Thực hiện Dự án “Truyền thông và giảm nghèo thông tin” trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, huyện Khánh Sơn đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhằm giúp người dân được tiếp cận nguồn thông tin hữu ích phục vụ đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Xã Sơn Hiệp là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện. Trước đây, xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo rất cao. Với nhiều nỗ lực giảm nghèo, đến thời điểm này, xã Sơn Hiệp chỉ còn 46 hộ nghèo, chiếm 7,1% tổng số hộ trong xã; 31 hộ cận nghèo, chiếm 4,78%. Ngoài giảm nhanh về số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện nay, xã Sơn Hiệp cũng đã đáp ứng được 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Kết quả này có được một phần từ việc người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp cận được thông tin, các chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo; thay đổi nhận thức để nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Ông Tro Ngọc Minh - cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã Sơn Hiệp cho biết: “Để đưa thông tin đến với người dân, chúng tôi có lịch phát mỗi ngày 2 buổi. Bên cạnh thời lượng tiếp sóng đài trung ương, đài tỉnh, đài huyện, chúng tôi còn xây dựng nội dung để tuyên truyền, đưa thông tin đến gần với người dân phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như: Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, nhất là phát triển kinh tế hộ, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức nỗ lực vươn lên của người dân. Ngoài ra, chúng tôi còn tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… Mới đây, chúng tôi còn được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tập huấn nâng cao năng lực để thực hiện hiệu quả hơn công tác giảm nghèo thông tin ở cơ sở”.
Ông Tro Ngọc Minh tuyên truyền chính sách hỗ trợ về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số qua Đài Truyền thanh xã Sơn Hiệp. |
Tương tự, thời gian qua, xã Thành Sơn đã nỗ lực để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo về thông tin. Những nội dung đặc biệt được chú trọng tuyên truyền như: Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững; phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, mô hình phát triển kinh tế gia đình, gương điển hình thoát nghèo… Nhờ vậy, người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo dần thay đổi và nâng cao nhận thức, chủ động vươn lên; đồng thời được tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo. "Trước kia, tôi chưa nắm bắt được nhiều thông tin nên sản xuất, chuyển đổi cây trồng theo kiểu tùy ý, không tìm hiểu về kỹ thuật, dẫn đến năng suất, chất lượng thấp. Sau đó, tôi áp dụng những kiến thức trồng cây ăn quả đã học hỏi được qua các lớp tập huấn, qua báo chí, đài truyền thanh xã... nên hiệu quả sản xuất cao hơn nhiều. Nhờ chịu khó tìm hiểu thông tin, nỗ lực làm ăn nên gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững” ông Cao Hồng Nhân (thôn Tà Giang 1, xã Thành Sơn) cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, triển khai thực hiện Dự án “Truyền thông và giảm nghèo thông tin”, địa phương đã tăng cường thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, cung cấp thông tin cho cơ sở, người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững thông qua các phương tiện thông tin đại chúng… Địa phương cũng đã tập huấn nâng cao năng lực cho 135 người thực hiện công tác thông tin và truyền thông ở các xã, thị trấn và thôn, tổ dân phố trong toàn huyện; phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh để sản xuất các tác phẩm báo chí, truyền thông cung cấp thông tin thiết yếu đến với người dân. Để ứng dụng chuyển đổi số trong việc đưa thông tin về với cơ sở, người dân, từ năm 2023, huyện đã lắp đặt wifi miễn phí tại 8 nhà sinh hoạt cộng đồng ở 8 xã, thị trấn trên địa bàn để người dân truy cập Internet; đầu tư gần 5 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi từ đài truyền thanh FM sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại tất cả 8 đài truyền thanh ở các xã, thị trấn trên địa bàn.
Theo kết quả rà soát của UBND huyện, đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của địa phương là 31,67%; với 1.620 hộ nghèo (20,17%), 908 hộ cận nghèo (11,3%); thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 36,12 triệu đồng/người/năm, tăng 1,53 lần so với cuối năm 2020. Đây là 2 tiêu chí quan trọng giúp huyện đáp ứng được tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo vào cuối năm 2024. Những kết quả đạt được của địa phương có phần đóng góp quan trọng của công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin khi kịp thời cung cấp thông tin qua nhiều hình thức đến với người nghèo, đến với địa bàn đặc biệt khó khăn; giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động nguồn lực của toàn xã hội cho công tác giảm nghèo và đã khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên của chính người nghèo.
HẢI LĂNG