Một kỳ World Cup "đau não" vì công nghệ hỗ trợ trọng tài!

Thứ sáu - 02/12/2022 04:06
Những tưởng công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) và  VAR và  sẽ giúp cho ngày hội bóng đá thế giới trên đất Qatar sẽ công bằng hơn, chính xác hơn, ít tranh cãi hơn… Thế nhưng, cho đến lúc này  công tác trọng tài với sự giúp sức của VAR và SAOT đang để lại nhiều tranh cãi. Rất nhiều danh thủ bóng đá thế giới đã chỉ trích sự "máy móc", sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Những tưởng công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) và VAR và  sẽ giúp cho ngày hội bóng đá thế giới trên đất Qatar sẽ công bằng hơn, chính xác hơn, ít tranh cãi hơn… Thế nhưng, cho đến lúc này  công tác trọng tài với sự giúp sức của VAR và SAOT đang để lại nhiều tranh cãi. Rất nhiều danh thủ bóng đá thế giới đã chỉ trích sự “máy móc”, sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ.

Pha bóng gây tranh cãi ở bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 của đội tuyển Nhật Bản trong trận đấu với Tây Ban Nha
Pha bóng gây tranh cãi ở bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 của đội tuyển Nhật Bản trong trận đấu với Tây Ban Nha

Tình huống đáng chú ý đầu tiên trong trận đấu mở màn của World Cup 2022 giữa chủ nhà Qatar- Ecuador không phải là một bàn thắng! Ngược lại, đó là tình huống trọng tài tước bàn thắng của các cầu thủ Ecuador sau khi tham khảo SAOT. Vị vua áo đen một cầu thủ Ecuador đã việt vị trước khi Enest Valencia khi ghi bàn vào lưới đội chủ nhà Qatar. Rất may mắn cho FIFA khi trong trận khai mạc Ecuador đã chiến thắng với tỷ số 2-0 nên sự phản ứng của người hâm mộ đội bóng Nam Mỹ không quá mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây dường như là dấu hiệu của một kỳ World Cup đầy “sóng gió” vì sự can thiệp của công nghệ.  

Tiếp đó, đến trận đấu giữa Argentina với Saudi Arabia, trọng tài đã 3 lần từ chối bàn thắng của những vũ công xứ Tango vì lỗi việt vị; trong đó tình huống Lautaro Martinez bị bắt lỗi việt vị khi cả hai chân của tiền đạo Argentina vẫn đứng trên hậu vệ Saudi Arabia đã để lại rất nhiều tranh cãi. Ở tình huống này, công nghệ SAOT xác định phần tay áo của tiền đạo đội tuyển Argentina nhô cao hơn so với cầu thủ đối phương nên đã “việt vị”. "Ngay cả khi công nghệ 3D chiếu lại tình huống đó và lý giải việc Martinez việt vị, tôi cũng thấy pha bóng đó không rõ ràng. Điều tôi muốn nói là công nghệ đã cho rằng cầu thủ việt vị vì phần cơ thể nào? Vì ống tay áo chăng", nhà báo Rory Smith (New York Times) bình luận.

Công nghệ bắt việt vị bán tự động xác định Lautaro Martinez bị việt vị phần vai
Công nghệ bắt việt vị bán tự động xác định Lautaro Martinez bị việt vị phần vai

Đêm 28-11, trong trận đấu giữa Thụy Sĩ và Brazil, công nghệ hỗ trợ trọng tài một lần nữa “phá tan” bữa tiệc của người hâm mộ. Phút thứ 64, nhờ nỗ lực của Richarlison, Rodrygo có bóng. Anh chuyền cho Casemiro, để mở bóng sang trái, tới chân Vinicius. Bất chấp nỗ lực xoạc bóng của Elvedi, Vinicius thoát sâu xuống, đánh bại thủ môn Sommer. Ghi bàn cho Brazil. Trong khi Vinicius và đồng đội đang phấn khích ăn mừng, VAR và SAOT lừng lững chen vào, chặn đứng niềm vui. Sau khi tham khảo tổ trọng tài VAR, trọng tài đã từ chối công nhận bàn thắng cho các vũ công samba vì Richarlison đã ở vị trí việt vị trước khi lao về nhận bóng.

