Châu Âu đa dạng hóa nguồn cung khí đốt

Thứ năm - 03/03/2022 04:04
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine gây ra mối quan ngại gián đoạn nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) lo tìm những nguồn cung thay thế, song đây không phải là vấn đề
Châu Âu đa dạng hóa nguồn cung khí đốt
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine gây ra mối quan ngại gián đoạn nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) lo tìm những nguồn cung thay thế, song đây không phải là vấn đề “một sớm một chiều”.
 
Trong khi Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của châu Âu thì Ukraine là một phần quan trọng của tuyến vận chuyển nhiên liệu đó từ Nga đến EU. Căng thẳng giữa hai mắt xích Nga và Ukraine là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh năng lượng của châu Âu. Mặc dù Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết, hoạt động xuất khẩu khí đốt của công ty này sang châu Âu thông qua lãnh thổ Ukraine không bị ảnh hưởng, song hoạt động vận chuyển khí đốt thông qua điểm trung chuyển trên tuyến đường khác để xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng mạnh.
 

 

Lắp đặt đường ống dẫn khí đốt ở Đức. (Ảnh ENERGY INDUSTRY REVIEW)
Lắp đặt đường ống dẫn khí đốt ở Đức. (Ảnh ENERGY INDUSTRY REVIEW)
 
Dữ liệu từ nhà điều hành mạng Gascade của Đức cho thấy, dòng khí đốt từ Đức sang Ba Lan qua đường ống Yamal-Europe của Nga đã tăng gấp 4 lần. Yamal-Europe là đường ống thường vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu theo hướng tây. Đường ống nối giữa Ba Lan và Đức chiếm khoảng 15% lượng khí đốt xuất khẩu hằng năm của Nga sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Dữ liệu từ điểm đo lường Mallnow ở biên giới Đức-Ba Lan cho thấy, lượng khí đốt vận chuyển trong ngày 25/2 ở mức 2,92 triệu kilowatt (kWh)/h, tăng từ mức 700.000 kWh/h trong vài giờ.
 
Trước tình hình căng thẳng ở Đông Âu, Italia tìm cách giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong bối cảnh 45% lượng khí đốt của Italia được nhập khẩu từ Nga. Italia lên kế hoạch tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, đồng thời tìm biện pháp gia tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan, Algeria, Tunisia và Libya. Thủ tướng Italia cho rằng, các cơ sở dự trữ khí đốt cần được cải thiện và EU cần xây dựng cơ chế dự trữ khí đốt chung. Ông cũng cảnh báo khả năng có thể phải mở lại các nhà máy nhiệt điện than nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngắn hạn và tạm thời duy trì để tiến hành các bước tiếp theo loại bỏ tác động của giá năng lượng tăng cao đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình.
 
Để giúp các nước EU giải tỏa cơn khát khí đốt, Nhật Bản cũng quyết định chuyển hướng một số tàu hàng chở LNG tới châu Âu theo đề nghị của Mỹ và EU, theo đó các chuyến hàng bổ sung sẽ đến châu Âu trong tháng 3. Việc chuyển hướng các tàu chở LNG sẽ được thực hiện sau khi Nhật Bản chắc chắn nhu cầu nội địa được đáp ứng đủ và sản lượng điện trong nước ổn định. Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu LNG lớn trên thế giới. Một số tàu chở LNG của các công ty Nhật Bản đã được lên lịch trình từ trước, đến châu Âu trong tháng 2. Sau đó, trong tháng 3, thêm nhiều tàu chở LNG, trong đó có những tàu được chuyển hướng đến châu Âu theo yêu cầu của Chính phủ Nhật Bản, sẽ đến châu lục này.
 
Theo các nguồn tin từ Bộ Công nghiệp Nhật Bản, ước tính tổng lượng LNG được vận chuyển tới châu Âu trong tháng 3 có thể lên đến hàng trăm nghìn tấn. Chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu các công ty cung cấp LNG của nước này nếu không có hợp đồng dài hạn với điều khoản ràng buộc về đích đến cụ thể thì phải chuyển hướng nhiều tàu chở LNG đến châu Âu nhất có thể.
 
Tình hình địa chính trị bắt buộc châu Âu phải tính toán những khả năng khác để bảo đảm nhập khẩu đủ khí đốt, đa dạng hóa nguồn cung. Nếu nguồn cung bị cắt đột ngột, hậu quả sẽ rất lớn, nhất là với những nước như Áo, Slovakia và một số khu vực của Italia. Đức cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga và sẽ phải đóng cửa hết các nhà máy điện hạt nhân.
 
Châu Âu có thể nhập khẩu thêm khí đốt từ Algeria, Na Uy, Azerbaijan, còn Hà Lan thì có thể khai thác thêm từ mỏ Groningue, hiện đang tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, Nga cung cấp 46,8% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, trong khi Mỹ chỉ có 11,6%, Algeria 6,3%, Na Uy 4,3% và các nước còn lại là 10,5%. Về lý thuyết, EU cũng có thể cắt giảm tiêu thụ khí đốt hoặc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, nhà máy điện than để sản xuất điện. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình thế và trong ngắn hạn, về lâu dài, bài toán khí đốt đối với EU vẫn vô cùng nan giải.
 
Theo TTXVN
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp