Ngày 23-2-2022, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động số 30 thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra mục tiêu xây dựng TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân. Qua gần 3 năm nỗ lực thực hiện mục tiêu, TP. Nha Trang đã đạt được những kết quả nhất định.
Kết quả tích cực
Ông Trần Xuân Lãm - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nha Trang cho biết, để thực hiện thành công Nghị quyết số 09 và Chương trình hành động số 30, thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng các cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường... để thu hút nguồn lực đầu tư, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của thành phố để phát triển. Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09, diễn ra vào ngày 21-10, ông Trần Minh Chiến - Chủ tịch UBND thành phố cho biết, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09, thành phố đã đạt được những kết quả rất tích cực và khá toàn diện, từng bước phát triển Nha Trang thành đô thị hạt nhân. Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 30 với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy hoạch, đầu tư, xây dựng; cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách; xúc tiến đầu tư; xây dựng kế hoạch triển khai danh mục dự án đầu tư công trọng điểm. Thành phố tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu đô thị loại I; cải tạo, nâng cấp các khu đô thị hiện trạng, xây dựng các khu đô thị mới; hoàn thiện trình phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; triển khai các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Công tác quản lý đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng và trật tự mỹ quan đô thị chuyển biến tích cực. Thành phố cũng tăng cường chỉ đạo rà soát giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình và công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhất là đối với những dự án trọng điểm.
Các tòa chung cư nhà ở xã hội ở Khu đô thị mới Lê Hồng Phong I (TP. Nha Trang). |
Hiện nay, nhiều đề án thúc đẩy phát triển theo định hướng Nghị quyết số 09 đang được thành phố tập trung triển khai, như: Xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh tại TP. Nha Trang; Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh TP. Nha Trang 2024 - 2030; Tổ chức, phát triển giao thông đường bộ TP. Nha Trang đến năm 2030 và định hướng đến năm 2040. Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng và trật tự mỹ quan đô thị; Nghị quyết số 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Năm 2024, thành phố có 17 đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 68,66%. Thành phố đã phối hợp thông xe kỹ thuật Tỉnh lộ 3 đoạn từ xã Phước Đồng đến đường dẫn nối lên đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm, tại xã Suối Tân (huyện Cam Lâm); nút giao thông Ngọc Hội; hoàn thành một phần Dự án Đường vành đai 2; thiết lập các nền tảng mạng xã hội góp phần giới thiệu vùng đất, con người Nha Trang - Khánh Hòa; mở rộng hợp tác liên kết phát triển du lịch với các nước; nghiên cứu xây dựng trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch… Tỷ lệ đất giao thông, đất xây dựng đô thị đạt 24,6%; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đạt 100%...
Tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu
Đồng chí Trần Xuân Lãm cho biết, thành phố phấn đấu, đến năm 2025, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 93,24%; hoàn thành rà soát, điều chỉnh, mở rộng quy hoạch phân khu theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 đã được phê duyệt; đạt 9 triệu lượt khách du lịch. Đồng thời, tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp đảm bảo quốc phòng - an ninh trên biển; tăng cường phối hợp, hợp tác, tập trung tối đa các nguồn lực đầu tư để phát triển bền vững các ngành kinh tế biển đến năm 2030 theo thứ tự ưu tiên: Dịch vụ du lịch biển chất lượng cao; công nghiệp công nghệ cao và các ngành kinh tế mới; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường; dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, cảng biển, vận tải biển; kinh tế biển, đảo. Giai đoạn 2026 - 2030, thành phố phấn đấu thu ngân sách hàng năm đạt và vượt dự toán UBND tỉnh giao; tổng vốn đầu tư đạt 3.760 tỷ đồng. Đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa đạt 95%.
Một góc Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) - một trong những công trình trọng điểm được TP. Nha Trang đầu tư, khánh thành tháng 7-2024. |
Để thực hiện thành công Nghị quyết số 09, thành phố cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi hoặc đề xuất các chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố phát triển lành mạnh, bền vững; công khai, minh bạch các chính sách về giá đất, chính sách thuế và các thông tin về quy hoạch, dự án. Đồng thời, kiến nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các dự án phát triển đô thị, xây dựng các công trình phúc lợi, nhà ở xã hội phục vụ người lao động có thu nhập thấp; nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, dịch vụ hậu cần nghề cá ven biển và hải đảo; xem xét bổ sung ngân sách hàng năm hỗ trợ thành phố đầu tư hạ tầng giao thông, thoát nước, công viên, cây xanh tập trung theo quy hoạch. Thành phố cũng đề nghị các sở, ngành liên quan có giải pháp nâng chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng; ngầm hóa đường dây, đường ống để tạo cảnh quan đô thị thông thoáng...
TIỂU MAI