Cho đến lúc này, khi World Cup 2022 chưa đi hết vòng bảng. Công nghệ VAR và SAOT đã để lại hơn 10 tình huống gây tranh cãi. Đỉnh điểm của sự “hài hước” của việc trọng tài quá phụ thuộc vào công nghệ  đó là ở tình huống trong trận đấu giữa Pháp và Tunisia ở lượt cuối vòng bảng. Tiền đạo Antoine Griezmann ghi bàn gỡ hòa cho đội tuyển Pháp ở phút bù giờ, trọng tài Matthew Conger đã nổi 3 hồi còi kết thúc trận. Nhưng sau đó trọng tài người Newzealand với sự gợi ý của tổ trọng tài VAR đã xem lại tình huống làm chậm…và ông đã hủy bàn thắng của đội Pháp vì lỗi việt vị. Việc trọng tài hủy bàn thắng của Antoine Griezmann không làm ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng của các đội ở bảng đấu này nhưng đã để lại một tình huống hy hữu trong lịch sử World Cup. Bởi khi trở lại sân, ông Conger còn yêu cầu hai đội thi đấu thêm khoảng 2 phút rồi thổi còi mãn cuộc lần thứ hai khi đồng hồ chỉ sang phút 90+12.

Sự can thiệp của công nghệ VAR và SAOT làm ảnh hưởng lớn nhất đến quyền lợi của các đội bóng chính là các trận đấu ở bảng E. Ttrong trận đấu giữa Đức và Tây Ban Nha ở lượt trận thứ 2, trọng tài  đã từ chối cho đội tuyển Đức hưởng Penalty khi bóng chạm tay Sergio Busquets ở phút 80. Cầu thủ Đức phản ứng mạnh với trọng tài nhưng ông Makkelie và tổ VAR đều im lặng. Và ở lượt trận cuối cùng vào rạng sáng 2-12 (giờ Việt Nam), VAR lại gây tranh cãi khi đội tuyển Nhật Bản đã chiến thắng Tây Ban Nha với tỷ số 2-1 với một bàn thắng khá “ma mị”. Phút 51, từ đường chuyền của Ritsu Doan, bóng trôi về phía cột xa khung thành “bò tót” Tây Ban Nha. Tiền vệ Kaoru Mitoma rướn người kịp chạm chân vào trái bóng khi bóng dường như đã lăn qua hết đường biên ngang. Bóng đi cắt mặt khung thành Tây Ban Nha, Ao Tanaka ập vào, dùng đấu gối ghi bàn cho đội tuyển Nhật. Các cầu thủ Tây Ban Nha phản đối dữ dội, khiến trọng tài chính người Nam Phi Victor Gomes vì thế tham khảo VAR. Video làm chậm tình huống cũng cho thấy bóng dường như đã lăn hết đường biên ngang…

Một góc chụp cho thấy bóng đã ra ngoài sân trước khi Mitoma chuyền bóng để đồng đội ghi bàn vào lưới Tây Ban Nha
Một góc chụp cho thấy bóng đã ra ngoài sân trước khi Mitoma chuyền bóng để đồng đội ghi bàn vào lưới Tây Ban Nha.

Nhưng sau khoảng 3 phút hội ý với tổ trọng tài VAR, ông Victor Gomes quyết định công nhận đây là bàn thắng hợp lệ. Bàn thắng này cũng ấn định chiến thắng 2-1 của Nhật Bản trước Tây Ban Nha, giúp đội bóng châu Á giành ngôi nhất bảng E. Đáng nói hơn, trận thắng của Nhật Bản gián tiếp khiến đội tuyển Đức phải về nước sau vòng bảng khi họ cùng được 4 điềm như Tây Ban Nha  nhưng thua về chỉ số phụ. Quá may mắn cho Nhật Bản và đầy cay đắng cho Đức. “Hẳn là 80 triệu người Đức phát điên, chờ xem bức ảnh nào cho thấy trái bóng chưa ra khỏi vạch vôi", cựu danh thủ Liverpool Graeme Souness bình luận. Sau trận đấu, báo chí thế giới đã đào xới tất cả các video, hình ảnh để phân tích sự đúng/sai của trọng tài ở tình huống dẫn đến bàn thắng của đội Nhật Bản. Trong bốn bức ảnh mà FIFA cung cấp, chỉ có một cho thấy trái bóng chưa hoàn toàn đi quá vạch vôi, cả ba ảnh còn lại đều cho thấy nó nằm hoàn toàn ở ngoài sân!

Góc máy từ trên cao cho thấy dường như bóng vẫn còn chạm vạch khi Mitoma tạt bóng
Góc máy từ trên cao cho thấy dường như bóng vẫn còn chạm vạch khi Mitoma tạt bóng

Tranh cãi về các quyết định của trọng tài vẫn luôn là một phần của bóng đá. Những tưởng công nghệ hỗ trợ  sẽ đem lại sự “chính xác” hơn… Tuy nhiên, ho đến lúc này, sự xuất hiện của VAR và SAOT không làm giảm bớt đi sự tranh cãi, trái lại nó đang giết chết dần cảm xúc của người hâm mộ. World Cup mới chỉ đi hết vòng bảng, hy vọng ở những trận đấu tiếp theo VAR và SAOT sẽ không có thêm những tình huống “can thiệp” gây tranh cãi như các loạt trận vừa qua.

THÀNH NGUYỄN

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp