được sự cho phép của chính quyền địa phương tôi bắt đầu triển khai từ đầu năm 2018 với phạm vi ban đầu là thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn 2 thôn đất liền Vĩnh Yên, Đầm Môn”, ông Toàn nhớ lại ngày đầu bắt tay vào công việc này.
Trung tá Phạm Tuấn Hùng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đầm Môn cho biết, nhận thấy mô hình này có ý nghĩa rất lớn, góp phần quan trọng giải quyết bài toán khó về vệ sinh môi trường tồn tại suốt nhiều năm trên địa bàn, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đầm Môn đã quyết tâm hỗ trợ để ông Toàn triển khai mô hình. Đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng và ký cam kết thu gom rác sinh hoạt của gia đình để đúng nơi quy định cho các nhân công đến thu gom, chở vào bãi rác tập trung của huyện. Ông Võ Thành Công (thôn Đầm Môn) chia sẻ: “Từ khi mô hình này đi vào hoạt động, người dân nơi đây đã không còn thói quen vứt rác bừa bãi, các con đường, hẻm nhỏ trong khu vực và bờ biển dọc khu dân cư luôn sạch sẽ”. Ông Trần Ngọc Thương, chủ bè nuôi trồng thủy sản trong khu vực cũng cho biết: “Trước đây, tình trạng vứt rác vô tội vạ xuống biển khiến tôi luôn lo sợ tôm, cá nuôi bị dịch bệnh. Từ khi có mô hình thu gom rác của ông Toàn, các chủ bè đều vui mừng và yên tâm vì toàn bộ rác thải từ hoạt động nuôi trồng của chúng tôi đều được thu gom chở vào bờ xử lý”.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: “Việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề khó khăn của địa phương trong những năm gần đây. Nhưng từ khi ông Toàn tổ chức thu gom rác thải đã góp phần giải quyết vấn đề này. Ngoài việc thu gom rác thải sinh hoạt của 600 hộ trên bờ tại thôn Đầm Môn và Vĩnh Yên thì việc thu gom rác trên biển đã góp phần làm sạch môi trường biển và đạt được kết quả tốt”.
Giữ cho biển sạch
Mô hình thu gom rác trên bờ của ông Toàn đã triển khai được 3 năm và nhận được sự hợp tác rất tốt của người dân thôn Vĩnh Yên, Đầm Môn. Mô hình thu gom rác trên biển đã triển khai được 6 tháng. Thời gian đầu triển khai gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người nuôi trồng thủy sản chưa cao, vẫn còn thói quen xả rác trên biển. Nhưng với sự vào cuộc của chính quyền và sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Đầm Môn bằng việc cử cán bộ, chiến sĩ dành nhiều thời gian cùng chính quyền đến từng bè vận động, tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ môi trường biển, truyền đạt chủ trương của chính quyền địa phương triển khai mô hình thu gom rác trên biển. Đến nay, hơn 90% các chủ lồng bè đã hợp tác, bỏ rác đúng nơi quy định để việc thu gom rác được thuận lợi hơn; điều phấn khởi nhất là nhận thức người dân về bảo vệ môi trường được nâng cao.
Ông Lê Hồng Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, khi UBND xã Vạn Thạnh và Đồn Biên phòng Đầm Môn đề xuất triển khai mô hình xã hội hóa thu gom rác thải trên bờ và trên biển của ông Trần Thiện Toàn thì UBND huyện rất ủng hộ. Qua nắm bắt tình hình, nhận thấy mô hình thu gom rác đạt kết quả khả quan; giúp cải thiện môi trường sống của nhân dân trên bờ, làm sạch biển tạo thuận lợi cho phương tiện thủy di chuyển trên biển, giữ môi trường nuôi thủy sản tốt hơn, góp phần giảm nguy cơ dịch bệnh trên thủy sản nuôi. UBND huyện đã đề nghị xã Vạn Thạnh cùng đơn vị thu gom rác thải sớm xây dựng phương án hoạt động mô hình trên để có hướng hỗ trợ nhằm duy trì bền vững mô hình này.
Ông Trần Thiện Toàn: Hiện mô hình có 10 nhân công thu gom rác, trong đó có 6 người thu gom trên biển và 4 người thu gom trên bờ, với mức tiền công 5 triệu đồng (làm trên bờ) và 7 triệu đồng (làm trên biển)/người/tháng. Ngoài ra, để động viên anh em gắn bó lâu dài với công việc, tôi còn hỗ trợ chi phí ăn ở và đóng bảo hiểm xã hội cho tất cả nhân công. Hiện tại toàn bộ phí thu hàng tháng của các hộ trên bờ tôi đều nộp về xã và được huyện hỗ trợ 19,5 triệu đồng/tháng; còn thu gom rác trên lồng bè, tôi không đưa ra mức giá cụ thể mà tùy vào sự tự nguyện của các chủ lồng bè, bình quân từ 50 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/bè/tháng tùy quy mô bè lớn hay nhỏ. Chi phí vận hành mô hình này rất lớn, nên nếu làm chỉ vì mục đích kinh tế thì sẽ không có lãi. |
THẾ ANH - THANH HẢI