Ngô Đình Du và tập thơ "Về phía bình minh"

Thứ sáu - 15/04/2022 11:41
"Về phía bình minh" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2021) là một trong số các tác phẩm văn học vừa được UBND tỉnh trao Tặng thưởng Văn học nghệ thuật Khánh Hòa năm 2021. Mặc dù không còn trẻ nữa, nhưng với gần 90 bài thơ, nhà thơ Ngô Đình Du, tác giả cuốn sách đã mang lại cho người đọc nhiều tứ thơ đầy cảm xúc về quê hương, đất nước, về tình đời, tình người… trong cuộc sống. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Ngô Đình Du và tập thơ "Về phía bình minh"

“Về phía bình minh” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2021) là một trong số các tác phẩm văn học vừa được UBND tỉnh trao Tặng thưởng Văn học nghệ thuật Khánh Hòa năm 2021. Mặc dù không còn trẻ nữa, nhưng với gần 90 bài thơ, nhà thơ Ngô Đình Du, tác giả cuốn sách đã mang lại cho người đọc nhiều tứ thơ đầy cảm xúc về quê hương, đất nước, về tình đời, tình người… trong cuộc sống.

 


Là người lính, lên đường tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau đó tham gia Binh chủng Hải quân, nên quê nhà, người thân, bạn bè cùng quê hương với ruộng lúa, bờ tre, con sông, bến nước, những kỷ niệm của một thời trẻ trung… đã trở thành ký ức, nỗi nhớ đau đáu xuất hiện trong thơ Ngô Đình Du. Ở bài thơ “Miền nhung nhớ”, nói về nơi thuở nhỏ mình từng “tắm sông Bùng”, từng “ấm lòng câu ví”, từng chịu đựng bao gian khó với “nắng gió thiêu da qua tháng ngày oi bức/bão lụt triền miên phá nát quê nhà”, Ngô Đình Du đã mang đến cho người đọc những câu thơ tuy chân chất nhưng khó quên: “Ký ức ngậm ngùi…/Dấu tay vịn cầu ao/Mắt rớt lệ, từng giọt đẫm màu”. Hay như trong bài thơ “Tháng năm về” với mấy câu ngắn gọn, tác giả đã lột tả được hình ảnh quê nhà qua nỗi nhớ miên man: “Tháng năm về, nỗi nhớ đằm hơn/Như nước từ nguồn về lòng sông hẹp lối?/Như câu dân ca quê mình em hát vội”.


Trong tập thơ “Về phía bình minh”, Ngô Đình Du đã có nhiều câu thơ  với những nét chấm phá đơn sơ nhưng xúc động khi nói về mẹ cha, anh chị. Chẳng hạn như khi viết về mẹ, thơ ông có đoạn: “Xa ruộng vườn tới “phố phường bóng bẩy”/Bóng mẹ nhập nhòa trước ánh nháy đỏ xanh/Lận đận nuôi con giữa chốn thị thành/Từ nắm lá cái tăm cũng “tiền trao cháo múc”/Dẫu chưa thấu nghĩa ‘khơi trong gạn đục”/Nhưng có lòng trung thực mẹ cho”(Mẹ đừng buồn). Còn đây là hình ảnh đứa em gái thân thương ở làng quê miền Trung giữa bao lận đận của cuộc sống vẫn tràn đầy lạc quan: “Thương em tôi, gò má đỏ hây/Xua cái nóng mắt đong đầy hy vọng/Tình nhân ái chở niềm tin vượt sóng/Tắm mát đời trong xanh thẳm dòng Lam”(Thương lắm quê mình).


Từng đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ giải phóng đất nước, hiểu được giá trị thiêng liêng từ sự hy sinh của đồng đội, vì thế, mỗi người con nằm xuống trên đất mẹ với Ngô Đình Du là một bông hoa vĩnh cửu và trở thành khúc hát trong thơ: “Những đóa hoa giữa đại ngàn Trường Sơn/Là những người con thân thương của mẹ/Là các chị các anh đã hiến dâng tuổi trẻ/Vì độc lập tự do, vì hạnh phúc trường tồn” (Hoa của mẹ). Đặc biệt, ở giai đoạn sau này, là một sĩ quan Hải quân từng nhiều lần ra công tác ở các đảo thuộc huyện Trường Sa, tận mắt chứng kiến tinh thần anh dũng, vượt mọi gian khổ để bảo vệ vùng biển đảo Tổ quốc của những người lính, Ngô Đình Du đã có không ít tứ thơ viết về mảng đề tài này. Theo tác giả, đó chính là: “Những đóa hoa giữa biển trời quê ta/Là những người con của Trường Sa yêu quý/Vượt mọi hiểm nguy trọn niềm chung thủy/Với đảo là nhà, biển cả - quê hương (Hoa của mẹ). Bài thơ “Nỗi nhớ từ đảo xa” in trong tập thơ được xuất bản lần này của Ngô Đình Du đã tạo được xúc động với người đọc qua những hình ảnh như: “Có gì khác lúc anh ở Trường Sa/Với nỗi nhớ thương khi phải xa tổ ấm/Khi mẹ già ngóng con mùa biển động/Khi vợ tảo tần khuya sớm việc trĩu vai”. Và đây nữa, ước mơ giản đơn của người lính nơi đầu sóng ngọn gió ở đoạn cuối bài thơ với ngôn ngữ tưởng như bình thường nhưng đã gợi nên tầm vóc của sự cao cả: “Muốn gánh hộ em những thiếu thốn bộn bề/Muốn sẻ chia cùng mẹ già thao thức/Muốn được cùng con ê a… bài tập đọc/Thay tiếng sóng ầm ào… luôn vỗ nhịp thời gian”.


Ngô Đình Du là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa. “Về phía bình minh” là tập thơ thứ tư của ông sau các tập thơ: “Thời gian nghiêng bóng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2010); “Tình mãi hoang sơ” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2011); “Khát vọng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2017). Đề tài đa dạng, ngôn ngữ thơ dung dị, có nhiều tứ, nhiều bài giàu cảm xúc với nhiều thi ảnh tạo sự rung cảm… Điều này đã giúp cho tác phẩm được tặng giải C Tặng thưởng Văn học nghệ thuật Khánh Hòa năm 2021.


Hoàng Nhật Tuyên



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp