Gắn bó với điện ảnh hơn 40 năm, NSND Đào Bá Sơn từng có nhiều kỷ niệm làm nghề ở TP. Nha Trang. Với ông, Nha Trang - Khánh Hòa không chỉ là vùng đất có phim trường tự nhiên tuyệt đẹp mà còn xứng đáng có một liên hoan phim quốc tế để ghi dấu ấn với bạn bè trên thế giới.
Trở lại Nha Trang để dự giải thưởng Cánh diều 2021, người nghệ sĩ gạo cội ấy lại bồi hồi xúc động nhớ về những ngày ở Nha Trang năm 1979 để tham gia phim Tự thú trước bình minh. Vào vai James (sĩ quan Mỹ), đất diễn của Đào Bá Sơn không thật nhiều, nhưng chuyến làm phim ở Nha Trang ngày ấy để lại trong ký ức ông những kỷ niệm không bao giờ phai, mở đầu cho mối lương duyên phim ảnh với xứ Trầm Hương.
- Thưa NSND Đào Bá Sơn, thời điểm năm 1979, Nha Trang trong con mắt ông như thế nào?
- Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, được đặt chân đến xứ biển Nha Trang, tôi thích lắm! Ngày ấy, Nha Trang còn yên bình lắm; đường Trần Phú chỉ có vài khách sạn 3-4 tầng. Dọc công viên bờ biển chỉ có vài kios bán nước giải khát, chủ yếu là nước dừa và xá xị. Ở miền Bắc rất ít dừa nên khi vào Nha Trang, chúng tôi ai cũng thích được uống thứ nước mát lành ấy... Đoàn làm phim ở nhà khách của UBND tỉnh, cơm thì đặt họ nấu, lâu lâu anh em cũng kéo nhau đi uống cà phê. Hồi đó, cà phê hình như bán ở cửa hàng mậu dịch, tôi còn nhớ cà phê Nha Trang rất ngon.
Trong ký ức của tôi, người dân Nha Trang ngày đó rất dễ thương. Tôi còn nhớ, khi quay cảnh di tản, nhiều người Nha Trang đã đem bàn ghế, đồ đạc cho đoàn phim làm đạo cụ; cho mượn áo quần làm phục trang cho đúng kiểu ăn mặc miền Nam thời 1975. Nhờ đó, đoàn phim đã có những cảnh quay rất thành công…
- Hình như, mối lương duyên phim ảnh của ông với Khánh Hòa còn nhiều hơn thế?
- Sau phim Tự thú trước bình minh, tôi còn trở lại Nha Trang làm phó đạo diễn cho cố NSND Hồng Sến trong bộ phim thiếu nhi Nhiệm vụ hoa hồng sản xuất năm 1987. Năm 2000, tôi quay lại Khánh Hòa để làm phim Người đàn bà không hóa đá - một phim đề tài hậu chiến về số phận của một người phụ nữ với những cảnh chính quay tại Đại Lãnh, Ninh Hòa. Ở đây, tôi được sống trong tình cảm của những người dân miền biển hồn hậu. Họ đã giúp đỡ đoàn phim rất nhiều.
Một kỷ niệm không quên trong cuộc đời làm phim của tôi là tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 9 tổ chức ở Nha Trang, bộ phim Người đi tìm vàng - phim đầu tay do tôi đạo diễn đã được nhận 2 giải thưởng danh giá. Tôi đã được trao giải Đạo diễn xuất sắc, còn nghệ sĩ Bắc Sơn (vai Hai Bạc Liêu) được trao giải Bông sen vàng dành cho diễn viên nam xuất sắc nhất.
- Cách đây 30-40 năm, rất nhiều đoàn phim chọn Nha Trang - Khánh Hòa để quay phim. Tại sao bây giờ Nha Trang đẹp hơn nhiều lại vắng bóng các đoàn làm phim, thưa ông?
- Nha Trang - Khánh Hòa giống như đất nước Việt Nam thu nhỏ với đầy đủ biển, sông, núi rừng…, là một phim trường tự nhiên rất đẹp. Cách đây mấy chục năm, đi về phía tây Nha Trang 30-40km có những cánh rừng thật đẹp, thậm chí chúng tôi còn nói với nhau rằng có thể quay cảnh núi rừng Trường Sơn ở ngay tại Khánh Hòa. Bây giờ, Nha Trang ngày càng phát triển hơn, đẹp hơn nên rất phù hợp để trở thành bối cảnh của nhiều thể loại phim khác nhau.
