Dự án cao tốc Bắc - Nam: Chỉ định thầu thế nào để minh bạch, hiệu quả?

Thứ năm - 03/03/2022 22:08
Quyết định đầu tư cao tốc Bắc - Nam bằng nguồn ngân sách, Chính phủ và Bộ GTVT phải "chọn mặt gửi vàng" để tìm nhà thầu có năng lực thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Dự án cao tốc Bắc - Nam: Chỉ định thầu thế nào để minh bạch, hiệu quả?
chi dinh thau cao toc Bac - Nam anh 1

Quốc hội khóa XV trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã quyết định trao cho Chính phủ nhiều cơ chế đặc thù để phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có việc chỉ định thầu xây lắp với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.

"Theo luật, các dự án đầu tư công thường phải đấu thầu để đảm bảo lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, với những dự án có tính chất cực kỳ quan trọng, cấp bách, Quốc hội có thể quyết định cho chỉ định thầu", TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển lý giải, Ông cũng ủng hộ quyết định cho phép chỉ định thầu của Quốc hội với dự án cao tốc Bắc - Nam.

Bước ngoặt chỉ định thầu

Ngày 11/1, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Trong phần cơ chế đặc thù, Quốc hội cho phép Chính phủ chỉ định thầu tư vấn, xây lắp với dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia.

Chính phủ trên cơ sở đó đã ban hành giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với bộ, ngành xây dựng quy chế chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, quyết định các trường hợp chỉ định thầu thuộc thẩm quyền.

Phương án chỉ định thầu được kỳ vọng giúp đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, hướng tới khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam vào cuối năm 2022. Đồ họa: Hà Đăng - Ngọc Tân.

Theo chuyên gia Nguyễn Thanh Bình, các quốc gia đều ưa chuộng phương án đấu thầu trong xây dựng hạ tầng vì cách làm này mang tính thị trường, giúp tiếp cận được nhiều nhà thầu hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội và Chính phủ đã quyết định lựa chọn giải pháp chỉ định thầu để tiết kiệm thời gian.

"Đấu thầu hiệu quả hơn chỉ định thầu về nhiều phương diện, nhưng không phải dự án nào đấu thầu cũng là phương án là tối ưu", TS Bình chia sẻ. Luật Đấu thầu vì thế cũng quy định phương án chỉ định thầu chủ yếu áp dụng trong các tình huống cấp bách hoặc xử lý sự cố bất khả kháng.

PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nhận định đấu thầu hay chỉ định thầu đều giống nhau ở khâu chuẩn bị “bài thầu” của chủ đầu tư. Điểm khác biệt là phương án chỉ định thầu giúp tiết kiệm thời gian bởi không phải tuân thủ theo trình tự phức tạp của Luật Đấu thầu.

Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, minh bạch mà không cần qua bước đấu thầu, ông Chủng cho rằng vai trò của cơ quan thẩm định nhà thầu và bản thân người nắm quyền chỉ định thầu rất quan trọng.

Trách nhiệm nặng nề của người chỉ định

Nghị quyết 18 của Chính phủ về đầu tư cao tốc Bắc - Nam nêu rõ Thủ tướng là người quyết định chỉ định thầu với các gói thầu xây lắp, kèm theo điều kiện nhà thầu được chỉ định phải đưa ra mức giá thấp hơn tối thiểu 5% so với dự toán gói thầu.

"Đây là cơ chế mới, cho thấy một ý chí, tinh thần chịu trách nhiệm rất lớn của Thủ tướng. Nhưng không có nghĩa là dồn hết trách nhiệm cho người đứng đầu Chính phủ mà cần một cơ quan thẩm định, trình danh sách lên để Thủ tướng lựa chọn", PGS Trần Chủng nêu ý kiến.

Theo PGS Trần Chủng, để lên danh sách và chỉ định nhà thầu phải có một nhóm chuyên gia kỹ thuật, thậm chí phải thành lập hội đồng. Hội đồng này có chức năng thẩm định từ chuyên môn, kinh nghiệm đến năng lực tài chính, trang thiết bị, con người của nhà thầu. Trong hội đồng cần có người chịu trách nhiệm chính, không thể nói “trách nhiệm tập thể”.

"Chính phủ cũng cần ban hành một quy trình chỉ định thầu khoa học, công khai, minh bạch để xã hội có thể giám sát, tránh để tai tiếng về vấn đề lợi ích nhóm hay cơ chế xin - cho", PGS Trần Chủng lưu ý cần tránh tư tưởng quy hoạch cho ông A, ông B vào gói này, gói kia.

