Nói đến đình Phú Cang là nói đến một di sản cấp quốc gia. Đó là một địa chỉ đỏ, in đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của quê hương Khánh Hòa.
Gắn liền với những trang sử vẻ vang
Nằm ở thôn Phú Cang, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, đình Phú Cang được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII trên diện tích gần 1.700m2 để thờ Thành Hoàng làng, phối thờ Thiên Y Thánh Mẫu cùng những người có công khai hoang, lập ấp, tạo dựng xóm làng… Đây là công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng theo kết cấu truyền thống của đình làng Việt Nam với bộ khung có 4 cột gỗ lớn vững chắc ở giữa để đỡ lấy hệ mái có cổ lầu. Cùng với mái ngói âm dương và các cửa được chế tác theo kiểu “thượng song hạ bản”, đình còn bố trí nhiều linh vật với những hình dáng rất đặc sắc, đậm nét văn hóa phương Đông. Đặc biệt, bên cạnh phần chính, đình còn có các phần phụ khá bề thế như: Nghi môn, Án phong, nhà Đông, nhà Tây…
Không chỉ là công trình kiến trúc cổ xưa, xây dựng từ mấy trăm năm trước được bảo tồn cho tới ngày nay, đình Phú Cang còn là nơi gắn liền với những trang sử vẻ vang của vùng đất Khánh Hòa. Vào năm 1885, khi phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa diễn ra do các ông Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh cùng một số văn thân yêu nước lãnh đạo, nơi đây là một trong những địa điểm được nghĩa quân dùng để tập luyện chống Pháp. Do thực dân Pháp được trang bị vũ khí tối tân, còn nghĩa quân chủ yếu sử dụng vũ khí thô sơ nên đến năm 1886, lực lượng khởi nghĩa yếu dần và các lãnh tụ của nghĩa quân lần lượt bị địch bắt. Tại khu vực phía bắc tỉnh, vì không bắt được Trần Đường nên thực dân Pháp ra sức đàn áp nhân dân và người nhà của ông. Để tránh cảnh đau thương cho đồng bào và người nhà, ông đã ra hàng và bị thực dân Pháp giết chết, bêu đầu ở chợ. Sau khi ông qua đời, nhân dân đã đưa bài vị của ông về thờ tại đình Phú Cang với tấm lòng thành kính tri ân vị anh hùng của quê nhà.
Một địa chỉ đỏ
Cũng tại nơi đây, vào năm 1936, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của huyện Vạn Ninh đã ra đời để lãnh đạo phong trào cách mạng trong huyện. Đặc biệt, năm 1945, đình Phú Cang trở thành một trong những địa điểm quan trọng để tổ chức Việt Minh huyện tổ chức hội họp, học tập các chính sách của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, cũng như tổ chức cho thanh niên tập luyện, sắm sửa vũ khí cho các đội xung kích vũ trang, làm lực lượng nòng cốt chuẩn bị cho khởi nghĩa. Vào tối 13-8-1945, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa và Mặt trận Việt Minh tỉnh, ở Vạn Ninh, Mặt trận Việt Minh huyện đã tập hợp nhân dân tại đình Phú Cang cùng một số địa điểm khác của huyện, kéo về thị trấn Vạn Giã, tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền. Với sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân, lực lượng tự vệ của ta đã vây huyện đường, bắt giữ viên tri huyện là Nguyễn Trọng Thuần, tịch thu ấn tín, tài liệu đem thiêu hủy trước sân huyện đường. Cuộc khởi nghĩa thành công và sáng 14-8-1945, hàng ngàn đồng bào các nơi đã tập trung về huyện để tổ chức mít tinh. Đồng chí Hoàng Hữu Chấp đại diện Ủy ban Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai của Nhật và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời huyện.
Tiếp đó, trong kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, đình Phú Cang luôn là nơi tập luyện của lực lượng du kích và bộ đội, góp phần đánh địch ở các chiến trường. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đình Phú Cang tiếp tục là địa điểm gắn liền với phong trào cách mạng ở địa phương. Đây là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng và tiếp nhận thương binh từ các trận đánh trong Tết Mậu Thân (1968). Đặc biệt, vào những năm 1971-1972, đình Phú Cang đã trở thành nơi ẩn náu của nhiều cán bộ của tỉnh, huyện từ căn cứ địa cách mạng Đá Bàn, hoặc từ Vạn Ninh qua đèo Cổ Mã để sang Phú Yên và ngược lại…
Tồn tại đã 300 năm, với kiến trúc độc đáo và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử nên từ năm 1998, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng đình Phú Cang là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Đây không chỉ là địa chỉ khách du lịch cần biết khi tới Khánh Hòa, mà còn là nơi rất phù hợp cho việc tổ chức những chuyến về nguồn, hoạt động giáo dục truyền thống.
Phi Thanh