Theo tôi, có lẽ các nhà làm phim không dám đến làm phim ở Nha Trang chứ không phải không muốn đến đây! Nha Trang bây giờ phát triển mạnh về du lịch, mọi thứ từ ăn, ở, đi lại đều rất đắt đỏ. Cứ hình dung một đoàn làm phim 40-50 người đến Nha Trang làm phim một tháng thì sẽ tiêu tốn bao nhiêu kinh phí. Khi cần quay cảnh biển, các nhà sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ cân nhắc để lựa chọn Long Hải (Vũng Tàu) hoặc Phan Thiết (Bình Thuận)… thay vì Nha Trang!
- Nếu vậy làm sao để khơi dậy tiềm năng quảng bá hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa qua phim ảnh, thưa ông?
- Lẽ dĩ nhiên, chúng ta cần phải có kế hoạch, giải pháp để thu hút các đoàn làm phim, nhất là các nhà làm phim quốc tế đến quay phim ở Nha Trang - Khánh Hòa. Nhưng tại sao chúng ta không nghĩ lớn hơn, xa hơn?
Tôi mơ Nha Trang sẽ trở thành một thành phố Cannes (Pháp) thứ hai trên thế giới. Sở dĩ thành phố Cannes nổi tiếng, thu hút du khách thập phương là vì có Liên hoan phim Cannes. Tôi đã từng bay trực thăng ngắm thành phố Cannes từ trên cao. Cảnh đẹp Nha Trang không hề thua kém Cannes. Khách sạn, bến du thuyền đã và đang được xây dựng ngày một nhiều hơn, đẳng cấp hơn. Điều Nha Trang đang thiếu là một sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế kiểu như liên hoan phim, đại nhạc hội… để tạo dấu ấn và thu hút du khách. Cứ bay đến Nha Trang, có thể được gặp mặt các tài tử điện ảnh, ngôi sao ca nhạc ai mà không thích.
Tôi nhớ trước đây Nha Trang từng đặt mục tiêu trở thành “thành phố của sự kiện”. Vậy thì ngay từ bây giờ, phải có một đề án tổng thể để hướng theo mục tiêu ấy, trọng tâm là xây dựng một liên hoan phim quốc tế ở Nha Trang. Đương nhiên, đó là một câu chuyện dài hơi và không ít những khó khăn, thách thức, nhưng cứ ngại đường đi khó mà không cất bước khởi hành thì không bao giờ đến đích. Người Hàn Quốc đã xây dựng được Liên hoan phim Busan, chúng ta có thể làm được như thế nếu có ý tưởng và quyết tâm. Mấy chục năm trước, có ai hình dung Nha Trang phát triển như bây giờ, vậy tại sao lại không dám mơ một liên hoan phim quốc tế, một đại nhạc hội tầm cỡ ở thành phố biển xinh đẹp này.
- Xin cảm ơn ông!
NSND Đào Bá Sơn sinh năm 1952 tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa 2 Trường Điện ảnh Hà Nội năm 1977. Năm 1984, ông chuyển vào sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh cho đến nay. Khi mới bước vào nghề diễn viên, ông thường được giao những vai sĩ quan Mỹ, Pháp như: vai trung úy Smith trong “Chom và Sa”, thiếu tá James trong phim “Tự thú trước bình minh” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, đại úy Snaider trong “Tình không biên giới” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, vai người cựu chiến binh Mỹ Rizt trong “Pho tượng Lastmy” của đạo diễn Nguyễn Văn Thông… Ngoài ra, ông còn được biết đến với vai trò đạo diễn của nhiều bộ phim đoạt giải thưởng cao như: Người đi tìm vàng, Cầu thang tối, Biệt ly trắng, Đi qua lời nguyền, Chị Dung, Lời tạ từ trong mưa, Đám mây không dừng lại, Long thành cầm giả ca… Năm 2011, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. |
XUÂN THÀNH