Đối với việc lựa chọn nhà thầu, ông Trần Chủng cho rằng bên cạnh tiêu chí “giá rẻ”, tiến độ và chất lượng hai vấn đề rất quan trọng.

"Khi triển khai phương thức đấu thầu xây dựng, có một thời kỳ rất dài chúng ta chỉ quan tâm đến tiêu chí giá cả để phân định người thắng kẻ thua. Cách làm này cũng tạo ra sự cạnh tranh và hiệu quả tiết kiệm nhất định. Nhưng từ lâu tôi đã nói 'ở đâu có ép giá, ở đó dứt khoát không có chất lượng đồng hành'”, ông Chủng phân tích.

Cơ hội và thách thức của nhà thầu

147.000 tỷ đồng là tổng số tiền ngân sách được bố trí để đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Việc giải ngân khối lượng tiền khổng lồ này trong vài năm tới cũng đồng nghĩa với cơ hội làm ăn lớn chưa từng có dành cho các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng trên cả nước.

Thay vì phải chuẩn bị hồ sơ dự thầu để tham gia cơ chế đấu thầu, các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách lọt vào "tầm ngắm" chỉ định thầu của chủ đầu tư. "Đây là cuộc đua mang tính cạnh tranh với người thắng - kẻ thua", TS Nguyễn Thanh Bình nhận định.

chi dinh thau cao toc Bac - Nam anh 2

Chuyên gia đánh giá mỗi nhà thầu sẽ có lợi thế ở từng vùng miền và lĩnh vực cụ thể. Ảnh: Phạm Ngôn.

Với việc 12 dự án cao tốc trải dài trên nhiều điều kiện địa lý, ông Bình cho rằng sẽ có những gói thầu thi công thuận lợi, lãi tốt, hấp dẫn nhà thầu và có những gói thầu khó khăn hơn, ít lãi hơn.

Bên cạnh yếu tố khó - dễ của gói thầu, các nhà thầu còn dựa vào lợi thế cạnh tranh của mình để lựa chọn. Đơn cử, nhà thầu chuyên về thi công cầu hầm sẽ chọn những dự án có mật độ cầu hầm lớn. Nhà thầu có trụ sở ở địa phương mà dự án đi qua sẽ sử dụng triệt để nhân công địa phương và dễ dàng kết nối với chủ các mỏ vật liệu.

"Ví dụ một nhà thầu trụ sở ở Nghệ An thì đất đai, máy móc và nhân công của họ đều ở đó, tiết kiệm chi phí rất nhiều. Trong khi cũng nhà thầu đó vào trong miền Nam để thi công sẽ phải chuẩn bị từ cái bàn chải đánh răng trở đi, chi phí phát sinh rất lớn", ông Bình dẫn chứng.

Những lợi thế của nhà thầu sẽ đóng một vai trò rất quan trọng. Nhưng nhà thầu cũng phải đáp ứng đủ điều kiện theo tiêu chí của chủ đầu tư. Ở bước xét duyệt chỉ định thầu, doanh nghiệp phải thuyết minh được phương án thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và tiết kiệm chi phí.

Trong cuộc đua này, các nhà thầu sẽ xem xét yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật và nguồn kinh phí bố trí cho gói thầu mà Chính phủ đưa ra để nhận định xem mình có khả năng tham gia hay không.

"Nhà thầu đều là doanh nghiệp tư nhân hoặc cổ phần hóa, hoạt động trên nguyên tắc lời ăn lỗ chịu nên họ phải tính toán rất kỹ. Vì thế, cuộc đua trở thành nhà thầu cao tốc Bắc - Nam sẽ không phải là cuộc đua bằng mọi giá", TS Nguyễn Thanh Bình nhận định.

Đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 có chiều dài 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án có thể vận hành khai thác độc lập.

Tổng mức đầu tư của dự án gần 147.000 tỷ đồng và được triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

Cơ chế đột phá khi triển khai cao tốc Bắc - Nam

Đặt thời hạn khởi công dự án, quy trách nhiệm lãnh đạo địa phương, Thủ tướng trực tiếp nắm danh sách chỉ định thầu… là những cơ chế mở đường cho việc đẩy nhanh tiến độ.

Cuộc đua giành suất chỉ định thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam

Các nhà thầu xây lắp tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội nhận gói thầu nghìn tỷ khi Chính phủ quyết định triển khai 12 dự án cao tốc Bắc - Nam bằng vốn đầu tư công.

Hình dáng 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025

Từ nay đến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu nối liền mạch cao tốc Bắc - Nam qua những địa phương chưa được đầu tư như Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau...

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp